Đà Nẵng cần cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để phát triển đột phá

.

Là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương có bước chuyển mình mạnh mẽ kể từ sau ngày giải phóng đến nay, Đà Nẵng đã và đang mang trong mình “sứ mệnh” là thành phố động lực dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Chính vì vậy, việc cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách cho phù hợp với yêu cầu cao hơn đối với thành phố Đà Nẵng là cần thiết để địa phương có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Cơ chế, chính sách đặc thù sẽ là động lực để Đà Nẵng phát triển mạnh và bền vững. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Cơ chế, chính sách đặc thù sẽ là động lực để Đà Nẵng phát triển mạnh và bền vững. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng, Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng. Trước đây, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tạo điều kiện cho Đà Nẵng trở thành thành phố trung tâm, hạt nhân, đóng vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Tuy nhiên, sau hơn 15 năm triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW, dù đã có sự nỗ lực vượt bậc trong suốt nhiều năm qua về phát triển kinh tế - xã hội, nhưng gần đây tốc độ tăng trưởng của Đà Nẵng đang có chiều hướng chững lại, chưa đạt như kỳ vọng...

Vì vậy, thành phố rất cần những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá để thực sự bứt phá, tạo sức lan tỏa mạnh tới các địa phương trong khu vực. Đây cũng là lý do ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mong muốn thành phố có những chính sách mới, động lực mới để bứt phá, phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, cùng với việc đồng ý về chủ trương “cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng”, Bộ Chính trị cũng đã giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước, cho phép thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng mới đủ mạnh theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách, mô hình phát triển mới có sự tăng cường phân cấp hiệu quả hơn...

Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế phát triển của địa phương nhằm bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu do Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 43/NQ-TW.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh và các sở cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì ngày 24-2-2020 tại Bộ Tư pháp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh và các sở cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì ngày 24-2-2020 tại Bộ Tư pháp.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn, trong hơn 1 năm qua (từ tháng 2-2019 đến nay), dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Thành ủy và UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các sở: Tài chính, Nội vụ, Tư pháp và đơn vị liên quan đã nỗ lực thực hiện và hoàn thiện hồ sơ trình đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 3-2-2020, Chính phủ tiếp tục giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ cho ý kiến và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV theo quy trình một kỳ họp.

Sau nhiều phiên họp và làm việc giữa lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ngành với bộ, ngành Trung ương, ngày 4-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 24/NQ-CP về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình số 72/TTr-CP về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề xuất các chính sách đặc thù về quản lý quy hoạch, đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, phí, lệ phí, thuế, tạo động lực cho thành phố Đà Nẵng phát triển. Đồng thời đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay.

Theo đó, về điều chỉnh quy hoạch thành phố, UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch thành phố; lập, thẩm định và trình HĐND thành phố thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch thành phố; Chủ tịch UBND thành phố quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định điều chỉnh quy hoạch thành phố, trình HĐND thành phố thông qua và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện; UBND thành phố cũng thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Về chính sách huy động vốn đầu tư phát triển, dự thảo nghị quyết đề xuất nâng mức dư nợ vay của thành phố lên khá nhiều so với quy định hiện nay. Việc tăng giới hạn mức dư nợ vay sẽ bảo đảm thành phố có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như hiện nay. Đồng thời đáp ứng được nhu cầu vay lại vốn nước ngoài đã ký hiệp định hoặc dự kiến kêu gọi vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ trong thời gian tới để thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm của thành phố, với tổng nhu cầu vốn dự kiến lên tới gần 6,3 tỷ USD.

Về quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố để bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các dự án mang tính chất khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Hằng năm, căn cứ tổng số vượt thu ngân sách Trung ương và cân đối chung, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định mức bổ sung có mục tiêu cho thành phố theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và cơ chế đặc thù của thành phố theo quy định. Thành phố cũng có cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền...

Về hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển và thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại thành phố. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, HĐND thành phố quyết định các hình thức hỗ trợ đầu tư xây dựng, vận hành khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển tại thành phố; quyết định mức hỗ trợ đối với các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định.

Về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố, theo Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Võ Ngọc Đồng, Đà Nẵng là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, có 8 quận, huyện (bao gồm Hoàng Sa) và 56 phường, xã. Tổng dân số thành phố là 1.134.310 người (dân số thành thị gần 990.000 người). Mục tiêu thí điểm mô hình chính quyền đô thị nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đặc điểm tính chất của đô thị. Trên cơ sở đó, thành phố đề xuất lựa chọn phương án mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính ở quận và phường.

Theo phương án đã được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 24/NQ-CP ngày 4-3-2020, chính quyền địa phương ở thành phố, huyện Hòa Vang, xã là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở các quận và phường thuộc quận tại thành phố là UBND quận, UBND phường.

UBND quận, phường là cơ quan hành chính Nhà nước ở quận, phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố, UBND, Chủ tịch UBND quận. Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố được thực hiện từ ngày 1-7-2021 cho đến khi Quốc hội chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Như vậy, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Phước Sơn, sau khi Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, thành phố kỳ vọng Chính phủ sẽ triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết; đồng thời ban hành Nghị định quy định về phân cấp đối với: thu hút đầu tư, phát triển du lịch, quản lý đất đai, môi trường, thuế, hải quan, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xây dựng, đô thị... mang tính đột phá để tạo cơ hội cho thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, vươn tầm đô thị quốc tế, xứng đáng là thành phố đáng sống, là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên.

DIỆP NHƯ

Ngày 4-3-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết số 24/NQ-CP của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Chính phủ thống nhất nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo phương án 1) như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 848/TTr-BKHĐT ngày 13-2-2 020 và văn bản số 1279/BC-BKHĐT ngày 28-2-2020. Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV theo quy trình một kỳ họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.

“Việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết để Đà Nẵng có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng là đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung- Tây Nguyên, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Từ đó, Đà Nẵng đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra”. 

(Trích phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu tại cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị quyết Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào ngày 24-2 -2020)

 

;
;
.
.
.
.
.