Phát huy vai trò hạt nhân của Đà Nẵng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên

.

Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành Chương trình số 46-CTr/TU triển khai thực hiện chuyên đề “Phối hợp, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để xây dựng và triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù, các dự án động lực, trọng điểm, tạo sự liên kết, lan tỏa phát triển trong khu vực, phát huy vai trò hạt nhân của Đà Nẵng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên” theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: Phối hợp, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để xây dựng và triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù. Nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1-11-2016 của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng và đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động chính quyền các cấp tại thành phố Đà Nẵng để có cơ sở trong việc đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trong thời gian đến, cũng như đề xuất thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại thành phố.

Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng. Nghiên cứu đề xuất thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế, trên cơ sở luật pháp hiện có, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hiện đại, phù hợp ở một số quốc gia phát triển mạnh về cảng biển nhằm đưa dịch vụ cảng biển - logistics trở thành ngành có đóng góp chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của thành phố. Xác định rõ nội dung cơ chế, chính sách, công trình, dự án cụ thể nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW để phân công cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, lãnh đạo phụ trách, chỉ đạo và có kế hoạch, lộ trình cụ thể.

Tập trung triển khai các dự án động lực, trọng điểm, tạo sự liên kết, lan tỏa phát triển trong khu vực… Đối với các công trình, dự án do thành phố Đà Nẵng quản lý cần tập trung huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thành phố, gồm: Đường vành đai phía tây (đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh); dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng - OFID (đường và cầu qua sông Cổ Cò, tuyến đường Vành đai phía tây 2); cải tạo, nâng cấp mở rộng và chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch; nghiên cứu cải tạo cảng Sông Hàn trở thành cảng đón tàu biển du lịch quy mô lớn (sau khi phê duyệt quy hoạch tổng thể cảnh quan hai bên bờ sông Hàn). Sớm đầu tư triển khai các dự án: Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị, dự án kết nối giao thông ngầm hướng đông-tây qua sân bay quốc tế Đà Nẵng, các dự án trọng điểm, động lực của thành phố Đà Nẵng có tính kết nối, liên kết vùng.

Phát huy có hiệu quả vai trò hạt nhân của Đà Nẵng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; triển khai điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng, trong đó thành phố Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi các đô thị Huế-Đà Nẵng-Chu Lai Kỳ Hà-Dung Quất (Vạn Tường)-Quy Nhơn; hình thành vùng đô thị Đà Nẵng, bao gồm Chân Mây (Lăng Cô)-Đà Nẵng-Điện Bàn-Hội An-Nam Hội An; quy hoạch bán đảo Sơn Trà.

Rà soát lại quy hoạch phát triển không gian đô thị; quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo hướng xác lập, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng. Kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu, rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, theo hướng trao đủ thực quyền ra quyết định, nghiên cứu chuyển giao chức năng phát triển kinh tế từ chính quyền địa phương cho bộ máy vùng.

Thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế; hợp tác liên kết phát triển du lịch ba tỉnh duyên hải miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam); khai thác tiềm năng, thế mạnh với vai trò là điểm cuối, cửa ngõ để ra Biển Đông trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng trên cơ sở khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh hạt nhân của thành phố Đà Nẵng và lợi thế vùng.

Phát triển thành phố Đà Nẵng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và các công nghệ cao khác để trở thành thành phố thông minh (trục chính là xây dựng hệ thống dịch vụ thông minh-giao thông thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, chính phủ điện tử…).

Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thí điểm cơ chế đổi mới sáng tạo, đưa thành phố Đà Nẵng thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đào tạo doanh nghiệp… Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại, trở thành điểm đi và đến của hàng hóa bán buôn; hoàn thiện hệ thống bán lẻ (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn…) đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và khách du lịch; nâng cao hiệu quả các hoạt động xuất nhập khẩu.

Phát triển thành phố trở thành trung tâm tài chính của khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Phát triển Đà Nẵng thành trung tâm trung chuyển quốc tế với cảng biển và cảng hàng không hiện đại, cửa ngõ kết nối giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với thế giới và khu vực, trở thành một địa chỉ du lịch đặc sắc và đẳng cấp cao, liên kết với các địa phương trong vùng, có sức hấp dẫn mạnh mẽ du khách toàn cầu, đặc biệt là nâng tầm vùng du lịch Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam về chất lượng dịch vụ và khác biệt sản phẩm.

Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao; tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ sản xuất công nghệ cao; từng bước phát triển ngành công nghiệp môi trường…

P.V

;
;
.
.
.
.
.