Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính của 43 địa phương

.

Bộ Nội vụ cho biết, trong số 45 tỉnh, thành phố xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021, đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết sắp xếp của 43 địa phương, còn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Kiên Giang chưa gửi hồ sơ đề án.

Hòn Thơm có diện tích 5,7 km2, thuộc quần đảo An Thới, nằm ở phía nam đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Hoàng Tuyết - Gia Thuận/Báo Tin tức
Hòn Thơm có diện tích 5,7km2, thuộc quần đảo An Thới, nằm ở phía nam đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Hoàng Tuyết - Gia Thuận/Báo Tin tức

Theo đúng lộ trình, các địa phương phải hoàn thành việc sắp xếp trong quý I-2020. TP. Hồ Chí Minh đề nghị sau đại hội đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 mới tiến hành sắp xếp. Tỉnh Kiên Giang có xã Hòn Thơm (huyện Phú Quốc) thuộc diện khuyến khích sắp xếp, dự kiến sáp nhập với thị trấn An Thới, sẽ trình cùng với Đề án thành lập thành phố Phú Quốc khi được sự đồng ý về chủ trương của cơ quan có thẩm quyền.

Giảm 6 huyện, 545 xã

Theo tổng hợp số liệu của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành các Nghị quyết sắp xếp, đã tiến hành sắp xếp đối với 18 huyện (trong đó có 9 huyện thuộc diện phải sắp xếp, 1 huyện thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 8 huyện liền kề có liên quan đến sắp xếp). Còn 10 huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng các địa phương đề nghị chưa tiến hành sắp xếp trong đợt này.

Trong đó có 4 huyện đặc thù về vị trí địa lý do nằm cách biệt nên không thể sắp xếp được với đơn vị hành chính cùng cấp liền kề là: Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Tân Phú Đông (Tiền Giang). Kết quả số lượng đơn vị hành chính cấp huyện giảm là 6 đơn vị. Tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện. Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hòa Bình mỗi tỉnh giảm 1 huyện. Các tỉnh Yên Bái, Điện Biên có điều chỉnh địa giới để sắp xếp nhưng không làm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện.

Các tỉnh, thành phố đã tiến hành sắp xếp đối với 1.025 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó: có 532 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 382 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp). Hiện còn 99 xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng các địa phương đề nghị chưa tiến hành trong đợt này. Kết quả số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm là 545 đơn vị. Trong đó, những tỉnh giảm nhiều như: Hòa Bình giảm 59, Cao Bằng giảm 38, Phú Thọ giảm 52, Hà Tĩnh giảm 46, Thanh Hóa giảm 76 xã...

Vướng mắc trong giải quyết chính sách cho số người dôi dư

Theo báo cáo của các địa phương thực hiện sắp xếp huyện, xã, dự kiến,các đơn vị hành chính cấp huyện mới hình thành sẽ bố trí số cán bộ, công chức đúng quy định là 1.062 người, số dôi dư là 428 người. Các xã mới hình thành bố trí số cán bộ, công chức cấp xã là 10.043 người, số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 9.534 người; bố trí số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 8.816 người, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.913 người.

Đề án của UBND các địa phương báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cam kết và có phương án, lộ trình chi tiết giải quyết dứt điểm số cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư trước năm 2022. Tuy nhiên, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đã phản ánh về Bộ Nội vụ là việc giải quyết các chính sách đối với những người dôi dư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khó bảo đảm hoàn thành trước năm 2022. Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2021, các địa phương có phương án giải quyết dứt điểm số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư là 146 người; cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 7.006 người và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.705 người.

Còn 282 cán bộ, công chức cấp huyện; 2.528 cán bộ, công chức cấp xã và 208 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư, đến nay các địa phương vẫn lúng túng, chưa có phương án giải quyết. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục đôn đốc, đồng hành và kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện để bảo đảm giải quyết dứt điểm trước năm 2022. Trường hợp các địa phương có khó khăn về các cơ chế, chính sách, về nguồn lực để giải quyết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Giảm chi ngân sách Nhà nước 1.431 tỷ đồng

Một trong những mục tiêu quan trọng của việc sắp xếp huyện, xã là bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Theo tính toán, khi tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong đợt này, dự kiến sẽ giảm chi ngân sách Nhà nước do giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 5 năm tới (giai đoạn 2020 - 2024) khoảng 1.431 tỷ đồng (gồm: giảm chi tiền lương và phụ cấp khoảng 511 tỷ đồng; giảm chi hoạt động khoảng 920 tỷ đồng). Con số này chưa bao gồm giảm chi xây dựng mới, sử dụng trụ sở làm việc, mua sắm ô tô, trang thiết bị làm việc.

Ngay trong năm 2020, ước tính giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 481 tỷ đồng, trong đó, giảm chi tiền lương, phụ cấp khoảng 297 tỷ đồng; giảm chi hoạt động khoảng 184 tỷ đồng (đối với cấp huyện giảm chi hoạt động khoảng 17 tỷ đồng; đối với cấp xã giảm chi hoạt động khoảng 167 tỷ đồng). Năm 2021, giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 305 tỷ đồng. Con số tương ứng với các năm từ 2022 – 2024 là 215; 217 và 213 tỷ đồng.

Bên cạnh hầu hết các địa phương đã triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về sắp xếp huyện, xã, theo Bộ Nội vụ, vẫn còn một số tỉnh, thành phố tiến độ thực hiện chậm so với lộ trình kế hoạch đề ra, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh xin lùi thời hạn sắp xếp sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai sáp nhập huyện, xã do vẫn còn tâm lý không muốn giảm số lượng đơn vị hành chính ở địa phương mình. Một bộ phận cán bộ, công chức ở các huyện, cấp xã phải sắp xếp chưa ủng hộ việc sáp nhập, có tư tưởngtrì hoãn do lo lắng sẽ ảnh hưởng đến vị trí công tác sau khi sắp xếp.

Nếu không tính 4 huyện đảo, cù lao do có yếu tố đặc thù nằm biệt lập nên không thực hiện sắp xếp, các địa phương chỉ tiến hành sắp xếp được 9/15 huyện. Điều đó, chứng tỏ vẫn còn một số địa phương chưa quyết tâm thực hiện sắp xếp. Sau sắp xếp, chỉ giảm được 6 huyện, bằng 0,8% tổng số huyện của cả nước. Nhiều huyện, xã mới hình thành sau khi sắp xếp vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định, nhưng nhiều địa phương chưa lý giải rõ được các yếu tố đặc thù nên không thể sắp xếp thêm đơn vị hành chính cùng cấp khác liền kề.

Tiến độ sắp xếp các đơn vị hành chính chậm so với kế hoạch, lộ trình đề ra, bên cạnh nguyên nhân do đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, thì còn có nguyên nhân thời gian gấp, gần sát với thời điểm các địa phương chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 (nhất là ở cấp xã). Việc sáp nhập huyện, xã thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021, nhưng phải hoàn thành trong quý I/2020 nên các địa phương gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Có thể thấy, việc bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gắn với công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 còn gặp khó khăn. Mặc dù, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ đã quy định việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư thực hiện theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều địa phương thì vẫn còn tồn đọng một số lượng cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do chưa sắp xếp, bố trí, giải quyết ngay được. Đặc biệt, trong thời điểm các địa phương đang triển khai thực hiện Nghị định số 34/2019/CP-NĐ của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (mỗi xã giảm 2 cán bộ, công chức; giảm từ 7-9 người hoạt động không chuyên trách) và thực hiện chủ trương bố trí công an chính quy về công tác tại các xã, thị trấn.

Đối với các địa phương tiến hành nhập từ 2-4 đơn vị hành chính để hình thành 1 đơn vị hành chính mới, số lượng cán bộ, công chức dôi dư rất lớn. Trong khi số lượng những người nghỉ hưu đúng tuổi, giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế chưa nhiều, các địa phương gặp khó khăn khi sắp xếp, bố trí và giải quyết đối với những người dôi dư.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.