Ký ức Khu Nam Đà Nẵng

.

Khu Nam Đà Nẵng hình thành từ giai đoạn đầu thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chặng đường đấu tranh gian nan, oanh liệt của quân dân nơi đây còn sáng mãi trong trang sử chống ngoại xâm của quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng. Bao ký ức về Khu Nam Đà Nẵng vẫn còn in đậm trong tâm trí các nhân chứng lịch sử trên địa bàn thành phố.       

Niềm vui hội ngộ của các thành viên Ban liên lạc những người kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ Khu Nam Đà Nẵng trong một cuộc gặp mặt kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30-4, tổ chức năm 2018. 					     Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Niềm vui hội ngộ của các thành viên Ban liên lạc những người kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ Khu Nam Đà Nẵng trong một cuộc gặp mặt kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30-4, tổ chức năm 2018. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Ông Huỳnh Bá Phụng, 95 tuổi, Trưởng ban liên lạc những người kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ Khu Nam Đà Nẵng, hiện trú phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) còn nhớ rõ, tên gọi Khu Nam Đà Nẵng có từ năm 1949 khi thành phố Đà Nẵng được chia thành 6 khu.

Chi bộ Khu Nam Đà Nẵng đã tổ chức nhiều trận đánh trừ gian diệt ác, củng cố niềm tin thắng lợi của nhân dân. Đình Nại Nam ở Hòa Cường, Đình Chánh ở Khuê Trung là những địa điểm tổ chức mít-tinh, làm lễ kết nạp đảng viên và nhiều hoạt động khác. Nhiều cuộc tập kích địch ở nội thành, tiêu diệt hàng tiểu đội quân lê dương, xuất phát từ Khu Nam và có du kích Khu Nam làm nhiệm vụ trinh sát, dẫn đường.

Từ năm 1950, phong trào cách mạng ở Khu Nam Đà Nẵng phát triển mạnh, từng bước khống chế hoạt động của bọn hội tề hương chính và bộ máy chính quyền tay sai. Đầu năm 1954, giặc Pháp thua to ở nhiều nơi, co cụm về thành phố Đà Nẵng, lại bị ta tấn công dồn dập. Ông Phụng kể lại: “Quân dân Khu Nam Đà Nẵng liên tiếp tổ chức đánh địch, mít-tinh, biểu tình cho đến ngày đình chiến theo tinh thần Hiệp định Genève”.

Theo ông Phan Đình Hải, 96 tuổi, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Chi bộ Khu Nam Đà Nẵng trong thời kỳ chống Pháp, hiện ở phường Thanh Bình (quận Hải Châu), Khu Nam Đà Nẵng có nhiều tấm gương anh hùng, nổi bật nhất là gia đình đồng chí Phạm Nhỏ - người đảng viên đầu tiên trên vùng đất Hòa Cường - Khuê Trung, kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh nhằm ngăn chặn bọn thực dân xâm lược, sau đó, năm 1951, con của đồng chí Phạm Nhỏ là Phạm Thị Biên đã lập chiến công thiêu hủy kho xăng dầu của giặc Pháp tại khu vực Nại Hiên (Đà Nẵng). “Kho nhiên liệu của địch với hơn 2 triệu lít cháy suốt 2 ngày đêm, gây kinh hoàng cho giặc Pháp ở Đông Dương và cả bọn cầm đầu hiếu chiến trong Chính phủ Pháp”, ông Hải nói.

Thời kỳ đầu chống Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam, gieo biết bao đau thương, tang tóc. Trong những ngày đen tối ấy, từ Khu Nam Đà Nẵng lại tỏa sáng những tấm gương kiên cường, bất khuất, một lòng son sắt với cách mạng cho dù bị kẻ thù bắt bớ, giam cầm, tra tấn hết sức dã man.

Ông Trần Văn Học, 105 tuổi, nguyên Phó Bí thư Thanh niên Cứu quốc Khu Nam Đà Nẵng, đã 3 lần bị địch bắt, hiện ở số 37 đường Nguyễn Xuân Ôn (quận Hải Châu), nhớ mãi hình ảnh những quần chúng trung kiên, mưu trí bảo vệ cách mạng như gia đình ông Năm Nhộn, gia đình ông Kiểm, gia đình bà Phiên ở Cồn Hàu, ông Năm Huề, bà Năm Bông, bà Kỳ ở Khuê Trung. “Nhiều cơ sở ở khu vực Nại Nam, Quy Mỹ, Lỗ Sài khôn khéo đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ, tạo thành vùng căn cứ lõm ngay trong lòng địch”, ông Trần Văn Học kể lại trong niềm tự hào sâu sắc.

Sau khi có Nghị quyết 15 của Đảng về Phương hướng cách mạng miền Nam (1959), phong trào cách mạng ở Khu Nam Đà Nẵng hồi phục và phát triển nhanh chóng. Những người mẹ, người vợ nơi đây lại tiếp tục tiễn con, tiễn chồng đi kháng chiến và nhiệt tình tham gia công tác địa phương.

Tiêu biểu như mẹ Bùi Thị Lý ở Hòa Cường hết sức gan góc, mưu trí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao liên hợp pháp. Những phương tiện công tác của mẹ Lý như chiếc thúng 2 đáy, chiếc mủng 2 mê để chuyển công văn, lựu đạn, súng ngắn, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 5.

Ông Nguyễn Văn Lợi, 72 tuổi, ở phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ), nguyên Đội trưởng Đội 3 Biệt động thành Đà Nẵng - người trực tiếp nổ súng tiêu diệt tên cảnh sát trưởng xã Hòa Cường năm 1968, cho biết: Riêng trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lực lượng quần chúng Khu Nam Đà Nẵng đã ủng hộ hàng trăm chiếc thuyền và tự nguyện chèo thuyền đưa bộ đội vượt sông Cẩm Lệ.

Đặc biệt, trong Mùa xuân Đại thắng 1975, Khu Nam Đà Nẵng là địa bàn khởi nghĩa sớm nhất ở thành phố Đà Nẵng. Các đồng chí lãnh đạo nơi đây đã phát lệnh khởi nghĩa lúc 6 giờ 15 phút ngày 29-3-1975 và lực lượng tại chỗ đã xông vào chiếm các cơ quan, đồn bốt địch ngay từ sáng sớm ngày 29-3...

Bao năm tháng đã trôi qua, nhiều người vẫn còn nhớ chiến công và sự hy sinh anh dũng của những người con Khu Nam Đà Nẵng với niềm tri ân sâu sắc. “Chúng ta mãi mãi khắc ghi công ơn các anh hùng liệt sĩ và những gia đình cơ sở đã cưu mang, che chở mình trong hai cuộc kháng chiến”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng ban liên lạc những người kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ Khu Nam Đà Nẵng, chia sẻ.

Từ năm 1949, Đà Nẵng được chia thành 3 khu nội thành và 3 khu ngoại thành. 3 khu nội thành gồm Khu Trần Phú, Khu Phan Thanh, Khu Phan Đăng Lưu; 3 khu ngoại thành gồm Khu Đông Giang, Khu Tây và Khu Nam Đà Nẵng. Khu Nam Đà Nẵng ngày nay thuộc các phường Hòa Thuận Đông, Hòa Thuận Tây, Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), phường Khuê Trung, Hòa Thọ Đông và một phần phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ).

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.