Tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

.

Sáng 12-6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Quyết liệt xử lý vi phạm

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, trong thời gian vừa qua công tác an toàn thực phẩm tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã có những chuyển biến căn bản, ý thức chấp hành pháp luật của cả người sản xuất, người kinh doanh, cán bộ quản lý, người tiêu dùng được nâng cao, hình thành nếp sống văn hóa trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Trong 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng dịch Covid-19, cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, công tác triển khai các hoạt động về thông tin, giáo dục truyền thông và thanh tra, kiểm tra bị giảm thiểu.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm việc xử lý vi phạm đã quyết liệt hơn so với năm 2019; các cơ quan chức năng kiểm tra gần 282.000 cơ sở, phát hiện hơn 38.100 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; đã xử lý gần 6.800 cơ sở với số tiền phạt gần 15,8 tỷ đồng. Ngoài các hình thức xử phạt chính, các địa phương còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như đình chỉ hoạt động; đình chỉ lưu hành; tiêu hủy sản phẩm…

Các lực lượng chức năng đã kiểm nghiệm 91.533 mẫu thực phẩm, trong đó 6.422 mẫu không đạt chuẩn, chiếm 7%. Các chỉ tiêu hóa lý của những mẫu thực phẩm không đạt chủ yếu là do chứa hàn the, formaldehyt, Rhodamine B; rượu có hàm lượng Methanol, Aldehyt vượt quá quy định...

Việc kiểm nghiệm mẫu trong quá trình thanh tra, kiểm tra thời gian qua đã góp phần ngăn chặn thực phẩm không an toàn lưu hành trên thị trường, đánh giá chish xác hơn nguy cơ mất an toàn, triển khai thanh tra đạt hiệu quả và có tác dụng cảnh báo sớm đến đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng.

Ngoài công tác thanh, kiểm tra theo kế hoạch, các bộ, ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành; phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Điển hình, Bộ Y tế đã xử phạt 21 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 1,5 tỷ đồng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra gần 6.500 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 574 cơ sở với tổng số tiền phạt  là 5,26 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 5.670 vụ, xử lý gần 3.600 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 9,3 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ là hơn 19 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát Môi trường phát hiện 2.305 vụ vi phạm pháp luật, tổng số tiền phạt gần 14,4 tỷ đồng…

Công tác thanh tra, kiểm tra trong 6 tháng đầu năm 2020 được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng. Hầu hết các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.

Toàn quốc ghi nhận 47 vụ ngộ độc thực phẩm làm 849 người mắc, 801 người nhập viện, 22 trường hợp tử vong. Nguyên nhân do vi sinh vật  là 7 vụ, do độc tố tự nhiên là 27 vụ và 13 vụ chưa xác định được nguyên nhân.

Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan thực hiện việc rà soát, lập danh mục các quảng cáo sai sự thật, phản cảm trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng; quảng cáo và bán hàng đa cấp các loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc và có nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin về người bán, gian hàng có bán sản phẩm “viên uống, thuốc tăng cân GSTAR” để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Qua rà soát các sàn thương mại điện tử shopee.com; chotot.vn; enbac.vn; sendo.vn; Ladaza.vn; Tiki.vn, lực lượng chứ năng phát hiện 16 gian hàng bán sản phẩm “viên uống, thuốc tăng cân GSTAR” và 9 sản phẩm đã được bán thông qua các sàn nêu trên.

Tăng cường kiểm tra các thực phẩm đóng gói

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, các cơ quan chuyên môn cần cập nhật thường xuyên danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm; sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. “Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã xử lý gần 3.000 vụ việc về vệ sinh - an toàn thực phẩm nhưng chỉ khởi tố được 3 vụ vì hiện nay còn rất vướng các quy định”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu thực tế.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho rằng quản lý an toàn thực phẩm phải “vừa xây, vừa chống”. “Trong điều kiện hiện nay Việt Nam cần tăng cường chống để đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng cần chú trọng xây để đảm bảo các giải pháp phát huy hiệu quả lâu dài”, bà Phạm Khánh Phong Lan giải thích. Bà đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng cần thực hiện quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt.

Biểu dương những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020, các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa bị dập tắt mà công tác quản lý an toàn - vệ sinh thực phẩm vẫn được triển khai tích cực; công tác thanh, kiểm tra, xử lý thực hiện quyết liệt.

Đánh giá sơ bộ hiệu quả hoạt động cấp phường, xã sau một năm tiếp tục thực hiện thí điểm theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo nhất trí cho rằng hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm là cần thiết đối với công tác bảo đảm vệ sinh - an toàn thực phẩm; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến, xem xét tiếp tục triển khai nhiệm vụ.

Ban Chỉ đạo yêu cầu cần tăng cường các giải pháp quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có tính răn đe, quyết liệt hơn nữa.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo nêu rõ, công tác thanh tra theo kế hoạch 1 lần/năm chưa phù hợp với thực tế của lĩnh vực quản lý an toàn - vệ sinh thực phẩm, cần chú trọng công tác thanh tra đột xuất theo báo cáo, thông tin từ người tiêu dùng và các nguồn tin khác. Bên cạnh việc thanh tra, xử lý các cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức… vi phạm, Ban Chỉ đạo đề nghị cần có chế tài mạnh hơn, đặc biệt là trong việc thực hiện các biện pháp bổ sung như quyết định ngừng sản xuất, ngừng kinh doanh… đối với các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Liên quan đến ý kiến của các chuyên gia về việc nhiều loại sản phẩm thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn có chứa các hoá chất bảo quản hoặc quy trình sản xuất, chế biến không đảm bảo vệ sinh - an toàn thực phẩm, các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu, trong thời gian tới các lực lượng chức năng cần tập trung thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm đóng gói ở trong nước và nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin, báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm; từng bước hoàn thiện quy trình quản lý vệ sinh - an toàn thực phẩm theo mức độ rủi ro như các mô hình tiên tiến trên thế giới và quy định của Luật An toàn thực phẩm.

Bên cạnh việc phát huy vai trò của các cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo đề nghị tăng cường vận động, tuyên truyền người dân tự giác trong sản xuất thực phẩm, khuyến khích người dân tiêu dùng các sản phẩm bảo đảm sức khoẻ; đấu tranh với những hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích