Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Huỳnh Văn Hoa góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XXII Đảng bộ thành phố

.

Báo Đà Nẵng giới thiệu nội dung góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 của ông Huỳnh Văn Hoa, Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố.

Tôi thống nhất với chủ đề của dự thảo Báo cáo chính trị là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường sức mạnh đồng thuận; phát huy các động lực tăng trưởng; xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại”.

Ở phần những thành quả, 5 năm qua, trong bối cảnh đất nước và thành phố có những khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ và nhân dân thành phố đã có nhiều nỗ lực vươn lên, đạt được kết quả khả quan. Cái lớn nhất là lòng dân vẫn đồng thuận, chăm chút, lo lắng cho những được, mất của thành phố, vẫn tha thiết với thành phố. Đó là điều đáng mừng.

Về 3 đột phá kinh tế-xã hội trong dự thảo Báo cáo chính trị đánh giá còn tản mạn, chưa thấy mặt nào mạnh, mặt nào yếu của từng lĩnh vực đột phá. Đồng thời, trong Báo cáo chính trị nên thống nhất thuật ngữ: “Thành phố đáng sống”, “Đô thị đáng sống”, “Thành phố thông minh”, “Đô thị sinh thái”. Dự thảo Báo cáo chính trị thống kê có 71 hoạt động phản biện xã hội bằng văn bản và bằng đối thoại trực tiếp. Tác dụng thực sự là bao nhiêu cần nêu rõ.

Báo cáo chính trị chỉ nêu về phát triển khoa học - công nghệ và thị trường khoa học - công nghệ, còn các công nghệ cốt lõi của Cuộc cách mạng lần thứ 4 liên quan nhiều đến phát triển thành phố, đến đầu tư, lao động, văn hóa - xã hội, nhất là liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp, công tác đào tạo, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư công nghệ, nghiên cứu khoa học,… chưa được đề cập đúng mức trong dự thảo.

Về nhiệm vụ và giải pháp trong lĩnh vực y tế, tôi đề nghị bổ sung: ngành y tế xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế về y, dược cổ truyền, phục hồi chức năng; thành lập Trung tâm Du lịch y tế thành phố. Bởi vì, theo báo cáo của Viện Sức khỏe toàn cầu, du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness Tourism) hay còn gọi là du lịch y tế đang dần trở thành xu hướng lựa chọn của phần lớn du khách, nhằm hướng đến cuộc sống khỏe mạnh, chất lượng, trải nhiệm an lành và cân bằng cảm xúc.

Trong dự thảo nên đề ra cụ thể về nội dung, kế hoạch, phương thức, phân công nhiệm vụ đối với các đột phá chiến lược, gắn với Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về phần nhiệm vụ và giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị, ở điểm đầu tiên về “đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”, chỉ nên ghép chính trị, tư tưởng và đạo đức, không nên đưa công tác tổ chức vào. Điểm 2, thêm dấu phẩy (,) vào câu “Tiếp tục hoàn thiện, sắp xếp tổ chức bộ máy”. Điểm 3 “Thực hiện tốt các chủ trương, quy định mới của Trung ương và Thành ủy về công tác cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”, nội dung này lặp lại công tác tổ chức ở điểm 1 và 2 (sắp xếp tổ chức bộ máy), tôi đề nghị xem lại. Điểm 4 “Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng” còn chung chung, cần nhấn mạnh rõ hơn, chẳng hạn như trong Báo cáo chính trị Trung ương: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng”.

Trong điểm 6 “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng”, theo tôi còn thiếu về “chống lãng phí”, đề nghị bổ sung.
Ngoài ra, phần phụ lục, có 132 nội dung phụ lục là quá nhiều, khó theo dõi. Tôi đề nghị cần chọn lọc, chỗ nào đưa vào báo cáo, chỗ nào đưa vào phụ lục. Phần các bài học kinh nghiệm nêu trong Báo cáo chính trị cần đánh số thứ tự, không gạch đầu dòng như trong dự thảo.

LAM PHƯƠNG ghi

;
;
.
.
.
.
.