Trước diễn biến phức tạp của Covid-19 những ngày qua, ngành Giao thông vận tải thành phố đã thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và du khách.
Ngành Giao thông vận tải thành phố đã và đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng Covid-19. TRONG ẢNH: Kiểm tra việc khử trùng tại Ga Đà Nẵng ngày 7-3. Ảnh: PHONG LAN |
Sân bay quốc tế Đà Nẵng là nơi đón lượng khách nước ngoài rất lớn nên được ví như “tuyến đầu” trong công tác phòng, chống Covid-19. Đại tá Phạm Minh Án, Trưởng Công an Cửa khẩu Sân bay quốc tế Đà Nẵng (Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) cho biết, đơn vị đã nỗ lực thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác phòng, chống Covid-19 ngay từ khi các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về một loại virus lạ từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Do đó, ngay từ đầu tháng 1, đơn vị đã họp bàn và có phương án kiểm tra kỹ việc nhập cảnh của các du khách đến từ thành phố Vũ Hán, phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế lưu ý những du khách có biểu hiện không tốt về sức khỏe.
Ông Phạm Minh Án cho biết, từ khi có chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an, đơn vị đã chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan, phối hợp với các hãng hàng không phát hiện các trường hợp nghi nhiễm bệnh để cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giám sát phân luồng các chuyến bay để hỗ trợ lực lượng hải quan về công tác soi chiếu hàng hóa, phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế phân luồng, hướng dẫn những hành khách cần cách ly vào khu vực cách ly riêng, đo thân nhiệt, khám lâm sàng và điều tra yếu tố dịch tễ của hành khách.
Bên cạnh việc tạm thời không cấp thị thực du lịch đối với khách nước ngoài tới từ vùng dịch, đơn vị cũng xét duyệt chặt chẽ đối với khách nhập cảnh với các mục đích khác, đặc biệt kiểm tra những hành khách liên tục nhập cảnh nhiều nước trong thời gian gần đây, phối hợp với công an các địa phương rà soát, thống kê số khách du lịch để có biện pháp kiểm soát.
Ga Đà Nẵng cũng đã có những biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân và du khách. Ông Nguyễn Lộc Nam, Phó trưởng Ga Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã xây dựng nhiều kịch bản nhằm ứng phó với Covid-19. Trong tình huống Ga Đà Nẵng nhận được thông báo của các cơ quan chức năng thành phố rằng trên tàu có khách nghi nhiễm, nhà ga sẽ báo ngay với trưởng tàu để cho hành khách đó xuống ga; đồng thời, bố trí lối đi riêng, phân luồng cho hành khách để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Sau khi xuống tàu, hành khách nghi nhiễm sẽ được đưa vào phòng cách ly (được bố trí ở gần lối đi riêng, thuận tiện cho xe ra vào). Ga Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Sở Y tế thành phố để phun thuốc khử trùng toa xe cũng như môi trường làm việc của các nhân viên.
Trường hợp trưởng tàu có thông tin nghi ngờ một trường hợp nào, Ga Đà Nẵng sẽ thông báo với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Sở Y tế để phối hợp phân luồng, cách ly, phun thuốc. Trong trường hợp phát hiện khách có các biểu hiện ho, sốt... trong phòng đợi tàu, sẽ thông báo đến đường dây nóng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, đồng thời tiến hành phân luồng, đưa khách vào phòng cách ly trong khi chờ cơ quan chức năng đến xử lý. Các kịch bản trên sẽ được thay đổi liên tục tùy theo diễn biến thực tế.
Về vấn đề phòng ngừa, ông Nguyễn Lộc Nam cho biết: “Chúng tôi đã trang bị máy đo thân nhiệt, bình sát khuẩn ở phòng đợi tàu. Thứ sáu hằng tuần, các đơn vị đóng trên địa bàn ga sẽ tiến hành tổng vệ sinh khu ga.
Trong tháng 2 vừa qua, Trung tâm Y tế đường sắt và Trung tâm Y tế quận Thanh Khê đã tiến hành phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực ga 2 lần. Ngày 7-3, sau khi phát hiện có 4 du khách nước ngoài từng ngồi cùng chuyến bay với bệnh nhân số 17 đang đi trên chuyến tàu SE3 từ Hà Nội vào Đà Nẵng, Ga Đà Nẵng đã được phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực”.
Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn - Chi nhánh Đà Nẵng cho hay: “Trước đây khi mua vé tàu, ngoài số chứng minh nhân dân, hành khách còn được đề nghị nhập số điện thoại để nhà ga tiện thông báo lịch trình tàu, song vẫn có nhiều trường hợp không nhập số điện thoại. Kể từ ngày 10-3, chúng tôi được yêu cầu phải nhập số điện thoại của khách khi mua vé tại tất cả các kênh bán vé của ngành đường sắt bao gồm các nhà ga, đại lý, trang web, các ứng dụng bán vé, tổng đài bán vé... để có thông tin cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước khi có nghi ngờ dịch bệnh”.
Bên cạnh đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn - Chi nhánh Đà Nẵng cũng đã soạn thảo quy trình xử lý các tình huống, phân công cụ thể nhiệm vụ của tổ tàu, bộ phận mặt đất... Đồng thời, đơn vị cũng quán triệt đến toàn bộ cán bộ, nhân viên ý thức tự phòng tránh dịch bệnh, vệ sinh ga thường xuyên...
Hiệp hội Taxi đang tìm giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. TRONG ẢNH: Tài xế Taxi Tiên Sa vệ sinh xe phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: MAI QUẾ |
Tại Bến xe Đà Nẵng, ông Phạm Lợi, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý bến xe và dịch vụ vận tải khách cho biết, ngày 9-3 vừa qua, UBND phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu phun thuốc khử trùng khu vực bến xe và quanh bến xe.
Ông Lợi cho biết, đơn vị trang bị máy đo thân nhiệt cầm tay để đo thân nhiệt những hành khách, tài xế, người lao động... bị nghi sốt. Nếu xe nào có chở người nghi nhiễm bệnh sẽ phải đỗ ở bãi ngoài. Ngoài ra, Công ty CP Quản lý bến xe và dịch vụ vận tải khách cũng bố trí 1 phòng cách ly đặc biệt trong khu vực bến. Những nhân viên, hành khách có biểu hiện liên quan đến Covid-19 sẽ được đưa vào phòng này trong khi chờ xử lý.
Mỗi ngày, đơn vị đều phát khẩu trang y tế miễn phí cho cán bộ, công nhân viên; đồng thời đề nghị hành khách khi đến bến xe cũng phải tự bảo vệ mình và cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang y tế. Theo ông Lợi, Công ty CP Quản lý bến xe và dịch vụ vận tải khách đã yêu cầu các nhà xe thực hiện nghiêm việc phun thuốc khử trùng, nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang, giữ vệ sinh khi ở trên xe.
Sau khi có thông tin hai du khách Anh nhiễm SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp taxi vốn đã gặp khó trước đó, nay lại càng khó khăn hơn. Ông Trương Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho hay, hiện nay các hãng taxi gần như rơi vào trạng thái “ngủ đông”, bởi lẽ lượng hành khách giảm đến 80% so với trước khi Covid-19 bùng phát, các hãng taxi thông tin với Hiệp hội là rất nhiều tài xế taxi xin nghỉ việc trong giai đoạn này. Ông Tuấn cũng cho rằng, có thể hiểu được tâm lý của các tài xế vì sức khỏe vẫn là điều quan trọng nhất, do đó, Hiệp hội Taxi cũng đang tìm giải pháp phù hợp trong giai đoạn này, tiếp tục quán triệt các doanh nghiệp taxi yêu cầu các tài xế đeo khẩu trang khi làm việc, vệ sinh xe, tay nắm cửa... và thường xuyên rửa tay hoặc đeo găng tay. |
MAI QUẾ - KHANG NINH