Xứng danh vùng đất anh hùng

.

Những ngày cuối tháng 3 lịch sử, có dịp về phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), chúng tôi được các cựu chiến binh Trần Văn Ba, nguyên Quận đội phó quận 3 (nay là quận Sơn Trà) trước ngày 29-3-1975, Trần Văn Thông cựu du kích Vùng 4 (thuộc xã Hòa Hải trước năm 1975) và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thị Rân kể những câu chuyện huyền thoại về Vùng 4 một thời chiến đấu gan dạ, oanh liệt để bảo vệ Tổ quốc.

Căn cứ Mỹ ở Hòa Hải trước năm 1975
Căn cứ Mỹ ở Hòa Hải trước năm 1975. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng

Nơi đầu tiên bắt sống lính Mỹ

Xóm chài Tân Lưu (còn gọi là Vùng 4, xã Hòa Hải trước năm 1975) của phường Hòa Hải có diện tích chưa đầy 1km² nhưng đến nay qua thống kê có đến 97 liệt sĩ, 28 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 5 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ. Ông Trần Văn Ba kể: Hòa Hải trong thời kỳ chống Mỹ có 7 vùng, người dân sống sát nách Mỹ-ngụy nhưng đều một lòng theo cách mạng.

Vùng 4 có đồn Mỹ đóng gần với 71 hộ dân bám trụ. Sau nhiều lần bị địch xúc dân vào khu dồn nhưng nhân dân vẫn trở về bám trụ. Sau năm 1968, địch đánh phá ác liệt các cơ sở cách mạng, thúc ép người dân vào khu dồn khiến cho một số hộ dân bỏ đi nơi khác sinh sống. Số hộ còn lại tiếp tục bám trụ theo cách mạng và đến ngày 29-3-1975, Vùng 4 còn lại 30 hộ dân kiên trung bám trụ giữ vững lời thề “một tấc không đi, một li không rời”. 

Ở Vùng 4, gần như nhà nào cũng có người thoát ly theo cách mạng, những người ở lại không ai theo địch, làm việc cho địch. Hầu hết thiếu niên đều giác ngộ cách mạng và tham gia các hoạt động giúp du kích, lớn thêm chút nữa thì vào du kích mật.

Vùng 4 cũng là nơi đầu tiên bắt sống chuyên gia quân sự Mỹ từ thời chống Pháp. Ngày 14-6-1954, có 5 chuyên gia Mỹ từ Tòa thị chính Đà Nẵng đi ô-tô về bãi biển Mỹ Khê tắm. Trên đường quay trở về xe bị sa lầy vào bãi cát. Ngay lúc đó, tổ du kích của Vùng 4 phát hiện và lập mưu giả vờ đẩy xe giúp rồi chớp thời cơ cướp súng và bắt sống cả 5 chuyên gia Mỹ.

Sự kiện này sau đó có sự tranh cãi không thừa nhận của một số người khi làm lịch sử địa phương do các nhân chứng trực tiếp tham gia đều đã hy sinh trong chiến tranh, cho đến khi ông Trần Hưng Thừa, cố Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) tìm được tài liệu lưu trữ tại Cục Lưu trữ Trung ương (Cục II tại thành phố Hồ Chí Minh) chứng minh sự kiện này.

Theo tài liệu lưu trữ, Chánh Văn phòng Thủ hiến Trung Việt đã có văn bản báo cáo (ngày 24-6-1954) Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa về sự việc 5 chuyên viên Mỹ mất tích sau khi đi tắm tại bãi biển Mỹ Khê. Báo cáo cũng nêu giả thiết 5 người này bị Việt Minh bắt cóc.

Sau này khi Mỹ chính thức đổ quân xâm lược Việt Nam đến năm 1967, Xã Đội Hòa Hải cũng là đơn vị đầu tiên của cả nước bắt sống 1 lính Mỹ. Theo ông Ba, người lính Mỹ này được đưa về căn cứ, được cảm hóa trở thành một nhân tố tích cực phục vụ cho công tác địch vận của ta.

Một lòng theo cách mạng

Ông Trần Văn Thông hồi tưởng, lúc đó ông 16 tuổi và đã tham gia du kích mật. Ông kể, tất cả các hộ dân bám trụ lại Vùng 4 từ người già đến trẻ con đều tham gia đánh giặc, giúp đỡ cách mạng theo điều kiện của mình với nhiều hình thức rất đa dạng, sáng tạo, độc đáo đến không ngờ.

Những từ “trâu nhảy”, “gà bươi”, “heo ra” khi đó bà con hô lên để giúp nhau giữ gia súc, gia cầm mỗi khi lính Mỹ-ngụy đi càn qua xóm, đó cũng là ám hiệu báo động cho du kích rút êm trước khi địch tới bất ngờ.Do địa thế Vùng 4 là khu vực tách rời với các vùng còn lại nên du kích cả xã Hòa Hải đều coi đây là căn cứ chính để hoạt động.

Người dân tự phân công 4 lối ra vào xóm đều có một mẹ, chị và một thiếu niên cảnh giới khi trung đội du kích họp trong xóm. Mọi động tĩnh của địch đều được thông báo kịp thời. Có lần bà May (mẹ của ông Mười Hết) đang đứng trước cửa nhà canh cho 4 du kích và cán bộ trên căn cứ về họp trong hầm bí mật tại vườn thì bất ngờ bị toán lính Mỹ xuất hiện trước nhà.

Nhanh trí, bà May chạy lại ôm tên chỉ huy vừa la lớn bằng câu tiếng Anh “bồi”: “Mai son, phit sơ man” (tạm dịch là “Con trai tôi là ngư dân”). Cán bộ và du kích nghe báo động, tung hầm sau nhà thoát về hướng biển. Bà May bị địch bắt lên đồn tra hỏi vài ngày nhưng không khai thác được gì nên thả về.

“Hồi đó dân trong làng được cán bộ về bày cho ít câu tiếng Anh bồi để làm địch vận. Bà con chỉ học vài câu ngắn, dễ nhớ thôi. Gặp lính Mỹ, nhiều khi hữu dụng lắm”, ông Thông nói.

Các nhân chứng từng là cán bộ hoạt động ở Vùng 4 Hòa Hải gặp mặt nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3)
Các nhân chứng từng là cán bộ hoạt động ở Vùng 4 Hòa Hải gặp mặt nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3) tại lăng ông (thờ cá voi) nơi chôn dấu vũ khí của du kích xã Hòa Hải trước năm 1975.   Ảnh : SƠN TRUNG

Câu chuyện về thiếu niên trong xóm lấy trộm vũ khí của lính Mỹ cũng được các nhân chứng lịch sử kể lại rành rọt. Các em thường đến chỗ lính Mỹ nghỉ ngơi sau khi đi càn về. Bất đồng ngôn ngữ nhưng thấy các em thân thiện nên lính Mỹ cũng gần gũi yêu cầu các em đấm lưng, ngoáy tai.

Chờ lính Mỹ chủ quan, các em rút trộm lựu đạn rồi chuyền tay nhau chôn xuống đất, lúc lính về đơn vị, các em đào vũ khí lên mang về cho du kích. Vụ trộm vũ khí đáng nhớ nhất là lấy trộm khẩu súng M1 Garand của lính Mỹ.

Ông Trần Văn Thông kể: Hôm đó có cơ hội tốt nhất trong lúc gãi ngứa cho 3 tên lính Mỹ, các em bất chợt dùng ớt bột và dầu bôi vào 2 mắt của các tên lính rồi mang 1 khẩu M1 Garand vùng chạy. 

Lính Mỹ bị cay mắt không thể đuổi theo. Hôm sau, đơn vị Mỹ lùng sục vào xóm tìm mấy đứa trẻ nhưng các em đã kịp thời tránh đi. Những chiến công của xã Hòa Hải, trong đó có nhân dân Vùng 4 đã góp phần làm nên truyền thống Hòa Hải 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đổi thay trên quê hương anh hùng

Phát huy truyền thống yêu nước, sau ngày quê hương được giải phóng, xã Hòa Hải bắt tay ngay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến thiết quê hương. Liên tục từ đó đến nay, đặc biệt là sau hơn 20 năm thành lập phường, Hòa Hải đã có những bước phát triển vượt bậc.

Chủ tịch UBND phường Hòa Hải Huỳnh Quang Trung cho biết, đến nay phường có những bước phát triển vượt bậc gắn với những thành tựu quan trọng.Kinh tế phát triển khá với cơ cấu chuyển dịch theo hướng thương mại, dịch vụ du lịch.

Các tiềm năng lợi thế của phường về phát triển du lịch, dịch vụ đã và đang được khai thác, phát huy hiệu quả. Những khu đô thị mới, dự án giao thông liên tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp rộng rãi khang trang. Nhiều dự án du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã đóng góp quan trọng cho ngân sách địa phương.

Diện mạo phường Hòa Hải phát triển mạnh mẽ với dáng dấp một đô thị văn minh hiện đại.
Diện mạo phường Hòa Hải phát triển mạnh mẽ với dáng dấp một đô thị văn minh hiện đại. Ảnh: SƠN TRUNG

So với những ngày đầu mới thành lập phường (năm 1997), thu ngân sách địa phương đến nay đạt hơn 50 tỷ đồng, tăng gấp 60 lần. Nguồn lực ấy là cơ sở để triển khai thực hiện bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, đặc biệt là chăm lo cho các gia đình chính sách đã hy sinh máu xương cho quê hương.

Từ năm 2015 đến nay, phường Hòa Hải đã xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 225 gia đình chính sách. Gần đây, phường hoàn thành 3 công trình lớn, đó là nhà Chuông, Đại hồng chung, nhà Bia ghi danh Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tại Nghĩa trang liệt sĩ; phục dựng hiện vật nhà truyền thống và biên tập lại lịch sử Đảng bộ phường Hòa Hải giai đoạn 1930-2015.

Theo ông Huỳnh Quang Trung, phát huy truyền thống kiên trung cách mạng trong lịch sử, hiện nay quá trình đô thị hóa trên địa bàn phường Hòa Hải diễn ra nhanh chóng.

Đảng bộ, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác vận động nhân dân đóng góp xây dựng công trình đường giao thông và hệ thống thoát nước, tăng cường giáo dục nhân dân ý thức bảo vệ, giữ gìn tôn tạo danh thắng quốc gia, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị; đặc biệt là luôn giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân những cống hiến đi trước để xây dựng quê hương Hòa Hải đổi mới như hôm nay.

SƠN TRUNG

;
;
.
.
.
.
.