Bảo đảm học tập, làm việc trong mùa nóng

.

Trong tiết trời nắng nóng gần 40oC, công nhân lao động tại các công trình xây dựng, công nhân vệ sinh môi trường... vẫn miệt mài làm việc để kịp tiến độ, làm sạch phố phường, chống ô nhiễm; học sinh vẫn đến trường học tập. Để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, học sinh..., các đơn vị triển khai biện pháp phòng, chống nắng nóng, tránh sốc nhiệt.

Dưới cái nắng nóng gay gắt, người lao động vẫn cố gắng hoàn thành công việc. Trong ảnh: Công nhân dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý đang thao tác tạo khung thép. (Ảnh chụp vào đầu tháng 6 -2020)Ảnh: XUÂN SƠN
Dưới cái nắng nóng gay gắt, người lao động vẫn cố gắng hoàn thành công việc. Trong ảnh: Công nhân dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý đang thao tác tạo khung thép. (Ảnh chụp vào đầu tháng 6 -2020). Ảnh: XUÂN SƠN

Gồng mình làm việc dưới nắng nóng

Ghi nhận tại công trình Cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý vào lúc 12 giờ trưa ngày 8-6, một tổ công nhân 5 người đang miệt mài khoan cắt bê-tông dưới cái nóng như lửa đốt. Mồ hôi nhễ nhại, ông Nguyễn Văn Tam - công nhân khoan cắt cho biết, đây là tổ làm khoán nên dù nắng nóng vẫn phải làm để hoàn trả mặt bằng cho các đơn vị khác. Để bảo đảm sức khỏe cho các công nhân, đơn vị thi công sử dụng các biện pháp chống nắng nóng như che dù, bố trí nước mát, uống nước chanh chống mất nước.

Đối với các công trình xây dựng dân dụng, để bảo đảm sức khỏe cho thợ xây, thợ hồ, chủ thầu triển khai các biện pháp linh hoạt hơn. Ông Nguyễn Văn Cường - chủ thầu xây dựng công trình dân dụng nằm trên địa bàn phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) cho biết:

“Để tránh nóng, buổi sáng chúng tôi yêu cầu công nhân đến công trình làm việc sớm để làm các hạng mục ngoài trời. Đến thời điểm nắng gắt sẽ cho các công nhân lao động vào bên trong nhà tô tường hoặc đóng cọc pha đổ sàn. Buổi chiều bắt đầu làm muộn hơn khi nắng đã bớt gắt. Ngoài ra, chúng tôi trang bị bảo hộ lao động, chuẩn bị nước mát cho công nhân, tránh say nắng, sốc nhiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Ngoài công trình xây dựng, các công nhân môi trường cũng là những người đang căng mình làm việc dưới thời tiết nắng bỏng rát. Theo ghi nhận, từ 13 giờ chiều 8-6, tại đường Nguyễn Văn Linh, các công nhân môi trường miệt mài quét dọn đường phố, đẩy từng xe rác nặng trĩu bất chấp cái nắng chói chang.

Chị Lan, công nhân thuộc Xí nghiệp môi trường Thanh Khê cho biết: “Tôi được phân công phụ trách quét dọn rác tại tuyến đường Nguyễn Văn Linh khu vực quận Thanh Khê, buổi sáng bắt đầu làm việc từ 7 giờ đến 11 giờ, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ thì nghỉ, dù nắng nóng nhưng để thành phố sạch đẹp, chúng tôi không ngại khó”.

Tại bãi rác Khánh Sơn, công nhân của Xí nghiệp Quản lý bãi và xử lý chất thải (Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng) vẫn đều đặn làm ngày 3 ca. Ông Nguyễn Đăng Huy, Giám đốc Xí nghiệp cho biết, để bảo đảm sức khỏe cho công nhân, Công ty cũng như Xí nghiệp mua sắm đồ bảo hộ lao động cho công nhân, trong đó có dù chống nắng.

“Trong những ngày nắng gắt, ngoài trang bị bảo hộ lao động cho công nhân, để bảo đảm tiến độ công việc và sức khỏe người lao động, xí nghiệp chia nhỏ các ca làm việc ra nhằm hạn chế làm việc nhiều giờ liền trong nắng nóng, ảnh hưởng sức khỏe và năng suất lao động”, ông Nguyễn Đăng Huy chia sẻ.

Nhiều giải pháp chống nóng cho học sinh

Sở GD-ĐT thành phố cho biết, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh học tập, học bán trú trong thời tiết nắng nóng, sở đã yêu cầu các trường chủ động tăng cường thêm quạt, hạn chế học sinh vận động ngoài trời, bảo đảm an toàn cháy nổ cũng như công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trường học.

Ghi nhận tại Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Cẩm Lệ) trong những ngày nắng nóng, tại mỗi phòng học đều được tăng cường 2 quạt treo tường, quạt phun sương. Cô Nguyễn Thị Thu Nhi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, xác định việc học sinh học trong thời gian các tháng 5, 6, 7 sẽ rất nóng, nhà trường tăng cường nhiều biện pháp nhằm giúp giáo viên và học sinh bảo đảm sức khỏe để dạy và học tập. Về vấn đề an toàn thực phẩm, nhà trường kiểm soát rất chặt chẽ, tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Thầy Nguyễn Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) cho biết, để chống nóng trong các phòng học, nhà trường đã thay mới các quạt cũ, tăng cường quạt phun sương ở mỗi lớp học. “Để chống “sốc nhiệt”, đối với các tiết thể dục vào tiết cuối buổi sáng, tiết đầu buổi chiều, trường cho học sinh học ở khu vực có bóng mát và chỉ học các bài nhẹ nhàng”, thầy Phước chia sẻ.

Tại Trường tiểu học Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê), ngoài việc tăng cường quạt làm mát ở các lớp học, giờ ngủ trưa của học sinh bán trú được nhà trường chú ý bố trí hợp lý; theo đó, những lớp có học sinh bán trú đông sẽ được phân công đến các lớp học sinh có bán trú ít để nghỉ trưa.

Theo Ban giám hiệu nhà trường, trong giờ học, các lớp mở cửa sổ để tạo sự thoáng mát, các phòng đều được bố trí thêm quạt, một số phòng có quạt phun sương làm mát. Nhà trường cũng nhắc nhở học sinh hạn chế chạy nhảy vào giờ ra chơi. Cạnh đó, chỉ đạo bộ phận y tế chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để xử lý các trường hợp chảy máu cam, ngất xỉu do thời tiết quá khắc nghiệt.

Tại các Trường tiểu học Lý Tự Trọng (đang học tạm thời tại Cung thiếu nhi thành phố), Trần Văn Ơn, Núi Thành, Phù Đổng (quận Hải Châu), nhà trường mở điều hòa cho các em ngồi học, ngủ trưa. Cô Phan Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Tự Trọng cho biết, do đang xây cơ sở mới nên năm học này phải học thuê tại Cung thiếu nhi, các phòng có đầy đủ điều hòa nên giờ học, giờ ngủ của các em không bị ảnh hưởng quá nhiều vì nóng. Tuy nhiên, do nắng nóng nên giờ ra chơi, nhà trường dặn dò các em chơi trong phòng, tránh bị “sốc nhiệt”.

Tại các trường mầm non, các trường chú trọng đến việc bố trí không giang thoáng mát, tăng cường quạt treo tường, quạt phun sương. Các trường cũng đặc biệt chú trọng điều chỉnh thực đơn trong những ngày thời tiết nắng nóng như hạn chế món chiên rán, tăng cường rau xanh, củ quả và các loại canh có tác dụng giải nhiệt. Một số trường mầm non cũng làm thêm nước uống giải nhiệt như nước chanh sả, nước tắc… để tăng sức đề kháng cho học sinh.

Không chủ quan

Thời tiết nắng nóng khiến bệnh nhân nhập viện khám, điều trị các bệnh liên quan cũng tăng lên. Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, những ngày qua, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám 1.300-1.500 bệnh nhi, trong đó bệnh nhân chủ yếu mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa, hô hấp.

Theo bác sĩ Lê Văn Dũng, Phó trưởng Khoa khám Đa khoa - Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, thời tiết nắng nóng như những ngày qua rất nguy hiểm, kết hợp với việc thay đổi các thói quen sinh hoạt khiến trẻ rất dễ mắc các bệnh liên quan.

“Tuyệt đối không được chủ quan đối với các biện pháp chăm sóc, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, trong đó nhấn mạnh việc bảo đảm lượng nước uống đầy đủ cho trẻ mỗi ngày, chế độ dinh dưỡng phù hợp, an toàn vệ sinh thực phẩm. Không nên thay đổi môi trường sinh hoạt một cách đột ngột có thể khiến trẻ bị sốc nhiệt”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.

Trong khi đó, ghi nhận tại Khoa Lão, Bệnh viện Đà Nẵng, hiện có trên 90 bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị các bệnh lý mạn tính tại đây. Bác sĩ Phạm Văn Tú, trưởng Khoa Lão, Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ, bản thân sức đề kháng bệnh nhân lớn tuổi vốn đã yếu, phải thường xuyên điều trị các bệnh lý do tuổi tác gây nên, nay gặp thời tiết nắng nóng thì rất dễ đổ bệnh.

“Đối với người lớn tuổi, tuyệt đối không ra ngoài vào các giờ cao điểm, nếu có sẵn nền bệnh lý cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng, điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người nhà cần lưu ý không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý cho người lớn tuổi, đồng thời phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng phù hợp, tinh thần thoải mái để không phát sinh các bệnh đi kèm do thời tiết khắc nghiệt như hiện nay”, bác sĩ Tú cho biết.

NGỌC PHÚ – XUÂN DŨNG – PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích