Bằng giờ này những ngày tháng Tư lịch sử

.

Từ Buôn Ma Thuột chúng tôi lại vận động chặn địch rút khỏi Tây Nguyên. Đánh xong Cheo Reo - Phú Bổn, trung đoàn cao xạ của chúng tôi lại chia ra nhiều ngả, từng D (tiểu đoàn) một đánh địch. Bởi khi đó F320 (Sư đoàn 320) cũng phân ra nhiều mũi. Mũi tiếp tục từ Cheo Reo đánh xuống Tuy Hòa, mũi hỗ trợ Quân đoàn 3 và 4, đánh đâu đó quanh các căn cứ lớn quanh Sài Gòn, bao vây sân bay Biên Hòa. Chúng tôi D2 cao xạ, theo lệnh trên kéo về Hố Bò chờ hội cùng đại quân của F320 chuẩn bị đánh cứ điểm mạnh nhất phía tây bắc Sài gòn: Căn cứ Đồng Dù ở Củ Chi do Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, một viên sĩ quan nhiều mưu mẹo chỉ huy sư 25 của địch chốt tại đó án ngữ đường Tây Bắc.

Nhân dân Sài Gòn vui mừng chào đón quân giải phóng. (Ảnh tư liệu)
Nhân dân Sài Gòn vui mừng chào đón quân giải phóng. (Ảnh tư liệu)

1. Tiểu đoàn cao xạ của tôi bấy giờ đóng rải rác quanh Hố Bò. Chúng tôi ém pháo cao xạ hai nòng 37 và 57 ly trong các trảng cây rậm. Ẩn nấp và chia nhau trực chiến bảo vệ tuyến hội quân đánh vào Đồng Dù. Bấy giờ nhìn về phía Xuân Lộc (Đồng Nai), chiến trận đang diễn ra ác liệt. Đêm đêm chân trời Xuân Lộc sáng bùng lên nhiều quầng lửa. Với ống nhòm có thể thấy rõ hai bên quần đảo liên tục nhất là về sáng và sẩm tối.

Địch bắn đại liên cực nhanh 6 nòng, tạo nên dải lửa dài chi chít đạn đỏ rưới xuống đất. Đêm nào có gió từ hướng đó thổi về, nghe rõ tiếng bom ở Xuân Lộc. Trận chiến ác liệt đang diễn ra. Quân địch cố giữ thị xã đầy hầm ngầm, lại liên tục đổ quân dù cứu viện cho F18 (sư 18 Bộ binh Việt Nam Cộng hòa (VNCH)). Tổng thống Thiệu bổ sung hết quân dù đến Thủy quân lục chiến cho Xuân Lộc, khiến nơi đó như chảo lửa. Địch cố sức giữ lá chắn sân bay chiến lược Biên Hòa và Sài Gòn. Ta quyết giải quyết xong Xuân Lộc, mở cửa về Sài Gòn.

Tư lệnh quân VNCH ở Xuân Lộc, Chuẩn tướng quân dù Lê Minh Đảo theo lệnh trên còn họp báo giữa thị xã đổ nát để lên dây cót cho binh sĩ còn lại quanh Sài Gòn và Mặt trận B2 thuộc đồng bằng lục tỉnh Nam Nam Bộ. Nguyễn Văn Thiệu còn phong Đảo là anh hùng Xuân Lộc.

Chính vì thế cuộc chiến giằng co giữa ta và địch rất quyết liệt. Tôi nghe qua vô tuyến bạn bè báo tin, trước sự tiến công khó bẻ gãy của Quân đoàn 4 quân giải phóng, địch thả cả bom ngạt 7 tấn (“bom nhiệt áp” CBU-55, loại vũ khí phi hạt nhân tàn bạo nhất trong kho vũ khí của Mỹ, sức tàn phá chỉ sau bom nguyên tử khi ấy) hủy diệt, chỉ khi ta thay đổi cách đánh, chiếm được ngã ba Dầu Giây, thì Xuân Lộc vỡ trận, kẻ địch hoảng loạn rút chạy và bị ta truy kích, biến F18 mất hoàn toàn sức chiến đấu.

Chứng kiến những cảnh đó từ xa trước lúc tiến vào Sài Gòn, tất cả binh sĩ chúng tôi, ai cũng biết trận chiến đánh vào Sài Gòn có thể ác liệt hơn Xuân Lộc nhưng không ai không hy vọng mình sẽ còn sống ở trận cuối cùng này. Lần đầu sau bao năm chinh chiến, trong giấc ngủ ngắn hai ba tiếng đêm đêm, tôi có lần mơ hồ thấy trong mơ, tôi bị đạn bắn trúng ngực. Thấy rõ viên đạn xuyên qua ngực, máu đầm đìa mà vẫn xung phong. Tỉnh dậy, mồ hôi đầm lưng võng.

Chưa khi nào 11 năm trận mạc tôi có cảm giác khát sống trước một trận quyết chiến như lần này. Ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra trong trận cuối cùng để mãi mãi yên hàn, mãi mãi không muỗi rừng, đói, rét tật bệnh và luôn trong tầm pháo của kẻ thù... Nhưng không thể không tiến lên. Tôi tự nhủ. Tôi ý thức rất rõ rằng, đánh trận cuối cùng là để kết thúc cuộc chiến đằng đẵng của toàn quân đội Nhân dân Việt Nam, mà tôi đã đóng góp 11 năm, tham gia 6 chiến dịch cả Bắc lẫn Nam, gần hết cả tuổi xanh cho cuộc chiến.

2. Ngày 26-4 vẫn ở Hố Bò, chưa có lệnh đánh. Giờ G chưa tới. Đơn vị cao xạ có bạn tôi đã cùng 1 E bộ binh của F320 đánh Tuy Hòa - Phú Yên cũng quay về nơi hội quân Trung đoàn.

Anh em vô tuyến báo tin: thằng Đón bạn ông “ngủm” rồi! Tôi bàng hoàng. Chuẩn úy Nguyễn Văn Đón, hôm nào cùng tập huấn Hợp đồng quân binh chủng hợp đồng ở Trung đoàn cứ tối tối bắt tôi đọc thơ anh Phạm Tiến Duật cho hắn nghe. Đón trạc tuổi tôi đã chết rồi ư? Tôi nghĩ mà quệt nước mắt. Đêm ghi vội câu thơ vào sổ tay: “Đến hôm nay nhớ lắm Đón ơi/ Sài Gòn sắp về ta rồi đó/ Sao mày vội, xác vùi vùng cát đỏ/ Sao mày không về với tao vui hội quân...” 

Bài thơ dừng lại vì nhiều câu hỏi chợt ứa ra. Đêm Hố Bò dài trôi đi cả tuần. Tôi và các sĩ quan đại đội bao công việc chuẩn bị trận đánh nhưng không hiểu sao cứ đặt giấc là tôi lại mơ về nhà nhiều như chưa bao giờ nhớ nhà nhiều thế. Những con phố. Cái vỉa hiên đá hoa trước cửa nhà tôi - nhà duy nhất kết với đá hoa bó vỉa khu chợ Giời của Hà Nội. Bây giờ vào hè rồi, dọc các con đường như Phan Đình Phùng hoa sấu sẽ rụng trắng hè, gió dồn lại từng đám dầy, gặp mưa lên men, hương cất nhẹ lên theo gió sực thơm như mùi rượu ủ men đang cất...

Sáng sớm tháng Tư Nam bộ nắng lên rất sớm. Nhưng vẫn không thiếu những đám mây xám bay rất thấp và đột ngột có những trận mưa bất ngờ. Các khẩu đội thông nòng thật kỹ, lau đạn từng viên. Phải đánh dấu hai hòm đạn xuyên thép đánh xe tăng. “Pháo 37 ly hai nòng không được để tắc 1 nòng thì mới phát huy uy lực” - tôi nhắc đi nhắc lại lệnh Đại đội trưởng với các khẩu đội. Anh em lính Hà Nội bấy giờ ở đơn vị tôi chỉ huy khá đông.

Có một cậu lính trẻ tên Hội nhập ngũ từ 1972 lẽo đẽo theo tôi đánh Nam Lào, đánh Chư Nghé và chịu bao gian khổ với tôi ở Tây Nguyên. Hội quê Đông Anh, Hà Nội, rất dũng cảm. Rõ ràng, về đến Hố Bò sát nách Sài Gòn rồi, ngay Củ Chi này, thì chiến thắng cận kề quá rồi. Chắc chỉ vài hôm nữa chiến tranh sẽ chấm dứt. Sẽ được về nhà. Lính tráng và sĩ quan đại đội tôi đứa nào chả nghĩ tới về nhà. Sau hàng chục năm xa nhà như tôi thì chỉ 3 tháng đánh một vệt từ Tây Nguyên xuống tận cửa ngõ Sài Gòn đúng y như giấc mơ.

Một đêm trong cánh rừng nhỏ thằng Hội quê Đông Anh nói trên tự nhiên dựng tôi dậy, nửa đêm nó hỏi, Thủ trưởng bảo trận này phải thắng để về. Thủ trưởng về đâu?

Tôi bảo, về nhà chứ về đâu?

- Em... là nông dân lại về cày ruộng nhỉ! Tối đen chả nhìn rõ mặt nó.

Rõ ràng chúng tôi ra đi đều là lứa học trò. Bao nhiêu kinh nghiệm chiến tranh, nhưng hòa bình đã đến sát bàn tay, liệu trở về chúng tôi sẽ làm gì để sống. Phải làm lại từ đầu. Những kinh nghiệm của chiến cuộc đều vô dụng ngoài kinh nghiệm đi bộ. “Đất nước này bao la lắm đi đâu mà chả kiếm được việc làm, nếu mày chán làm nông dân rồi thì mày về Hà Nội với tao. Nhà tao ở Chợ Giời rộng lắm tha hồ ở”. Tôi thì thầm.

Hội nói: “Em là nông dân chỉ đi cày về phố sao được”. Trong đêm tối đen tôi không thấy khuôn mặt Hội. Người chiến sĩ đồng hương khỏe mạnh và dũng cảm vô cùng này luôn theo sát tôi lúc ác liệt nhất, đã đánh cùng tôi bao trận ở Nam Lào, ở Tây Nguyên, ở cuộc hành quân đánh tan tác quân sĩ của tướng Phú quân khu II của địch trằn trọc vì lẽ gì?

Rồi lầm nhẩm nói với chính tôi, nếu tao cụt chân hay cụt tay, tao sẽ về làng tao ở Thái Bình xin dạy học. Tao sẽ đọc thơ cho tụi trẻ em nghe. Mày không nghề nghiệp quen làm nông dân rồi thì tìm cái thị trấn nào đi bơm xe đạp. Hay về chợ Giậu tao sẽ cho mày một chỗ ở Thịnh Yên bơm xe. Tao dạy trẻ em về Đan Ko. Chúng ta còn sống đến hôm nay nợ bao nhiêu đồng đội đã mãi mãi không về đến đây.

3. Trong những ngày này, con đường sát đơn vị tôi dấu pháo có lúc bụi mù. Từng đoàn xe Jin 130, Jin 157 chở đầy lính cựu binh đánh đâu về qua quần áo bụi bặm lem nhem. Bánh xe và hai thành xe đầy bụi. Tất cả tíu tít đi lại. Có xe dừng lại.

Tiếng hỏi rất lớn xuống bọn tôi. Thái Bình đấy không? Có Hà Tây không? Lính Hà Nội hả! Có lúc, giọng Nghệ Tĩnh đặc quánh, nặng trĩu đáp xuống mâm pháo, để nhận một tiếng lính trả lời, Nghệ An đây, Hà Tĩnh Đức Thọ đây. Tụi bay ở mô về rứa? Kế tiếng trả lời của anh em đơn vị tôi là trận mưa thuốc lá Rubi Queen lộp bộp rơi vào mâm pháo. Có ai quăng cho tôi cái kính mạ vàng mới. Loại kính râm Mỹ ở Hà Nội rất chuộng.

Cái không khí hội quân nô nức mặt trận ấy xóa tan sự sợ hãi chợt nảy ra ở bản năng con người. Nó tạo ra cho anh em binh sĩ sự háo hức như tiếng leng  keng tàu điện đến chỗ đường rẽ sắp về nhà. Nó biến thành sức mạnh để chúng tôi đã hàng tuần không ngủ mà chẳng ai thấy mệt mỏi để xốc lên công việc, chuẩn bị trận đánh cuối quyết liệt.

Và, đúng chiều 29-4 tôi nhận lệnh lấy hai chiến sĩ dũng cảm nhất vào đội trinh sát Trung đoàn. Đề phòng Mỹ quay trở lại khi Sài Gòn thất thủ, đội trinh sát chúng tôi sẽ đi cùng xe tăng và bộ binh vòng qua Căn cứ Đồng Dù tiến thẳng qua cầu Bông vào Sài Gòn.

“Đi tới đâu các anh phải quan sát đánh dấu những nơi có thể đặt pháo yểm trợ bảo vệ bộ binh. Nếu dọc đường gặp địch đánh chặn, chúng ta sẽ phối hợp đơn vị xe tăng và bộ binh trong mũi tiến công đánh trả chúng”, Đại úy Tham mưu trưởng trung đoàn tên Tạo hạ lệnh trước khi chúng tôi lên một chiếc xe Jin 157 đã cắm đầy lá ngụy trang, phía trước mũi xe cắm lá cờ mặt trận.

Đại đội tôi cũng hành quân bí mật chiếm lĩnh ngay sát căn cứ Dồng Dù yểm trợ cho Bộ binh F320 đập nát căn cứ sư đoàn 25 do chuẩn tướng Lý Tòng Bá chỉ huy. Tôi và hai đồng đội người Hà Nội chia tay anh em đại đội, mỗi cánh quân chia ra khác nhau mục tiêu, nhiệm vụ và đều hiểm nguy kém gì nhau. Chỉ còn một mệnh lệnh trong trái tim: TIẾN VỀ SÀI GÒN. Nó đẩy lùi sự đắn đo, thoáng sự sợ hãi đêm trước, trước khi nổ súng trong trận đánh cuối cùng này.

Bao nhiêu năm rồi, kể cả ở trong nước hay ở xứ người, tôi ngồi trong nhà hay một góc vườn nào đó, cả khi mưa lụt sụt ở Hà Nội hay trong tuyết muộn mằn trắng xóa rơi trong tháng Tư ở nước Đức. Tôi kiên quyết không tụ bạ nơi đông người để mình tôi gặp lại bạn bè 30-4 năm ấy, có khi trong nước mắt lã chã rơi mà được gặp nhau trong tưởng nhớ...

Tôi nhớ lại cả thời khắc trước và ngày 30-4-1975 khi chúng tôi đánh địch dọc từ Củ Chi, Cầu Bông, Ngã tư Bảy Hiền rồi Sân bay Tân Sơn Nhất. Đôi khi tôi thoáng ngửi thấy mùi khét lẹt trong chiếc xe tăng bị quân dù địch bắn cháy ngay trước tôi 25m. Những trái bom từ hai chiếc A37 đen sì rơi thẳng xuống đơn vị bộ binh phía phải tôi...

Năm ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn, trước khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố quân lực, chính quyền VNCH đầu hàng quân giải phóng. Chúng tôi sống sót trở về với gia đình, biết ơn bè bạn, năm ngàn chiến sĩ đã hy sinh, trong số họ có Đón, có Hội, có bao bạn bè nữa trong ngày 30-4-1975 khi chúng tôi giành chiến thắng cuối cùng để thống nhất giang sơn này!...

Ký của nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ

Ngày 23-4-2020, Ngọc Hà, Hà Nội.

;
;
.
.
.
.
.