Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên phải bứt phá trong 6 tháng cuối năm

.

ĐNO - Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên sáng 18-7, tại Đà Nẵng. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đồng chủ trì buổi làm việc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đồng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đồng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây nguyên. Phía Đà Nẵng có Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Hồ Kỳ Minh, Lê Trung Chinh, Trần Văn Miên.

“Ý chí miền Trung, quyết tâm miền Trung”

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nước ta đã kiểm soát được Covid-19 với hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên như: Đà Nẵng, Khánh Hòa... gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng đã thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19, nhất là chủ trương giãn cách xã hội, góp phần vào kết quả không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Cả nước đã cùng thực hiện mục tiêu “kép” là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ phấn đấu kiên trì, liên tục nên đạt được mức tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm là 1,81%, đây là con số thấp nhất của nước ta trong 10 năm qua, nhưng là cao nhất trong khu vực và trên thế giới do tác động của Covid-19.

Trong thiệt hại chung của cả nước do Covid-19, thiệt hại ở các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên rất lớn; đặc biệt, 3 địa phương có tăng trưởng âm là Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, tiềm năng phát triển của 14 tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên rất lớn với 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp có hạ tầng tốt, nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh, có bờ biển là sản phẩm du lịch đặc sắc… Con người miền Trung cần cù, chịu thương, chịu khó, mạnh mẽ trong hành động.

“Một mảnh đất mà số lượng anh hùng liệt sĩ hy sinh lớn nhất nước trong kháng chiến, nay phải nhanh chân hơn, tiến bước hợp tác cùng nhau phát triển, đặc biệt vực dậy các loại hình kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Chính quyền cùng hòa chung hơi thở, nhịp đập, cùng một tiếng nói để giải quyết tốt việc làm, tạo sinh kế mới, sinh khí mới, niềm tin cùng phát triển trong lúc thế giới và đất nước đang gặp khó khăn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự buổi làm việc.Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Thủ tướng nhấn mạnh, cỗ máy kinh tế như cỗ xe tam mã với 3 con ngựa kéo gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Do đó, phải suy nghĩ xử lý các thành tố này để có sự tăng trưởng cần thiết ở địa phương. Trước hết, phải có môi trường đầu tư tốt và cách xúc tiến thu hút đầu tư mạnh mẽ, có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các dự án và doanh nghiệp để hoạt động.

Thủ tướng cũng chỉ ra việc giải ngân vốn đầu tư công của các tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên rất thấp. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên phải tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư ở địa phương để tăng giải ngân vốn đầu tư công.

“Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên phải làm sao để bứt phá trong 6 tháng cuối năm. Đề ra phương pháp chỉ đạo nào, tổ chức thực hiện ra sao để cuối năm nỗ lực đạt cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho từng địa phương. Các địa phương phải đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phát triển, nhất là các kết cấu hạ tầng quan trọng và những giải pháp đột phá kết nối các tỉnh, thành phố, vùng, liên vùng, khu công nghiệp, khu chế xuất, dịch vụ logistics…, đặc biệt là kết nối Tây Nguyên với miền Trung; cần quan tâm hỗ trợ đối tượng lao động gặp khó khăn do Covid-19 nhưng không thuộc đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Các bộ, ngành, địa phương không để tình trạng trì trệ; thực thi ngay các chính sách đột phá, táo bạo. Các địa phương cần đưa ra cam kết khắc phục tồn tại, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành để phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp, thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của địa phương cũng như cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng việc điều chuyển vốn từ những địa phương không giải ngân được sang những nơi đang cần tiền để xử lý những công trình, dự án. Ý chí miền Trung, quyết tâm miền Trung phải khắc phục khó khăn của đại dịch Covid-19”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Chính phủ cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Chính phủ cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đà Nẵng đề nghị triển khai các dự án đầu tư quan trọng

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định, thời gian qua, Đà Nẵng đã quyết liệt thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng, chống Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển nền kinh tế. Thành phố tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, thành phố đã thu hút được hơn 13.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 135 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng tập trung triển khai nhiều công trình trọng điểm, có ý nghĩa thiết thực về kinh tế - xã hội để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đặc biệt là chuẩn bị triển khai vùng kinh tế đêm để kích cầu, khôi phục du lịch nội địa.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, từ đầu tháng 6 đến nay, các chỉ số của thành phố như bán lẻ hàng hóa tiêu dùng, doanh thu dịch vụ vận tải, sản xuất doanh nghiệp… đã phục hồi và tăng trưởng tốt. Đặc biệt, trong tháng 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trước đó, trong tháng 5, thành phố cũng đã phối hợp các đơn vị tư vấn nước ngoài hoàn chỉnh đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ban hành các cơ chế, chính sách, hỗ trợ thành phố tích cực triển khai một số công trình trọng điểm và động lực như: dự án cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt... và phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối quốc lộ 14B, 14G và 14D để tạo sự lan tỏa vùng. Đây là những dự án có tác động lan tỏa vùng, đặc biệt là khu vực Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng các cơ chế giúp Đà Nẵng triển khai Nghị quyết 119/2020/QH14, đồng thời có các sửa đổi Nghị định 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ bày tỏ mong muốn Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị về việc xây dựng trung tâm tài chính; xây dựng các cơ chế đặc thù, chuẩn bị quy hoạch để hình thành trung tâm tài chính tại Đà Nẵng.

HOÀNG HIỆP – KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.