CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM (25-3-2010 - 25-3-2020)

Đầu tư nhân lực cho công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng

Tổ chức Y tế Thế giới năm 2002 đưa ra quan điểm sức khỏe tâm thần (SKTT) được hiểu là “trạng thái thoải mái, trong đó cá nhân có thể thể hiện được những năng lực của mình, có thể ứng phó được với những stress thông thường trong cuộc sống, làm việc một cách hiệu quả và có khả năng đóng góp cho cộng đồng”. Công tác xã hội (CTXH) trong chăm sóc SKTT tại cộng đồng chính là phát hiện, giải quyết và phòng ngừa các vấn đề liên quan đến SKTT.

Tại Đà Nẵng, số liệu thống kê từ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng năm 2019 cho thấy, số lượng người đến khám và điều trị các rối loạn tâm thần ngày càng tăng, tổng số lượt khám bệnh là 88.345. Trong đó, số lượt bệnh nhân điều trị nội trú là 2.971, chiếm 3.36%, số lượt điều trị ngoại trú là 85.370 chiếm 96.64%. Đây chỉ là con số phản ánh số lượng người quan tâm đến SKTT, còn thực tế tại cộng đồng còn rất nhiều những người dân do tâm lý ái ngại, sợ bị phân biệt, kỳ thị khi đến khám tại bệnh viện tâm thần hoặc chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của SKTT. Vì vậy, việc phát triển các dịch vụ CTXH từ cung cấp thông tin để phòng ngừa và phát hiện các vấn đề về SKTT cho người dân là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Từ năm 2014, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) đã được UBND thành phố phê duyệt đề án “Mô hình cơ sở phòng trị liệu rối nhiễu tâm trí, hỗ trợ người bệnh tâm thần dựa vào cộng đồng”. Trung tâm đã phối hợp với VTV8 phát sóng định kỳ hằng tháng chuyên mục “Vì hạnh phúc cộng đồng”; tổ chức tập huấn cho giáo viên và phối hợp khảo sát, đánh giá, phát hiện sớm những biểu hiện khó khăn trong giao tiếp, hành vi cho hơn 2.000  trẻ mầm non; tập huấn phòng ngừa sang chấn tâm lý sau sinh cho  hơn 3.000 phụ nữ ở địa bàn dân cư và khu công nghiệp; quản lý ca 174 bộ đội xuất ngũ bị bệnh tâm thần; qua đó, tư vấn học nghề, hỗ trợ sinh kế, sửa chữa nhà; tổ chức 48 lớp tập huấn kỹ năng chăm sóc người bệnh tâm thần cho người thân và 89 buổi nói chuyện chuyên đề về SKTT; triển khai mô hình “Sống độc lập cho trẻ chậm phát triển trí tuệ”; phối hợp với Hội Cảnh quan tập huấn kỹ năng chăm sóc cây cảnh cho 50 người bệnh tại bệnh viện và các cơ sở bảo trợ xã hội; khảo sát và phối hợp các trạm y tế trị liệu cho 50 người có dấu hiệu trầm cảm thông qua phương pháp kích hoạt hành vi... Như vậy, trung tâm đã làm tốt công tác truyền thông và trợ giúp xã hội cho nhóm nhỏ đặc thù.
Tuy nhiên, việc triển khai sâu rộng CTXH trong chăm sóc SKTT cộng đồng trên địa bàn thành phố vẫn chưa thể thực hiện bởi thiếu hụt nguồn nhân lực.

Vì vậy, cần sự đầu tư nhiều hơn từ cấp thành phố đến các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là sự phối hợp giữa hai ngành LĐ - TB&XH và Y tế thông qua việc tạo ra một quy trình liên kết chặt chẽ với các dịch vụ CTXH như can thiệp sớm, hỗ trợ y tế cộng đồng, quản lý trường hợp và kết nối nguồn lực. Trong đó, dịch vụ phát hiện và can thiệp sớm tại cộng đồng được cho là bước đầu tiên và quan trọng nhất  trong việc dự phòng và kiểm soát nguy cơ và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, thực tế người dân luôn nghĩ rằng căn bệnh này chỉ có thể chữa được bởi bác sĩ. Vì vậy, cần tuyên truyền nhiều hơn về vai trò, chức năng của nghề CTXH đối với SKTT tại cộng đồng nhằm giảm sự quá tải tại các bệnh viện, chuyên khoa tâm thần và dự phòng.

Dịch vụ hỗ trợ y tế cộng đồng là sự lồng ghép giữa can thiệp y tế và các kỹ năng can thiệp, hỗ trợ tâm lý của nhân viên CTXH là rất quan trọng, thậm chí nhờ đó, người bệnh nhẹ không cần dùng thuốc mà vẫn khỏi. Tuy nhiên, lực lượng nhân viên CTXH có thể thực hiện công việc này hiện nay tại cộng đồng đang còn bỏ ngõ. Đối với dịch vụ kết nối nguồn lực tại cộng đồng, cần được thực hiện theo hướng CTXH chuyên nghiệp. Cụ thể, việc huy động nguồn lực trợ giúp như hỗ trợ sinh kế, sửa chữa và xây mới nhà ở cho gia đình người tâm thần. Hoạt động này chúng ta làm tốt thông qua các tổ chức xã hội, đoàn thể.

Những cá nhân người tâm thần có khả năng lao động cần khuyến khích tham gia các hoạt động lao động tạo nguồn thu nhập ổn định như hỗ trợ sinh kế làm ăn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Những gia đình có người tâm thần không có khả năng lao động cần chú trọng việc trợ giúp cho người chăm sóc để tạo sự thay đổi về đời sống vật chất cho họ.

Có thể nói, việc sử dụng nguồn lực từ các tổ chức, những người làm CTXH bán chuyên trách, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, đặc biệt là đầu tư nâng cao vai trò của đơn vị cung cấp dịch vụ CTXH chuyên nghiệp là một giải pháp hữu hiệu trong chăm sóc SKTT cộng đồng hiện nay.

ĐÀM THỊ KIM ÂN

 

;
;
.
.
.
.
.