Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975

Những nét đặc sắc của Đà Nẵng

.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng mùa Xuân 1975 đã kết thúc chặng đường dài chống xâm lăng, là đỉnh cao của 30 năm giải phóng và 21 năm kiên cường kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân thành phố Đà Nẵng anh hùng.

Tự vệ Đà Nẵng phối hợp với quân giải phóng giữ gìn trật tự đường phố sau ngày giải phóng 29-3-1975. Ảnh: TTXVN
Tự vệ Đà Nẵng phối hợp với quân giải phóng giữ gìn trật tự đường phố sau ngày giải phóng 29-3-1975. Ảnh: TTXVN

Đến nay, 45 năm đã qua kể từ ngày thành phố Đà Nẵng được giải phóng, bằng các nguồn tư liệu lịch sử được phát hiện, thu thập và lưu giữ ngày càng nhiều, với phương pháp luận của khoa học lịch sử và các ngành liên quan, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nhận thức rõ hơn thắng lợi to lớn cùng những nét đặc sắc của Đà Nẵng trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Thời gian là lực lượng

Sau ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973), Mỹ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng chính quyền và quân đội Sài Gòn làm công cụ cho chính sách thực dân mới của Mỹ ở miền Nam. Hội nghị Bộ Chính trị họp tháng 10-1974 và tháng 1-1975 đã khẳng định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976. Đến ngày 25-3-1975, Hội nghị Bộ Chính trị họp nêu quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 10-3-1975, quân ta tiến công thị xã Buôn Ma Thuột và sau đó ta lần lượt giải phóng Tây Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi… Đà Nẵng bị bao vây và trở thành chiếc “túi đựng” tàn quân của địch.

“Chiến thắng oanh liệt ở Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên đã tạo ra thời cơ giải phóng Đà Nẵng. Ta phải tập trung lực lượng từ hai phía, từ Thừa Thiên Huế đánh vào và từ Nam  Ngãi đánh ra, nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch ở Đà Nẵng, không cho chúng rút chạy để co cụm về Sài Gòn.

Trong lúc này, thời gian là lực lượng. Phải hành động hết sức táo bạo bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay. Các anh cần sử dụng ngay lực lượng của Quân khu và của tỉnh đánh ngay vào Đà Nẵng. Phải có biện pháp đặc biệt để hành quân nhanh nhất, kịp thời khống chế, chiếm lĩnh các sân bay, bến cảng, bao vây, chia cắt để tiêu diệt địch” (1).

Đoạn trích dẫn trên đây là nội dung cốt lõi của bức điện Gửi Anh Năm Công và Anh Hai Mạnh (2) vào lúc 18 giờ ngày 27-3-1975 của Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn, chuyển tải một cách ngắn gọn và rõ ràng nhất kế hoạch giải phóng Đà Nẵng của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tại cuộc họp ngày 25-3-1975.

Ở đây, chúng ta cần lưu ý hai điểm mấu chốt:

Một là, chiến thắng Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên tạo thời cơ giải phóng Đà Nẵng. Bởi vậy, để giải phóng Đà Nẵng, vấn đề chủ yếu là tận dụng thời gian, thời gian là lực lượng, bởi “chiến tranh đã chuyển sang giai đoạn nhảy vọt” (3); chớp lấy thời cơ nghìn năm có một, tranh thủ và tận dụng thời gian là điểm mấu chốt để giải quyết bài toán Đà Nẵng.

Hai là, giải phóng Đà Nẵng là nhiệm vụ kép, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là giải phóng thành phố Đà Nẵng, nhiệm vụ quan trọng là phải tiêu diệt địch, chiếm lĩnh các mục tiêu chủ yếu, không cho địch co cụm về Sài Gòn (nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tiếp theo, tức chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn - Gia Định).

Xuất phát từ chủ trương và chỉ đạo tài tình này, trên cơ sở phân tích “bố trí của địch ở Đà Nẵng tuy chưa bị đảo lộn, mặc dù chúng kêu gọi tử thủ, nhưng tinh thần quân lính đang suy sụp”, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà “cần nắm vững phương châm: “táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng”, khẩn trương tiến công, bao vây tiêu diệt địch, khống chế sân bay, hải cảng, chú ý làm tốt việc tiếp quản thành phố một triệu dân này, thực hiện tốt chính sách tù, hàng binh và chính sách chiến lợi phẩm” (4). Diễn biến của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng mùa Xuân 1975 đã theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.

Tìm phương án tối ưu để giải phóng Đà Nẵng

Theo dõi sát diễn biến chiến trường, trên cơ sở chủ trương của Bộ Chính trị, Khu ủy 5 và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã kịp thời điều chỉnh sự chỉ đạo trên toàn chiến trường. Vào lúc 24 giờ, ngày 18-3-1975, trên cơ sở phân tích tình hình địch và ta, Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công gửi bức điện cho Bộ Chính trị đề nghị mở cuộc tấn công giải phóng Đà Nẵng. Ngày 23-3-1975, Thường vụ Khu ủy 5 trực tiếp thông báo với Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà về diễn biến tình hình chung trên chiến trường và nhận định khả năng giải phóng Đà Nẵng, Thường vụ Khu ủy đưa ra ba phương án:

- Khi Huế và Tam Kỳ được giải phóng, địch bên trong Đà Nẵng bị rối loạn, quân chủ lực của ta chưa đến kịp thì Quảng Đà phải huy động toàn bộ lực lượng vũ trang, chính trị tại chỗ, kịp thời tấn công, nổi dậy giải phóng thành phố.

- Sau khi đánh giải phóng thị xã Tam Kỳ, lực lượng của Sư đoàn 2 chủ lực Quân khu sẽ tiến ra Đà Nẵng và Sư đoàn 304 đứng chân ở Thượng Đức sẽ từ phía Tây Nam đánh xuống.

- Giải phóng Đà Nẵng bằng lực lượng chủ lực cơ động của Bộ Tổng, phải chờ sau giải phóng Huế mới tiến vào giải phóng Đà Nẵng, phương án này phải có thời gian chuẩn bị để bảo đảm công tác hậu cần.
Tuy nhiên, dù thực hiện phương án nào, Quảng Đà cũng phải làm thật tốt 3 việc: Phải làm cho địch tan rã tại chỗ, không để địch co cụm về phía Nam (phía Sài Gòn); không để địch cưỡng ép dân đi vào Nam; phải bảo vệ nguyên vẹn thành phố, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, có kế hoạch tiếp tế, cứu trợ cho dân, không để dân bị đói.

Thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy, ngày 24-3-1975, tại căn cứ Hòn Tàu (xã Xuyên Hiệp, Duy Xuyên), Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà họp bàn kế hoạch tổ chức huy động quần chúng bên trong nổi dậy làm chủ thành phố khi các cánh quân chủ lực tiến vào Đà Nẵng. Đặc Khu ủy Quảng Đà chủ trương: “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”.

Chính sự thống nhất về chủ trương và kế hoạch từ Trung ương đến địa phương và sự sáng tạo trong tổ chức thực hiện đã góp phần tạo nên sự thắng lợi giòn giã và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng mùa Xuân 1975.

                                                    (Còn nữa)

Bùi Xuân

1. Lê Duẩn: Thư vào Nam, ST, H, 1985, tr.381,382.
2. Anh Năm Công là đồng chí Võ Chí Công – Bí thư Khu ủy 5; Anh Hai Mạnh là đồng chí Chu Huy Mân – Tư lệnh Quân khu 5.
3, 4: Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng, CTQG, H, 2000, tr242,242,243.

;
;
.
.
.
.
.