Làm gương cho con từ điều nhỏ

Ngay ở bậc học mẫu giáo, các em nhỏ đã được các cô giáo dạy rất kỹ các kiến thức vệ sinh cá nhân. Không chỉ có học lý thuyết suông, hằng ngày, các em được các cô hướng dẫn thực hành như trước khi ăn phải rửa tay, sau khi ăn phải đánh răng; giày dép, cặp vở phải sắp xếp gọn gàng; vứt rác đúng nơi quy định...

Lớn lên một tý, khi các em bước vào bậc tiểu học thì được các thầy, cô giáo dạy thêm kiến thức khi tham gia giao thông như chỉ qua đường khi đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh và phải đi đúng nơi dành cho người đi bộ; không giẫm lên bồn hoa, thảm cỏ...

Nói chung tùy theo lứa tuổi, cấp học mà ngành giáo dục dạy cho các em những kiến thức cơ bản nhất từ thấp đến cao, phù hợp với tâm sinh lý, khả năng tiếp thu và thực hành của các em, nhằm hướng đến việc đào tạo nên những con người có ứng xử đúng luật và văn minh.

Nhà trường dạy các em nhỏ rất kỹ, có tính hệ thống và liên tục ở các cấp học. Thế nhưng, có một thực tế là kết quả thu được khá thấp, khi chính các em lớn lên, ra đời vẫn vi phạm khá nhiều điều hay, lẽ phải đã được dạy dỗ trong nhà trường.

Thậm chí, nhiều người trưởng thành và có con đi học - tức đã trở thành phụ huynh thì vẫn không thể là tấm gương cho con, em mình noi theo những điều đã được dạy trong trường trước đây. Một bộ phận không nhỏ phụ huynh vẫn thản nhiên vứt rác theo kiểu tiện đâu vứt đấy; qua đường tùy thích hay thói quen rửa tay trước khi ăn nhiều phụ huynh cũng... quên mất!

Điều đáng nói là nhiều bậc phụ huynh tự nhiên thực hiện các hành vi không đúng mực ngay trước mặt con trẻ, hoàn toàn quên đi rằng ngay trong lớp học vừa đó thôi con của mình đã được thầy, cô giáo dạy những điều hoàn toàn ngược lại.

Thế giới và Việt Nam đang căng mình để chống lại Covid-19 đang lan rộng đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ với số người chết và bị nhiễm bệnh với tốc độ báo động. Trong lúc chờ đợi các nhà khoa học, bác sĩ trên toàn thế giới hợp sức chống loại virus quái ác, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất, đó vẫn là phải bảo đảm vệ sinh cá nhân cũng như môi trường sống, làm việc sạch sẽ. Tính ra công tác dự phòng dịch bệnh không khác gì với những điều nhà trường đã dạy cho học sinh từ các cấp học lâu nay.

Tương tự, khi tai  nạn giao thông tăng mạnh, các cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo, truyền thông được đẩy mạnh thì dù dưới hình thức nào đi nữa vẫn xoay quanh nội dung tuyên truyền là người đi đúng luật. Và thêm lần nữa những bậc phụ huynh phải “giật mình”, khi nhận ra những điều này là không mới và bản thân mình rồi con mình đều đã được dạy từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.

Chỉ có điều, nhiều phụ huynh học xong thì trả lại cho thầy cô mà thôi. Nhà trường dù có nỗ lực đến đâu, nếu như không có sự hợp tác và làm gương của bậc phụ huynh sẽ rất khó có kết quả như mong đợi.

Con cái luôn nhìn vào cha mẹ như là tấm gương để noi theo. Thế nhưng, khi cha mẹ không gương mẫu, không “thuộc bài” và thực hành những gì đã được học từ nhà trường, con trẻ biết nhìn vào đâu?

T.S

;
;
.
.
.
.
.