Phụ nữ thôn Đông Sơn gây quỹ giúp người nghèo

.

Thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) là địa bàn miền núi, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với cách làm sáng tạo, thiết thực, Chi hội Phụ nữ thôn đã huy động được sức mạnh tập thể trong cán bộ, hội viên, thực hiện nhiều mô hình giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.

Đông đảo phụ nữ thôn Đông Sơn trồng cây keo lá tràm để gây quỹ giúp đỡ người nghèo. Ảnh: PHƯƠNG TẤN
Đông đảo phụ nữ thôn Đông Sơn trồng cây keo lá tràm để gây quỹ giúp đỡ người nghèo. Ảnh: PHƯƠNG TẤN

Triển khai từ năm 2008 đến nay, mô hình “Ang lúa tình thương” của Chi hội Phụ nữ thôn Đông Sơn được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài xã Hòa Ninh biết đến như một “đặc sản” của chi hội. Mô hình này không những được duy trì ổn định, hiệu quả, đón nhận sự tham gia tích cực của 100% hội viên, mà còn giúp đỡ nhiều trường hợp phụ nữ, học sinh nghèo và là “cứu cánh” cho bất kỳ ai trong thôn gặp khó khăn đột xuất.

Bà Lê Thị Khanh, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Đông Sơn cho hay, toàn thôn có 140 hội viên, phần lớn đều làm nông nghiệp nên kinh tế không dư giả gì. Vì vậy, chi hội chọn mô hình “Ang lúa tình thương” để giúp đỡ người nghèo. Cứ đến mùa gặt, sau khi thu hoạch, mỗi hội viên mang đến hội trường thôn 1 ang lúa (tương đương 6kg). “Từ số lúa do hội viên đóng góp, vào Gia đình Việt Nam 28-6 hằng năm, chúng tôi chọn những trường hợp khó khăn đột xuất ở thôn để hỗ trợ mỗi người từ 10-15 ang lúa. Nếu năm đó không có ai khó khăn cần giúp đỡ, chúng tôi sẽ bán lúa, lấy tiền gây quỹ để bất kỳ ai có nhu cầu thì cho mượn không tính lãi và phải hoàn trả đúng vào ngày 28-6 năm sau để cho những trường hợp khác mượn. Năm 2019, hội viên trong thôn đóng góp 295 ang lúa, chúng tôi đã hỗ trợ 20 hội viên có hoàn cảnh khó khăn đột xuất”, bà Khanh nói.

Bà Ngô Thị Hạnh bộc bạch, tuy hai vợ chồng bà đều khỏe mạnh nhưng chỉ làm vài ba sào ruộng, ai kêu gì làm nấy nên kinh tế không ổn định. 3 đứa con đang tuổi ăn học là nỗi lo của hai vợ chồng vì không biết vay mượn ai để sắm sửa áo quần, sách vở cho con. Biết phụ nữ thôn có nguồn quỹ từ mô hình “Ang lúa tình thương”, bà Hạnh mạnh dạn bày tỏ và được chi hội cho mượn 2 triệu đồng để mua xe đạp cho con đi học, số còn lại mua quần áo, sách vở.

Các mô hình “Ang lúa tình thương”, “Nuôi heo đất” và “Phân loại rác thải tại nguồn” của Chi hội Phụ nữ thôn Đông Sơn đã xây dựng nguồn quỹ ổn định với số tiền hơn 40 triệu đồng. Song, để có điều kiện giúp đỡ thêm nhiều trường hợp khó khăn đột xuất trong thôn thì con số này vẫn ít ỏi. Đầu năm 2019, Chi hội Phụ nữ thôn Đông Sơn đã mạnh dạn bàn bạc, thống nhất mỗi hội viên đóng góp 50.000 đồng và ngày công lao động để mua 3.000 cây keo giống trồng trên diện tích 1ha. Bà Khanh chia sẻ, chị em trong thôn rất hào hứng, nhiều chị còn vận động chồng, con đến phụ giúp vận chuyển cây giống, phát hoang cỏ dại. Cây keo hiện xanh tốt, cao hơn 1,7m và dự kiến 3 năm tới sẽ cho thu hoạch 40-50 triệu đồng/vụ.

Bà Võ Thị Lạc, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Ninh cho biết, ngoài nguồn lực nội tại, năm 2019, Chi hội Phụ nữ thôn Đông Sơn còn vận động các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ 30 triệu đồng giúp một trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo trong thôn; tích cực tham gia nhắn tin để ủng hộ, đồng hành với phụ nữ biên cương; tổ chức thăm, tặng quần áo cũ cho phụ nữ nghèo ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Bên cạnh đó, chi hội thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục -  thể thao vào các dịp Quốc tế phụ nữ 8-3, kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19-5, ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20-10. Ngoài ra, chi hội còn tổ chức tặng quà cho trẻ em nghèo, trao phương tiện sinh kế cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong thôn.

Với những cách làm nói trên, Chi hội Phụ nữ thôn Đông Sơn vinh dự là một trong 10 chi hội trên địa bàn Đà Nẵng vừa được trao tặng giải thưởng “Chi hội phụ nữ tiêu biểu” cấp thành phố.

PHƯƠNG TẤN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích