Chính sách phòng, chống xâm hại trẻ em phải như xây "ngôi nhà" an toàn

.

Nhiều ý kiến cho rằng xây dựng, hoàn thiện, thống nhất hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em phải như xây một “ngôi nhà” an toàn để bảo vệ trẻ.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Ngô Thị Minh phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Ngô Thị Minh phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 27-5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Nhiều ý kiến cho rằng xây dựng, hoàn thiện, thống nhất hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em phải như xây một “ngôi nhà” an toàn để bảo vệ trẻ.

Cho rằng hệ thống pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em “nhìn vào nghĩ là đủ nhưng tính răn đe mạnh mẽ lại chưa đủ,” đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nêu ý kiến hành lang pháp lý bảo vệ trẻ hiện nay chỉ mới mang mô hình của một ngôi nhà chứ chưa hẳn là một ngôi nhà an toàn, kiên cố và vững chắc.

Theo đại biểu Phú Yên, xây dựng chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em như xây một ngôi nhà an toàn. Bảo vệ trẻ nên bắt đầu từ việc xây dựng nền móng là đầu tư nguồn lực, quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục gia đình và cá nhân đối với trẻ và đặc biệt là nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về công tác này.

“Tiến tới xây dựng ba trụ cột cơ bản là nhóm chính sách pháp luật về chăm sóc, giáo dục, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, chống xâm hại trẻ em. Mái nhà là những quy định của pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ, là yêu cầu bảo vệ trẻ em, tốc độ ngăn ngừa, hỗ trợ và can thiệp,” đại biểu nêu quan điểm.

Đặc biệt quan tâm đến xây dựng “nền móng ngôi nhà,” đại biểu Phạm Thị Minh Hiền lý giải: Nền móng nếu lung lay sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn đối với trẻ.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào guồng máy vận hành chung cũng đều có một mối liên hệ đặc biệt của mình đối với trẻ em. Và phòng, chống xâm hại trẻ em là nhiệm vụ chung của các cơ quan chức năng nhưng trên thực tế sự phối hợp giữa các cơ quan thời gian qua là thiếu chặt chẽ và rời rạc.

“Vừa qua không ít vụ việc trẻ em bị xâm hại mà sau khi báo chí đưa tin thì lãnh đạo địa phương mới biết. Đó có phải là sự quan tâm, tình yêu thương, trách nhiệm của những người có nghĩa vụ liên quan chỉ tồn tại trong điều khoản của Luật Trẻ em hay không,” đại biểu đặt câu hỏi.

Bày tỏ tâm tư về việc nguồn ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính dành cho trẻ em hiện nay chưa đủ để đảm bảo, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói so sánh là khập khiễng nhưng từ hình ảnh những dự án nghìn tỷ đang đắp chăn, đắp chiếu đến hình ảnh trẻ em áo mỏng manh trong ngôi nhà xập xệ không đủ che mưa, che nắng trước nguy cơ xâm hại rất cao thì tôi lại thấy rất xót xa. 

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

 “Tôi tin rằng việc ưu tiên các nhóm giải pháp về thể chế, chính sách mang tính nền tảng sẽ tạo nên nền móng cho ngôi nhà bảo vệ trẻ vững chắc,” đại biểu nhấn mạnh.

Chỉ rõ vấn đề lao động trẻ em và xâm hại, bạo hành, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, đang để lại những di chứng nặng nề trong tâm hồn, gây tổn thương lâu dài đối với nạn nhân, thậm chí là gieo mầm cho sự thù hận, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt vấn đề, đâu là nơi trú ẩn an toàn cho trẻ em trước hàng loạt mối nguy hiểm rình rập.

“Trẻ bị xâm hại ở nông thôn, đô thị, trong thang máy, trong công viên, trường học. Nhiều nạn nhân bị xâm hại ngay tại nhà của mình. Ở nhà cũng không an toàn,” đại biểu Tô Văn Tám lo ngại.

Kiến nghị rằng công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em phải được nâng lên thành chiến lược, đại biểu Tô Văn Tám cũng nêu ý kiến, phải kiên quyết áp dụng những hình thức, chế tài nghiêm khắc nhất của pháp luật đối với các hành vi vi phạm, xâm hại trẻ em để đảm bảo tính răn đe.

Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở để giảm thiểu tình trạng trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật.

“Ngoài việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động trẻ em, cần xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, xây dựng các gói hỗ trợ lao động trẻ em…,” đại biểu Tô Văn Tám nêu ý kiến.

Đưa ra góc nhìn về các mối quan hệ xã hội phức tạp, sự tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống của một số người đã và đang ảnh hưởng đến giáo dục, hình thành nhân cách ở trẻ em, đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) nêu rõ cần kịp thời bổ sung chế tài, quy trình xử lý các hành vi xâm hại trẻ em một cách nghiêm minh, kịp thời, để đủ sức răn đe.

Từ thực trạng xâm hại trẻ em thời gian qua, đại biểu kiến nghị xem xét, rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự về hành vi xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.

Cần chủ động xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan trong công tác giải quyết các vụ xâm hại tình dục trẻ em như chủ động xác minh, điều tra, xử lý từng trường hợp trẻ em bị xâm hại.

Trong đó, cần quy định rõ các thủ tục, quy trình, trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình, cá nhân đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại - đại biểu Phạm Văn Tuân đề xuất./.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.