Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, tiếng loa từ đài truyền thanh cơ sở vẫn giữ được chỗ đứng nhất định trong một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn nông thôn như huyện Hòa Vang. Những thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương đến với người dân đều nhờ hệ thống loa này.
Những người làm truyền thanh ở các xã hiện nay nỗ lực đổi mới cách chuyển tải tin, bài đến thính giả để tạo sức thu hút. TRONG ẢNH: Ông Đoàn Văn Thể, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hòa Bắc kiêm nhiệm công tác truyền thanh xã trong một buổi phát thanh. Ảnh: MAI HIỀN |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang có 11 đài truyền thanh xã. Ngoài việc tiếp âm chương trình đài huyện, mỗi tuần các đài xã phải làm 1-2 chương trình với nhiều chủ đề như: nông thôn mới (NTM) , phòng chống dịch bệnh, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống lụt bão. Không phải ai cũng có thời gian đọc báo, xem tivi, nên đài xã được xem là một kênh thông tin quan trọng. Sáng ra, người dân vừa làm việc đồng áng, vừa nghe đài, tiện thời gian, lại biết thêm chủ trương của Nhà nước và tin tức ở địa phương mình.
Ông Đoàn Văn Thể, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hòa Bắc kiêm nhiệm công tác truyền thanh xã cho hay: “Mỗi tuần, Đài Truyền thanh xã Hòa Bắc có 2 chương trình riêng, phát sóng vào sáng và chiều Chủ nhật, thông tin ngắn gọn các sự việc diễn ra trên địa bàn, mỗi chương trình kéo dài 15 phút. Đặc biệt, trong thời gian xã xây dựng NTM, Đài Truyền thanh xã thường xuyên phát tin, bài tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; giải thích cặn kẽ, động viên, cổ vũ người dân đồng lòng chung sức cho chương trình”.
Xã Hòa Bắc có số lượng người Cơ tu cư trú đông, nên Đài Truyền thanh xã luôn chú trọng thông tin kịp thời những chính sách, chế độ của Đảng, chính quyền dành cho dân tộc ít người. Bên cạnh đó, xã Hòa Bắc có diện tích rừng rộng lớn, đến mùa nắng nóng, Đài Truyền thanh xã gần như phải phát chương trình phòng cháy chữa cháy rừng liên tục, có khi tuần 5 lần với các khung giờ 11 giờ và 17 giờ. Nội dung phát sóng bao gồm: bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, thông báo của UBND xã Hòa Bắc về việc xử phạt hành chính vi phạm luật bảo vệ rừng... Những thời điểm “nóng” như mùa gặt, mùa tựu trường, khám tuyển hoặc tiễn quân nhân lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, đặc biệt là mùa bão lũ..., chiếc loa công cộng của xã càng phát huy tác dụng.
Ông Trần Xử (nguyên cán bộ truyền thanh xã Hòa Châu), hiện là cộng tác viên của Đài Truyền thanh xã Hòa Châu chia sẻ: “Trong thời buổi người dân ngày càng chuộng đọc báo mạng, những người làm truyền thanh như tôi phải luôn cập nhật, thay đổi cách chuyển tải tin, bài đến thính giả cũng như cách sử dụng ngôn từ để thu hút thính giả hơn. Tin tức bây giờ không đưa theo khuôn mẫu, không giáo điều, không nên dùng các từ kiểu “hô khẩu hiệu” mà phải nói ngắn gọn, trúng tâm lý người nghe, mang hơi thở của cuộc sống”.
Ông Phạm Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao (VH-TT-TT) huyện Hòa Vang chia sẻ, dù các phương tiện nghe nhìn đang phát triển mạnh mẽ nhưng có lẽ khó thay thế tiếng loa truyền thanh trong một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn nông thôn như Hòa Vang. Ngoài ưu điểm của thể loại báo nói, hệ thống truyền thanh cơ sở của huyện Hòa Vang còn là kênh truyền tải nhiều thông tin, hoạt động liên quan thiết thực đến người dân mang đậm hơi thở cuộc sống của vùng nông thôn.
“Đối với cán bộ phụ trách đài cơ sở, đây là cánh tay nối dài “cánh sóng” truyền thanh của huyện đến với mọi người dân, bởi chương trình thời sự hằng ngày do Trung tâm VH-TT-TT huyện sản xuất dù hay đến đâu nhưng nếu các thiết bị ở cơ sở bị hư hỏng thì cũng không có ai đón nhận được thông tin. Theo đó, hằng năm, Trung tâm VH-TT-TT tham mưu UBND huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng viết tin, bài và sản xuất chương trình phát thanh địa phương; đồng thời hướng dẫn cách khắc phục hư hỏng nhỏ các thiết bị truyền thanh”, ông Hùng nói.
MAI HIỀN