Nâng cao ý thức người dân trong phân loại rác thải tại nguồn

.

Với mong muốn mang lại môi trường sống xanh, sạch, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã và đang thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Sau một thời gian triển khai thí điểm, ý thức của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt trong phân loại các loại rác thải.

Công nhân Xí nghiệp Môi trường Hải Châu thu gom rác thải sau khi đã được người dân phân loại tại nguồn. 							       Ảnh: HÀ KHUÊ
Công nhân Xí nghiệp Môi trường Hải Châu thu gom rác thải sau khi đã được người dân phân loại tại nguồn. Ảnh: HÀ KHUÊ

Hơn nửa năm nay, trong nhà nhiều hộ dân trên địa bàn quận Hải Châu đã có những chiếc túi được chia làm ba ngăn. Trong chiếc túi để ở phía trước nhà của bà Lê Thị Thùy (trú phường Hải Châu 1) có một ít vỏ lon, vài chiếc chai nhựa. Bà Thùy cho biết, chiếc túi này một ngăn được dùng để đựng giấy vụn, một ngăn đựng chai lọ nhựa đã qua sử dụng, một ngăn dùng đựng vỏ lon bia. Sau khi dùng xong, loại nào được phân ra loại đấy, thùng rác trong nhà chỉ dùng đựng các loại rác thải sinh hoạt khác như: rau, củ, túi nilon cũng được bà gom vào một túi riêng. Không riêng gì gia đình bà Thùy, nhiều gia đình khác trên địa bàn quận cũng đã quen dần với việc phân loại rác thải tại nhà.

Là một trong những địa phương triển khai thí điểm việc phân loại rác thải tại nguồn, phường Hải Châu 1 đã làm khá tốt công việc này. Để nâng cao ý thức của người dân, phường đã tổ chức buổi phát động phong trào chống rác thải nhựa, các hội nghị tuyên truyền công tác thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và 9 đợt tuyên truyền sâu rộng đến từng gia đình, cá nhân thông qua các buổi họp tổ dân phố để người dân hiểu, có trách nhiệm, góp phần tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và bảo vệ môi trường. Phường Hải Châu 1 cũng phối hợp với ban điều hành tổ dân phố treo 40 pano tại các địa điểm thuận lợi, dễ nhìn tại các khu dân cư, cấp phát 150 sổ tay tuyên truyền, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; phát hơn 2.600 tờ dán cho từng hộ gia đình để biết và thực hiện; đồng thời phối hợp với tổ trưởng tổ dân phố cung cấp 2.759 túi đựng rác cho từng hộ gia đình.

Ngoài việc vận động người dân tham gia tại các hộ gia đình, phường Hải Châu 1 còn vận động hội viên Hội LHPN phối hợp với Câu lạc bộ môi trường Cựu chiến binh, Ban Quản lý chợ Hàn cùng Hội LHPN chợ Hàn trong việc vận động hội viên, tiểu thương tham gia và hỗ trợ địa phương trong việc triển khai thực hiện tại chợ. Sau thời gian thực hiện thu gom thí điểm, phường đã thu gom được 3.861kg nhựa các loại, giấy, lon bia, sắt, nhôm... thu được hơn 14,7 triệu đồng; gom tại khu dân cư được 2.633kg thu được hơn 10 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1, đơn vị luôn xác định công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần từng bước xây dựng lối sống mới trong người dân đô thị, hướng đến mục tiêu xây dựng quận Hải Châu trở thành quận môi trường. Theo đó, phường đã tích cực chủ động triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân trong quá trình thực hiện. Nhờ có sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của cả hệ thống chính trị từ phường đến khu dân cư nên phong trào có sức lan tỏa, ý thức của người dân ngày càng được nâng cao trong viêc thực hiện việc phân loại rác thải.

Là đơn vị tham gia thu gom thí điểm tại 2 phường Hải Châu 1 và Hòa Cường Nam, ông Trần Việt Khánh, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Hải Châu cho hay, việc triển khai thí điểm này được thực hiện từ tháng 7-2019. Hằng tuần, công nhân của xí nghiệp đi thu gom rác thải đã được phân loại vào thứ Tư và Chủ nhật. Việc thu gom sẽ được ghi chép cụ thể theo ngày tháng, khối lượng... Sau thời gian thí điểm, tổng kết năm 2019, phường Hải Châu 1 đã thu gom được 3.861kg, thu về hơn 14,7 triệu đồng; phường Hòa Cường Nam thu gom được 4.917kg, thu về 19 triệu đồng.

Theo ông Khánh, việc phân loại rác tại nguồn có rất nhiều lợi ích, vừa góp phần giảm tải cho bãi rác Khánh Sơn vừa hạn chế việc ô nhiễm môi trường. Kinh phí thu về sau thu gom có thể được dùng cho các hoạt động hội, đoàn thể như khuyến học, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn... Đến nay, sau thời gian thí điểm, ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn đã được nâng cao hơn. Một phần do địa phương thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền tới từng tổ dân phố, từng hộ gia đình trong việc phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, với nhiều người chưa có thói quen nên ban đầu việc phân loại còn lúng túng, cần có thời gian để thích nghi, triển khai...

Một trong những thuận lợi trong việc triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn là quận Hải Châu có 2 nhà kho để chứa nguyên liệu thu gom được. Dự kiến, tới đây, quận Hải Châu sẽ triển khai rộng rãi việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Quận sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình, nâng cao ý thức cộng đồng trách nhiệm với địa phương trong viêc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tái chế và tái sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, quận xây dựng và triển khai hiệu quả “phương án thu gom rác thải năm 2020”; xây dựng quy trình giám sát cụ thể của các đơn vị liên quan và huy động sự tham gia phối hợp của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận trong việc giám sát nhằm tăng cường công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trên địa bàn quận...

HÀ KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.