Trở về trong vòng tay Tổ quốc

.

ĐNO - Hai tiếng “Tổ quốc” thiêng liêng cất lên trong lòng những người Việt xa xứ khi chuyến bay mang “sứ mệnh” đón họ về nước hạ cánh xuống một đường băng nào đó trên mảnh đất hình chữ S. Giữa lúc Covid-19 đang diễn biến phức tạp, họ càng “thấm” hơn sự chở che của đất mẹ.

Cán bộ y tế đo thân nhiệt cho công dân được cách ly tại Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ. Ảnh: XUÂN SƠN
Cán bộ y tế đo thân nhiệt cho các công dân được cách ly tại Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ. Ảnh: XUÂN SƠN

An tâm về mọi mặt

Là 1 trong số 57 công dân Việt Nam hoàn thành cách ly tại Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (đợt cách ly đầu tiên vào cuối tháng 2-2020), anh Nguyễn Cao K.D chia sẻ: “Khi chuyến bay từ Daegu (Hàn Quốc) hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng, tôi biết sẽ được cách ly tại Đà Nẵng. Ban đầu, tôi có chút lo lắng không biết việc cách ly sẽ như thế nào, môi trường cách ly sẽ ra sao trong 14 ngày. Tuy nhiên, thấy sự tận tình của các cán bộ y tế và chiến sĩ quân đội từ lúc ở sân bay cho tới lúc về nơi cách ly, bản thân mới hiểu và an tâm hơn. Có thể nói, không đâu bằng Tổ quốc. Chỉ có Tổ quốc mới cho mình những điều kiện tốt nhất để bảo đảm sức khỏe và tinh thần!”.

Cô sinh viên K.D (quê ở Hội An, Quảng Nam) vừa trở về Đà Nẵng từ Thái Lan ngày 21-3 cùng 5 người bạn. Từ nơi cách ly tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, D. hào hứng kể về trải nghiệm của mình: “Em đi học ở Thái Lan. Ở bên đó, tâm lý xa nhà kèm theo diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến em và bạn bè không khỏi lo sợ, không biết mình sẽ ra sao… Thế rồi, khi được Nhà nước tạo điều kiện để trở về, nỗi lo ấy đã hoàn toàn biến mất. Ở nơi cách ly, em được các anh, các chú bộ đội nấu cơm ngon để ăn, giúp đỡ mọi mặt và tâm lý em lúc này đã hoàn toàn thoải mái, an tâm giữ sức khỏe tới ngày hết cách ly”.

Cùng nơi cách ly với D., chị K.X (Việt kiều từ bang Texas, Hoa Kỳ) cho biết: “Dù điều kiện sinh hoạt ở đây không phải quá đầy đủ hay tiện nghi như ở nhà, nhưng tôi và con nhỏ của mình được ăn uống đủ chất, được chăm sóc y tế tận tình và sống trong sự đoàn kết, hòa nhã của mọi người. Tôi nghĩ, những khó khăn nếu có ở nơi cách ly sẽ không là gì so với sự nguy hiểm của Covid-19. Được về nước là vui lắm rồi!”.

Thiếu tá Vũ Văn Nam, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Bộ binh 971, Phó Chỉ huy thường trực Khung tiếp nhận cách ly tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho biết: “Người vào nơi cách ly có nhiều độ tuổi, nhiều thành phần và về từ nhiều quốc gia. Bản thân lực lượng tại đây cam kết nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các công dân này hoàn thành cách ly, đồng thời cũng mong mọi người có ý thức tốt, cùng nhau chung tay phòng, chống Covid-19 hiệu quả”.

Cán bộ chiến sĩ chuẩn bị bữa ăn cho công dân được cách ly tại
Cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị bữa ăn cho công dân được cách ly tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh. Ảnh: XUÂN SƠN

Hướng về Tổ quốc từ xa

Đang học tại Trường Đại học Paris XI (Pháp), Hoàng Tuyết Trân (Đà Nẵng) cho biết mình chưa thể về nước đợt này. Trân kể, bản thân đã chuẩn bị hành lý và tư tưởng để về nước thực tập vào cuối tháng 3-2020, cũng như chuẩn bị cho việc sẽ được cách ly khi về. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Trân đã chọn cách ở lại nước Pháp.

Trân cho hay, tình hình dịch bệnh ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng lên ngàn ca theo từng ngày. Từ ngày 15-3, Chính phủ Pháp đã tạm đóng cửa tất cả các trường học, vì vậy, các bạn du học sinh ở đây đã tranh thủ đặt vé trở về nước.

Nơi Trân ở là ngoại ô Paris, trong vùng Îls- de- France - nơi được đánh giá bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19. Cô cho biết, ở đây mọi người chấp hành rất nghiêm túc lệnh giới nghiêm của Chính phủ Pháp đưa ra, tranh thủ tập luyện thể thao tại nhà để nâng cao sức khỏe. Tất cả cửa hàng đều đóng cửa trừ hiệu thuốc và siêu thị. Mọi người xếp hàng rất văn minh dù khá đông, mỗi người đều cách nhau 1m, tuy vậy rất hiếm người đeo khẩu trang.

“Tôi nhận thấy số lượng người Việt học tập và định cư ở các nước đang về nước khá nhiều, có lẽ là từ sự tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch mà Việt Nam đã làm được trong thời gian qua. Tuy nhiên, tôi chọn ở lại, một phần vì ngại nguy cơ lây nhiễm trên các chuyến bay về nước, vô hình trung lại gây áp lực lên nền y tế Việt Nam. Cách tôi chọn ở lại là giữ bản thân chính mình, gia đình và bạn bè xung quanh được an toàn”, Trân chia sẻ.

Hiện những đường bay từ châu Âu về Việt Nam đã được tạm dừng do ảnh hưởng của Covid-19. Từ nước Pháp, Trân vẫn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, động viên gia đình không nên lo lắng và bản thân luôn tin tưởng công tác phòng, chống dịch của đất nước sẽ thành công.

Là đồng hương Đà Nẵng với Trân, đang làm thiết kế đồ họa ở London (Anh), Phong Phan cho biết tình hình ở nơi mình ở: “Tính đến lúc 0 giờ ngày 22-3, ở Anh đã có hơn 5.000 ca nhiễm Covid-19, tăng hơn 1.000 ca chỉ trong 24 giờ và đã có hơn 200 người tử vong. Nhiều hàng quán đóng cửa. Người dân được khuyến cáo ở trong nhà và người già trên 70 tuổi cần phải cách ly tại chỗ, rửa tay thường xuyên và không đeo khẩu trang, trừ trường hợp bản thân bị bệnh…”.

Ở nơi Phan cư trú, tình trạng hàng hóa trở nên khan hiếm, kể cả việc mua hàng trực tuyến đều khó. Trước tình hình phức tạp hiện nay, trong lúc nhiều du học sinh đã về nước, vẫn có nhiều người chấp nhận ở lại và cách ly trong nhà để tiếp tục theo dõi tình hình sắp tới. Phan cũng là một trong số đó.

"Tôi thấy khả năng mắc Covid-19 của việc ở lại và bay về nước là như nhau, ở sân bay và trên máy bay là những nơi đông người và đa phần các ca bệnh mới ở Việt Nam cũng là du học sinh từ nước ngoài về. Và tôi cũng lo hệ thống y tế ở Việt Nam sẽ sớm trở nên quá tải nếu số lượng người về lây nhiễm chéo tăng lên”, Phan cho biết.

Phan lựa chọn ở lại Anh vì có công việc ở đây và hiện đang tự cách ly trong nhà, hằng ngày cập nhật tin tức, tuỳ theo diễn biến tình hình sắp tới sẽ đưa ra quyết định nên về hay ở lại.

Cả Phan và Trân đều đưa ra những chia sẻ của mình về câu chuyện một số công dân có thái độ chưa đúng mực với công tác cách ly phòng, chống Covid-19 của đất nước. Phan cho biết: “Thực hiện việc cách ly cũng là để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cho gia đình. Tôi nghĩ, những ý kiến thể hiện thái độ chê trách các nơi cách ly đa phần là do họ chưa nắm rõ thông tin, chưa suy nghĩ thấu đáo để nhận thấy rằng Việt Nam đã và đang làm rất tốt so với nhiều nước. Được trở về nhà an toàn giữa đại dịch lúc này là một điều may mắn nên mong mọi người nhìn nhận vấn đề một cách văn minh và hiểu biết hơn”.

Cùng quan điểm với Phan, Trân cho hay: “Bạn bè có nhiều trường hợp đến sân bay rồi mắc kẹt lại không thể bay về Việt Nam được. Theo tôi nghĩ, ai có cơ hội về nước thì thật tốt vì có gia đình, đất nước ở bên, khi ấy mọi khó khăn có thể vượt qua. Chính phủ đã cam kết: “Không ai bị bỏ lại phía sau” thì bản thân mỗi người nên có trách nhiệm và nghĩa vụ chung tay giúp đất nước mình vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đây không phải là lúc chúng ta đòi hỏi mà là lúc chúng ta tự hỏi đã làm gì cho nước nhà…”.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.