'Cuộc chiến': chống tin giả về Covid-19

.

Covid-19 gây ra hàng loạt các hệ lụy không chỉ đối với nền kinh tế, chính trị của nhiều quốc gia mà còn khơi mào cho “cuộc chiến” dai dẳng với “virus” tin giả (fake news) trên mọi mặt trận truyền thông.

Cơ quan Công an Đà Nẵng xử lý một trường hợp tung tin giả về Covid-19. Ảnh: HOÀI THU
Cơ quan Công an Đà Nẵng xử lý một trường hợp tung tin giả về Covid-19. Ảnh: HOÀI THU

Còn nhớ, chỉ vài ngày sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, những tin tức về Covid-19 bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông: từ các trang báo điện tử, báo giấy chính thống, đến trang mạng cá nhân (facebook)… đã tạo làn sóng dư luận nhiều chiều. Bên cạnh những thông tin chính thống được cập nhật kịp thời, chính xác và minh bạch hằng ngày trên các ấn phẩm báo chí cả nước về diễn biến của dịch bệnh thì cùng với đó, tin giả cũng hoạt động sôi nổi trên nhiều diễn đàn, trong đó chủ yếu tập trung ở các trang mạng cá nhân facebook.

Ngay những ngày đầu tiên nước ta có các ca nhiễm SARS-CoV-2, trên nhiều trang mạng cá nhân đã lan truyền những thông tin thất thiệt về số ca mắc dương tính với virus corona, các khu phố bị phong tỏa, cách ly vì nghi có người nhiễm bệnh; thậm chí nhiều trang facebook còn lan truyền các trường hợp tử vong do nhiễm SARS-CoV-2... đã gây ra tâm lý hoang mang nhất định đối với người dân cả nước. Nguồn gốc các thông tin chủ yếu do các cá nhân tung lên mạng xã hội sau đó được một bộ phận người đọc chia sẻ lại, nhưng hầu hết đều không chính xác và thiếu sự kiểm chứng của cơ quan chức năng.

Riêng tại thành phố Đà Nẵng, ngay sau khi chính thức công bố về 2 trường hợp đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 8-3-2020 (hai bệnh nhân người Anh); ngay lập tức đã lan truyền trên mạng xã hội những thông tin thất thiệt về lịch trình di chuyển của họ khiến dư luận xôn xao. Đặc biệt, trong các ngày 10 và 11-3, khi Đà Nẵng xác nhận ca thứ 3 dương tính với Covid-19, từ một trang facebook cá nhân xuất hiện thông tin một bác sĩ ở Bệnh viện Đà Nẵng dương tính với SARS-CoV-2 gây xôn xao dư luận, khiến người dân thành phố, nhất là khu vực quận Hải Châu vô cùng hoang mang, lo lắng. Không chỉ có vậy, bản thân người thân, gia đình của vị bác sĩ nọ cũng như các đồng nghiệp làm việc trực tiếp cùng ông cũng phải đối mặt với những ánh mắt nghi ngại từ hàng xóm.

Chỉ sau khi lãnh đạo của Bệnh viện Đà Nẵng chính thức đưa ra phát ngôn phản bác, khẳng định thông tin lan truyền trên mạng là giả, không đúng sự thật vào tối 11-3 thì dư luận mới dịu xuống, người dân mới thở phào nhẹ nhõm. Hay trường hợp hai cá nhân là Đ.T.Q và H.T.L (Đà Nẵng) đã sử dụng mạng xã hội cá nhân để đăng tải thông tin sai lệch về các ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Nha Trang và Đà Nẵng, thu hút hàng trăm lượt người theo dõi và hàng chục người vào bình luận, thậm chí chia sẻ bài viết, gây dư luận không tốt. Hai trường hợp này sau đó đã bị Sở Thông tin và Truyền thông và Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an thành phố Đà Nẵng mời lên làm việc và xử phạt hành chính.

 Không chỉ lan truyền thông tin thất thiệt, tin giả về tình hình diễn biến dịch bệnh, mà tin giả còn “tấn công” làm sai lệch các chủ trương, chính sách được Chính phủ ban hành trong suốt quá trình triển khai các biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh. Đơn cử, chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 về việc áp dụng nghiêm chủ trương cách ly giãn cách xã hội, với những tin đồn thất thiệt về việc “ngăn sông cấm chợ” trên mạng xã hội, khiến nhiều nơi xuất hiện tình trạng người dân vì hoang mang, lo lắng thái quá đã đổ xô đi mua, tích trữ hàng hóa với số lượng lớn, gây ra cảnh chen chúc, ảnh hưởng đến quy định giãn cách xã hội, nhất là việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.

Vô hình chung, chính sự nhẹ dạ, cả tin cùng thói quen chia sẻ thông tin vô tội vạ, thiếu kiểm chứng đó của một bộ phận người dân đã tạo mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng xấu lan truyền tin giả, thông tin thất thiệt về tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới cũng như trong nước và địa phương nơi mình sinh sống; gây xáo trộn tâm lý trong dư luận; tạo ra áp lực và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị các cấp.

Giữa thời điểm mà thông tin giả lan tràn như “nấm mọc sau mưa” và đứng trước thời điểm quốc gia, địa phương phải đối mặt với sự cố mang tính toàn cầu, những người làm báo đã làm tốt vai trò “những chiến sĩ cầm bút”. Họ được đặt ở vị trí trung tâm, đấu tranh với những thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận.

Trong suốt hơn 2 tháng (từ tháng 2 đến tháng 4), khi Covid-19 diễn biến căng thẳng và cho đến tận bây giờ, những nhà báo ở tuyến đầu làm công tác tuyên truyền đã nỗ lực hết mình, vượt qua nỗi sợ hãi thông thường để tiếp cận tận nơi những khu cách ly, điểm điều trị nhằm đem đến cho bạn đọc những thông tin kịp thời, chính xác, những hình ảnh sinh động nhất, phản ánh đầy đủ mọi ngóc ngách đời sống, những vấn đề xã hội phát sinh trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng như công tác phòng, chống dịch. Và để có những tác phẩm báo chí kịp đến tay bạn đọc hằng ngày là những đêm các tòa soạn báo phải dồn sức đến tận đêm khuya. Với tâm sức của mình, qua các ấn phẩm báo chí, đội ngũ những người làm báo đã góp phần quan trọng ngăn chặn các thông tin giả gây hoang mang dư luận để lan tỏa sâu rộng những điều tích cực, làm tốt vai trò định hướng bạn đọc; góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng trên dưới để vượt qua tình cảnh khó khăn.

Cùng với “cuộc chiến” trên mặt trận truyền thông, các nhà báo cũng đóng góp vai trò hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc “truy tìm và xử phạt” các cá nhân cố tình tung tin thất thiệt, tin giả về dịch bệnh. Qua các tin, bài truyền thông của đội ngũ những người làm báo đã góp phần tăng tính răn đe, tuyên truyền kịp thời đến mọi người dân thông điệp cần cẩn trọng trong việc tìm kiếm, chọn lọc thông tin cũng như cân nhắc việc chia sẻ thông tin lên trang mạng cá nhân. Covid-19 được nhìn nhận đã và đang manh nha tạo ra những đổi thay sâu rộng từ tư duy đến hành xử của nhiều quốc gia, nền kinh tế và cả tâm thế của mỗi công dân trên toàn cầu, trong đó có đội ngũ những người làm báo. Hơn bao giờ hết, trước những biến cố lớn thì vai trò, vị trí, trách nhiệm và lương tri của người làm báo lại được nhìn nhận một cách rõ nét. 

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.