Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng : Cần sự tích cực từ phụ huynh

.

Là người công tác trong ngành giáo dục, lâu nay, chị L.T.B ở tổ 23, phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) khá an tâm về cách nuôi, dạy hai đứa con của mình. Chị B. cho biết, vợ chồng chị quán triệt nguyên tắc: Chỉ có dịp cuối tuần, mỗi ngày sẽ cho con sử dụng điện thoại di động và máy tính bảng của ba mẹ một giờ đồng hồ. Dù vậy, trên thực tế, cả hai đứa con của chị B. đều nghiện game nặng - điều vợ chồng chị L. không thể ngờ tới.

Các em thiếu nhi phường Hòa An, quận Cẩm Lệ tham gia hoạt động xã hội do Quận Đoàn tổ chức. Ảnh: THANH VÂN
Các em thiếu nhi phường Hòa An, quận Cẩm Lệ tham gia hoạt động xã hội do Quận Đoàn tổ chức. Ảnh: THANH VÂN

Thực tế, nhiều phụ huynh đã chọn cách thỏa hiệp, chấp nhận cho con sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin như điện thoại thông minh, máy tính bảng như là cách “treo thưởng” để con ăn, học... Và theo giải thích của nhiều người thì nếu không cho con sử dụng các thiết bị này thì con cái sẽ phản ứng khá tiêu cực...

Thống kê của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cho biết, trong năm 2019, tổng đài đã tiếp nhận gần 5.000 cuộc gọi của người dân, trong số này, cuộc gọi từ địa bàn trung tâm thành phố là gần 600 cuộc nhờ tư vấn các vấn đề liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2020, số cuộc gọi đến Tổng đài 111 của người dân thành phố đã gần 400 cuộc.

Theo các nhân viên trực Tổng đài 111, nội dung cuộc gọi đề cập khá nhiều vấn đề, tuy nhiên, gần đây nổi lên thắc mắc của phụ huynh xoay quanh việc con cái mất quá nhiều thời gian vào các trang mạng xã hội hoặc chơi game online. Hầu hết phụ huynh đều bày tỏ sự lúng túng vì không am hiểu về công nghệ thông tin, không biết cách giúp con “cai” sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả.

Con số này cũng khá trùng hợp với thống kê từ dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh- thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng” (10-2018) của thành phố đưa ra. Trong năm 2019, tại 3 địa phương được chọn thí điểm để triển khai dự án là quận Sơn Trà, Hải Châu và Cẩm Lệ cho thấy chỉ có 10,4% trẻ em và 8,6% phụ huynh biết được môi trường mạng có tác động tiêu cực, nếu không biết sử dụng, khai thác một cách lành mạnh.

Ngược lại, có đến 68% trẻ em tự tìm hiểu và sử dụng, khai thác thông tin trên mạng; 50% phụ huynh chưa biết cách hướng dẫn, quản lý con sử dụng internet một cách tốt nhất. Còn khảo sát năm 2019 của Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông Vietnet cho thấy, có đến 75% học sinh dưới 12 tuổi dùng mạng xã hội, nhưng không biết các rủi ro từ mạng xã hội.

Kế hoạch số 1583/KH-UBND ngày 8-3-2016 của UBND thành phố về “Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020” đề ra mục tiêu xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày một tốt hơn các quyền về trẻ em...

Theo đó, thành phố cụ thể hóa bằng việc triển khai dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh-thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục trên môi trường mạng”; tháng 3-2019, Thành Đoàn, Hội đồng Đội thành phố cho ra mắt Hội đồng trẻ em giai đoạn 2019-2022... Tuy nhiên, trên thực tế những nỗ lực này từ các cấp chính quyền, hội, đoàn thể vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trưởng ban Thanh thiếu niên - Trường học, Thành Đoàn Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thảo nhìn nhận: “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề chúng tôi rất quan tâm, nên trong thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp như tăng cường truyền thông qua các kênh thông tin chính thống của Đoàn, lồng ghép vào các hoạt động Đoàn - Đội.

Đặc biệt, ở mỗi quận, huyện Đoàn đều thành lập đội tuyên truyên cho vấn đề này. Thế nhưng, kết quả chưa như mong muốn. Nguyên nhân phần từ bản thân các em thanh, thiếu nhi chưa ý thức được những ảnh hưởng tiêu cực từ internet, nhà trường chưa dành nhiều thời gian cho công tác này. Một bộ phận phụ huynh vẫn khá thờ ờ và xem đây là việc của nhà trường và xã hội. Đây chính là “lổ hổng” dẫn đến tình trạng khó kiểm soát việc trẻ em sử dụng mạng internet như hiện nay”.

Trong khi đó, từ cuối năm 2019, Trung tâm cung cấp Dịch vụ công tác xã hội thành phố đã cho ra đời mô hình “Hội quán Hạnh phúc” với mục đích biến nơi đây trở thành địa chỉ giúp trẻ em lẫn bậc phụ huynh tìm lời giải về việc làm thế nào sử dụng thời gian  hằng ngày hợp lý, khoa hoc, bổ ích; cung cấp phương pháp “cai” internet hay hướng dẫn sử dụng mạng internet hợp lý, có ích... Tuy nhiên, số phụ huynh tìm đến vẫn rất khiêm tốn. 

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.