Nhiều người nước ngoài ủng hộ chương trình 'Hạt gạo tình thương'

.

ĐNO - Qua hơn 3 tuần các máy “ATM gạo” trên địa bàn thành phố đi vào hoạt động, Ban tổ chức chương trình “Hạt gạo tình thương” đã tiếp nhận nhiều tấm lòng hảo tâm từ các tổ chức và cá nhân, đặc biệt trong số đó có những người nước ngoài đang ở tại Đà Nẵng. 

 Những người nước ngoài (thứ 2 và thứ 3 từ trái sang) ủng hộ chương trình. Ảnh: Ban tổ chức chương trình
Những người nước ngoài (thứ 2 và thứ 3 từ trái sang) ủng hộ chương trình. Ảnh: Ban tổ chức chương trình "Hạt gạo tình thương" cung cấp.

Một ngày cuối tháng 4-2020, tại Thành Đoàn Đà Nẵng (71 Xuân Thủy, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), một người phụ nữ nước ngoài mang theo 2 bao gạo cùng 3 vỉ trứng và 6 chai dầu ăn và bảo rằng: “Chúng tôi muốn ủng hộ cho máy “ATM gạo”. Qua thông tin, Ban tổ chức biết được chị tên là Josephine Jones (quốc tịch Anh), Josephine cho biết đã ở Việt Nam được hơn 3 tháng. Ban đầu chị chỉ có ý định đi du lịch, nhưng từ khi Covid-19 bùng phát tại Anh, chị quyết định ở lại Đà Nẵng và chờ qua dịch sẽ trở về. 

“Nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết đến và rất ấn tượng với chiếc máy “ATM gạo” ở nước các bạn. Sau khi biết được máy “ATM gạo” đã được triển khai tại Đà Nẵng, tôi đi mua những vật phẩm trên để ủng hộ cho chương trình, hy vọng nó sẽ giúp được phần nào cho những người có hoàn cảnh khó khăn” - chị Josephine Jones cho biết.

Sau khi chị Josephine Jones rời đi, một người đàn ông nước ngoài khác tiến lại gần bàn tiếp nhận ủng hộ và nói rằng muốn ủng hộ tiền mặt vì không có phương tiện để chở gạo tới, vậy là anh ủng hộ 1,2 triệu đồng tiền mặt. Chia sẻ về lý do tại sao biết đến chương trình, anh Manabu Shinohara (quốc tịch Nhật Bản) cho biết, anh đã tới Đà Nẵng nhiều lần và từ cuối tháng 2-2020 đến nay, anh ở tại khu vực An Thượng (phường Mỹ An, Quận Ngũ Hành Sơn) để làm việc. 

Khi đọc qua thông tin về máy “ATM gạo” của chương trình trên mạng Internet, anh rất ấn tượng và muốn đến tận nơi xem người dân tiếp nhận gạo như thế nào. Sau khi nhìn thấy có rất nhiều người khó khăn đang đứng xếp hàng chờ tới lượt được nhận gạo; đồng thời biết được chỉ trong ba ngày đầu, Ban tổ chức chương trình đã phát ra số lượng gạo rất lớn nên anh quyết định đến ủng hộ.

Điểm chung của những người nước ngoài trên là biết đến chương trình vì báo chí quốc tế cũng rất quan tâm về "ATM gạo". Gõ từ khóa "Rice ATM" vào thanh tìm kiếm trên Google, có thể thấy khoảng 28 triệu kết quả được đưa ra trong vòng 0,43 giây. Khi truy cập vào một số tờ báo lớn trên thế giới sẽ thấy báo chí nước ngoài đã đánh giá rất tích cực về những chiếc máy "ATM gạo". 

Cụ thể, trên bài viết với tiêu đề " 'Rice ATMs' provide free rice for people out of work in Vietnam due to the coronavirus crisis " (tạm dịch: Những máy "ATM gạo" cung cấp gạo miễn phí cho người thất nghiệp tại Việt Nam do ảnh hưởng của Covid-19) của hãng tin CNN ngày 13-4 nhận định: "Một chiếc máy có thể phát gạo miễn phí - điều này quá khó tin nhưng lại là sự thật... Sau khi hoạt động tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và Huế, "ATM gạo" như thế này sẽ sớm lắp đặt tại Đà Nẵng"

Cũng trong ngày 13-4, hãng tin Reuters đưa tin về máy "ATM gạo" với tiêu đề " 'Rice ATM' feeds Vietnam's poor amid virus lockdown" (" 'ATM gạo"' cung cấp cho người nghèo Việt Nam trong bối cảnh phong tỏa do virus), khen ngợi sáng kiến khi vừa giúp được những người khó khăn, thất nghiệp lại bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19. 

Sau đó, các báo khác như USNews, The New York Post (của Mỹ), British Herald (của Anh), Bangkok Post (của Thái Lan), Taipei Times của Đài Loan (Trung Quốc), ABC News (của Australia)...  đã dẫn lại tin của Reuters nói trên. Dưới các bài viết, các độc giả bình luận những ý kiến tích cực, một tài khoản tên Tasman đã bình luận dưới tin dẫn lại từ Reuters trên tờ Bangkok Post ngày 13-4 rằng: "ATM gạo là ý tưởng tuyệt vời, khi nhận gạo, những người khó khăn sẽ cảm thấy vẫn có cách để vượt qua vào thời điểm này"...

Ông Demaseure Thierry (bên trái) ủng hộ 5 triệu đồng cho chương trình
Ông Demaseure Thierry (bên trái) ủng hộ 5 triệu đồng cho chương trình "Hạt gạo tình thương" tại Báo Đà Nẵng. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Báo Đà Nẵng - đơn vị đồng hành tiếp nhận ủng hộ của chương trình, thời gian qua cũng đón nhận lòng hảo tâm từ rất nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có ông Demaseure Thierry (quốc tịch Bỉ) ủng hộ 5 triệu đồng. Qua trao đổi, chúng tôi biết rằng ông đã đọc một bài viết với tựa đề “Báo Đà Nẵng kết nối tấm lòng vì “ATM gạo” trên Báo Đà Nẵng Online phiên bản Tiếng Anh (Danang Today), sau đó ông tham khảo thêm bạn bè về các địa điểm đáng tin cậy nhận quyên góp và ông quyết định chọn Báo Đà Nẵng để ủng hộ cho chương trình “Hạt gạo tình thương”. 

Cứ như vậy, chương trình qua từng ngày lại nhận được những tấm lòng và sự quan tâm của bạn bè quốc tế đang ở tại Đà Nẵng. Ông Nguyễn Hồng Cương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, Trưởng ban tổ chức chương trình chia sẻ: “Có rất nhiều người nước ngoài đã tìm đến để ủng hộ, có người hôm trước ủng hộ 20kg gạo, hôm sau lại ủng hộ thêm 75kg. Những người nước ngoài cho biết sau khi ủng hộ đợt 1 thì chia sẻ cho những người khác biết, rồi những người bạn của vị khách này lại ủng hộ vào đợt 2. Tôi mong rằng trong thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục nhận quan tâm từ các tổ chức, cá nhân để chia sẻ bớt với những người khó khăn”.  

Đến ngày 7-5, Ban tổ chức chương trình “Hạt gạo tình thương” đã tiếp nhận hơn 230 tấn gạo và hơn 550 triệu đồng tiền mặt ủng hộ chương trình, Báo Đà Nẵng đã tiếp nhận ủng hộ cho chương trình hơn 10 tấn gạo. Mỗi ngày, mỗi điểm đặt máy “ATM gạo” trên địa bàn thành phố cung cấp trung bình 2,5 - 3 tấn gạo, với 3 điểm trung bình là 8 tấn gạo/ngày.

 MAI QUẾ

 

;
;
.
.
.
.
.