Ấm lòng với 'ATM gạo' nghĩa tình

.

Sáng 20-4, chương trình phát gạo miễn phí bằng máy ATM gạo tự động với chủ đề “Hạt gạo tình thương” do Hội Doanh nhân trẻ thành phố phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố tổ chức đã diễn ra tại khuôn viên Thành Đoàn Đà Nẵng. Báo Đà Nẵng là đơn vị đồng hành cùng chương trình.

Tính đến sáng 20-4, Báo Đà Nẵng đã huy động được hơn 5,3 tấn gạo đóng góp vào chương trình. Bạn đọc có thể tiếp tục ủng hộ "ATM gạo” tại tầng 3 trụ sở Báo Đà Nẵng, 33 Lê Lợi, Phường Thạch Thang, quận Hải Châu (trong giờ hành chính) hoặc thông qua tài khoản Báo Đà Nẵng: 100214851000415 - Ngân hàng Eximbank Đà Nẵng (đề nghị ghi rõ: Ủng hộ "Hạt gạo tình thương").

Người dân đến nhận gạo tại “ATM gạo” đặt ở trụ sở Thành Đoàn.               		                    Ảnh: MAI QUẾ
Người dân đến nhận gạo tại “ATM gạo” đặt ở trụ sở Thành Đoàn. Ảnh: MAI QUẾ

San sẻ yêu thương

Mặc dù đến 8 giờ sáng 20-4, máy “ATM gạo” mới chính thức vận hành, nhưng từ gần 6 giờ sáng, hàng chục người dân đã có mặt tại Thành Đoàn Đà Nẵng (71 Xuân Thủy, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) để nhận gạo. Cùng với đó, lực lượng đoàn viên thanh niên cũng có mặt từ rất sớm để hỗ trợ, hướng dẫn người dân xếp hàng với khoảng cách 2m, đeo khẩu trang và sử dụng nước sát khuẩn rửa tay để phòng Covid-19 trước khi vào nhận gạo.

Trên khu vực sân của Thành Đoàn, những hàng rào và vạch kẻ đã dựng sẵn để người dân tới xếp hàng nhận gạo. Theo đó, người dân xếp hàng thành 4 làn, mỗi làn có 20 vị trí đánh dấu để người dân đứng cách nhau 2m. Nhìn chung, những người tới nhận gạo phần lớn là người già, trẻ em và người khuyết tật, những người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.

Ông Nguyễn Hồng Cương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Trưởng Ban tổ chức chương trình “Hạt gạo tình thương” cho hay: “Tiêu chí của chương trình không đặt nặng việc ai là người tới nhận hay một người tới nhận nhiều lần, mà ai thiếu thì nhận, ai đủ thì cho. Chỉ cần người tới nhận tự cảm thấy mình thực sự khó khăn thì chương trình sẽ phát gạo, bất kể bao nhiêu lần, miễn là xếp hàng trật tự, giữ khoảng cách trước sau thì chúng tôi không bao giờ từ chối phát gạo”.

Cầm trên tay 2kg gạo cùng một số vật phẩm được các nhà hảo tâm tài trợ cho chương trình, bà Đặng Thị Ly (53 tuổi, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) tâm sự, bà nuôi hai đứa con cùng người chồng tật nguyền nhờ hàng xôi vào buổi sáng, tuy nhiên, từ khi các hàng quán phải đóng cửa để phòng ngừa Covid-19 cũng là lúc gia đình bà gặp khó khăn hơn.

Tuy gần đây, thành phố đã cho phép bán hàng ăn mang về nhưng người dân cũng không mua nhiều như trước khi xuất hiện Covid-19, chính vì vậy, dù nhận được hỗ trợ ít hay nhiều thì cũng giúp gia đình bà một phần chi phí cho cuộc sống hằng ngày. Cũng là người dân lao động tự do như bà Đặng Thị Ly, ông Nguyễn Hữu Nở (50 tuổi, trú tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) chia sẻ: “Hiện tôi đang nuôi cả gia đình bằng nghề thợ hồ, tuy nhiên, công việc cũng không liên tục do ảnh hưởng của dịch bệnh. Những ngày này, lao động tự do như tôi phải thắt lưng buộc bụng, lo từng bữa ăn nên những máy “ATM gạo” như thế này thực sự là “cứu tinh” cho chúng tôi”.

Cùng tiếp sức để duy trì

Trong buổi sáng của ngày đầu tiên, 2 máy “ATM gạo” hoạt động đã phục vụ cho khoảng 500 lượt người đến nhận, tương đương 1 tấn gạo, riêng những người khuyết tật và sức khỏe không tốt có làn ưu tiên để nhận 2kg gạo và phần quà tặng kèm được chia sẵn. Theo ghi nhận, bên cạnh những người tới nhận gạo, cũng có không ít các doanh nghiệp đến tiếp thêm nguồn đóng góp.

Ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng gốm sứ Việt Hương cho biết: “Mặc dù Covid-19 ảnh hưởng đến doanh thu của công ty khoảng 40-50%, nhưng không vì thế mà chúng tôi đứng ngoài việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Từ sức đóng góp của công nhân viên trong công ty, chúng tôi đã quyên góp được 5 tấn gạo, sau đó, Công đoàn của công ty tiếp tục quyên góp thêm 2 tấn gạo. Bên cạnh đó, các đối tác của chúng tôi cũng ủng hộ thêm 5 tấn gạo, tổng cộng chúng tôi ủng hộ và kêu gọi ủng hộ cho chương trình là 12 tấn gạo”.

Tính đến sáng 20-4, Ban tổ chức chương trình “Hạt gạo tình thương” đã tiếp nhận hơn 135 tấn gạo, hơn 150 triệu đồng tiền mặt, 15.000 khẩu trang cùng nhiều vật phẩm khác và nhiều hình thức tài trợ. Có doanh nghiệp tài trợ máy bán nước tự động miễn phí, có doanh nghiệp hỗ trợ vận tải để chở gạo và vật phẩm, có doanh nghiệp tài trợ các suất ăn cho ban tổ chức và các tình nguyện viên… Tất cả cùng góp sức để hoạt động giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn được diễn ra thông suốt.

Nói về việc tiếp nhận gạo, ông Nguyễn Hồng Cương chia sẻ: “Chúng tôi luôn trân trọng những tấm lòng của người ủng hộ. Dù ít hay nhiều cũng đều được lưu lại tên tuổi, địa chỉ, nhằm thay mặt những người được giúp đỡ gửi lời tri ân về nghĩa cử cao đẹp trên tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Những hạt gạo tuy không mang giá trị quá lớn về vật chất nhưng sẽ hỗ trợ bà con vơi đi phần nào những gánh nặng lo toan cuộc sống”.  

* Hai máy “ATM gạo” ở Thành Đoàn Đà Nẵng (71 Xuân Thủy, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) dự kiến hoạt động trong 2 tháng, buổi sáng từ 7 giờ 30 - 11 giờ 30, buổi chiều từ 13 giờ 30 - 17 giờ 30. Sau một tuần khởi động, Ban tổ chức sẽ cân nhắc bổ sung 4 máy phát hàng tự động để phát kèm với gạo như dầu ăn, nước mắm… và các máy “ATM gạo” còn lại cũng sẽ sớm được lắp đặt ở các quận khác để người dân khu vực nào có thể nhận ở khu vực đó, không phải đi xa và cũng tránh tập trung đông người.

* Sáng 20-4, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) trao tặng 2 máy rửa tay sát khuẩn tự động cho Ban tổ chức chương trình “Hạt gạo tình thương”. Đây là sản phẩm do cán bộ, giảng viên khoa Cơ khí của nhà trường thiết kế, chế tạo nhằm chung tay cùng chính quyền và nhân dân thành phố chống dịch.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.