Vui buồn nghề công tác xã hội

.

Sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác, song, năm lên ba tuổi, sau  một cơn sốt kéo dài, Trương Tấn Dũng trở thành đứa trẻ bại liệt cả hai chân và tay. Thương con, ba mẹ cho Dũng đi học rất nhiều thứ từ vẽ, kỹ năng sống, vi tính...

Để rồi, một ngày cách đây tròn 10 năm, trong một lần ghé thăm Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố, xúc động khi nhìn những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam ngơ ngác cười, Dũng quyết định xin vào đây làm để giúp đỡ các em. Anh tâm sự: “Nhìn các em, tôi lại nghĩ ngay đến hình ảnh mình ngày xưa, 10 năm tròn làm thầy dạy đủ thứ môn từ vẽ, vi tính, kỹ năng sống, làm hoa... tôi nhận ra rằng, mình đã có sự lựa chọn đúng. Trung tâm chính là ngôi nhà chung cho tất cả chúng tôi chia bùi sẻ ngọt để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”, anh Dũng nói.

Anh Trương Tấn Dũng theo đuổi nghề công tác xã hội vì niềm đam mê.  					                Ảnh: THANH VÂN
Anh Trương Tấn Dũng theo đuổi nghề công tác xã hội vì niềm đam mê. Ảnh: THANH VÂN

Trường hợp anh Nguyễn Điệp đến với Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố thành phố cũng là một sự tình cờ. Chỉ một lần tham gia nhóm công tác xã hội của Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố đi khám bệnh cho trẻ em đường phố khi vừa tốt nghiệp ngành y sĩ, 26 năm nay, anh Điệp đã gắn chặt với Gia đình 5 (thuộc Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố thành phố) như ngôi nhà thứ hai của mình. Anh chia sẻ: “Như định mệnh, tôi còn nhớ rõ 26 năm trước-ngày đầu tiên tiếp xúc với trẻ em đường phố tôi đã thương các em và muốn gắn bó với các em. Chính vì vậy, tôi xin về đây phụ trách phòng y tế của Trung tâm và bây giờ là quản lý Gia đình số 5 này. Tất cả thân thuộc, gắn bó, thương yêu như chính gia đình tôi vậy”.

Tròn 60 tuổi, làm đủ thứ việc từ cán bộ trẻ em phường, lao động xã hội và bây giờ là Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ trẻ em phường Nam Dương (quận Hải Châu), thế nhưng ai hỏi, chị Huỳnh Thị Nga vẫn nói vui là nhân viên công tác xã hội... trọn đời. Chị Nga nói vui mà rất thật “Nghề này ai đã dính vô thì không thể dứt ra được, nhìn những hoàn cảnh khó khăn mà làm lơ sao đành”.

Mỗi người một hoàn cảnh, một cách đến với nghề công tác xã hội, song, điểm chung của anh Dũng, anh Điệp, chị Nga là tình yêu nghề, sự chịu thương chịu khó, sẵn sàng nhận thiệt thòi về phần mình để giúp đỡ những số phận kém may mắn, mà theo cách nói của chị Phan Bá Mỹ Ngọc, cán bộ xã hội phường Nam Dương (quận Hải Châu) thì đó như là “duyên số”. Bởi sự cực khổ, hy sinh quá lớn nhưng thu nhập lại hoàn toàn đủ tiêu chuẩn xếp vào diện... hộ nghèo. Chị Ngọc phân tích: “Tôi làm việc này tròn 5 năm, tính hết mọi khoản thì mỗi tháng đúng được 3,1 triệu đồng. Số tiền này tiết kiệm lắm mới đủ xăng xe, tiền điện thoại, ăn sáng, còn lại “xin” chồng”. Trong khi đó, công việc thì khó mà miêu tả cho ai hiểu được: đau ốm, gọi; nhà dột, gọi; giữa khuya con nhập viện không có tiền, gọi... Nói chung, những hộ nghèo khó trong phường khi gặp cái gì họ cũng gọi cho mình. Thế nhưng, nếu làm không vừa ý thì họ la mắng mình cũng rất... vô tư.

Cùng với sự phát triển mọi mặt đời sống, xã hội ngày càng có cái nhìn tích cực hơn về nghề cũng như đóng góp của những người làm công tác xã hội. Đặc biệt, đội ngũ những người làm nghề này đã được huấn luyện, đào tạo ngày một tốt hơn để đảm nhận tốt công việc của mình chứ không chỉ dừng lại ở mức làm việc bằng tình thương yêu như trước đây. Tuy nhiên, thu nhập của họ vẫn là nỗi trăn trở, khi hầu hết vẫn dựa vào gia đình. Thậm chí, bản thân nhiều người làm việc trong lĩnh vực này còn gặp khó khăn về kinh tế, nên việc toàn tâm toàn ý cho công việc chưa thể như ý. Thiết nghĩ, trong thời gian đến, cần có sự hỗ trợ thích đáng với công sức và tấm lòng của rất nhiều người đang âm thầm đóng góp cho xã hội.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có đến 28% dân số cần sự trợ giúp dịch vụ công tác xã hội; trong đó, có 7,5 triệu người cao tuổi; 5,4 triệu người khuyết tật; 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 180.000 người bị nhiễm HIV được phát hiện; khoảng 12% gia đình hộ nghèo...

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.