Bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng

.

Thực tế hiện nay, việc lập tài khoản để sử dụng mạng xã hội (MXH) rất dễ dàng vì chỉ cần có thông tin tự khai báo của người dùng là xong. Bởi vậy, để con không gặp những nguy hại từ môi trường mạng thì bố mẹ cần đồng hành với con.

Trẻ em cần được trang bị kỹ năng để sử dụng mạng xã hội một cách an toàn.  (Ảnh minh họa)
Trẻ em cần được trang bị kỹ năng để sử dụng mạng xã hội một cách an toàn. (Ảnh minh họa)

Chị Thu Hân (39 tuổi, ở quận Hải Châu) cho biết, chị không khỏi ngạc nhiên khi con gái chị đang học lớp 5 đã có tài khoản facebook do bạn lập giúp. Cô bé nói là để xem thông tin về trường lớp và chat với bạn bè. Khi vào trong phần bạn bè, chị giật mình và lo lắng khi thấy con có khá nhiều bạn, thậm chí có cả những thanh niên, người nước ngoài. Khi mẹ hỏi thì cô bé bảo cứ hễ ai gửi lời mời kết bạn là đồng ý.

“Tôi thật sự lo lắng vì bọn trẻ bây giờ sử dụng MXH sớm quá. Mình cấm cũng không được vì bạn bè nó đã sử dụng và cũng bình luận y như người lớn”, chị Hân nói. Còn anh Lê Hùng (43 tuổi, ở quận Thanh Khê) thì cho biết, mặc dù công việc kế toán ở công ty khá bận rộn nhưng anh vẫn luôn dành thời gian mỗi buổi tối để theo sát cô con gái mới học lớp 4. Anh Hùng nói: “Tôi thường trao đổi với con nên like (thích) hoặc chia sẻ nội dung nào, đưa ảnh gì lên kết bạn với những ai. Bây giờ thông tin trên mạng xã hội quá nhiều, có cả những thông tin tiêu cực. Bởi vậy, nếu không theo kịp để hướng dẫn thì các con rất dễ đi sai đường”.

Qua kết quả khảo sát đầu vào của dự án TOCSE (dự án bảo vệ trẻ em và thanh - thiếu niên khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng) do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng thực hiện giai đoạn 2018-2021, cho thấy: Chỉ có 9,9% trẻ em có kiến thức về xâm hại tình dục qua mạng, 8,6% phụ huynh (49/572) và 32,5% giáo viên (37/114) có kiến thức cơ bản về phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. Đáng chú ý, có 124 trẻ em (22%) đã từng bị xâm hại tình dục trực tuyến, chủ yếu khi kết nối với bạn bè lạ, bị nhắn tin quấy rối…

Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng Trương Thị Như Hoa cho rằng phụ huynh hãy đồng hành với con, “phải là bạn của con”, thường xuyên trò chuyện với con để các em nói ra được vấn đề của mình. Đó là cách bảo vệ trẻ em tốt nhất cả ngoài đời thực lẫn trong không gian mạng.

Bên cạnh đó, cần giáo dục con biết kết bạn với người mình quen biết và chia sẻ thông tin với người mình biết rõ và tin tưởng; đồng thời kiểm chứng thông tin để biết rõ thông tin đó đến từ đâu và có đúng sự thật hay không. “Ở lứa tuổi của các em thường chưa đủ chín chắn và có tâm lý theo số đông, theo cảm tính. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, chúng ta không thể cấm các con dùng MXH mà chỉ có thể dạy các con cách sử dụng một cách có văn hóa, chính kiến”, thạc sĩ Trương Thị Như Hoa nói.

Hỗ trợ trẻ em khỏi bị xâm hại trên môi trường mạng

Ngoài kênh thông tin của Chính phủ - tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, từ ngày 1-6-2020, Tổng đài dịch vụ công 1022 của thành phố Đà Nẵng cũng chính thức tiếp nhận thông tin liên quan đến việc tố cáo, thông báo hành vi xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố, giải đáp thông tin chính sách về bảo vệ trẻ em, về dịch vụ trẻ em và kết nối đến Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng để kịp thời can thiệp, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực, xâm hại trên môi trường mạng. Hãy gọi 111 và 1022 để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; hoặc phụ huynh có thể tìm đến Hội quán Hạnh phúc tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng (64 Đống Đa - quận Hải Châu) để được tập huấn thêm nhiều kỹ năng, kiến thức hoàn toàn miễn phí để đồng hành với con, làm bạn với con, bảo vệ con trên môi trường mạng.

KIM NGÂN
 

;
;
.
.
.
.
.