Đề xuất 3 kịch bản nhằm hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế

.

ĐNO - Tại kỳ họp lần thứ 15, HĐND thành phố khóa IX diễn ra sáng 6-7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, UBND thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực để hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế. Theo đó, UBND thành phố đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng GRDP, trong đó 1 kịch bản tăng trưởng dương (1,3%) và 2 kịch bản tăng trưởng âm (0,88% và 2,83%).

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh trình bày 3 kịch bản
Tại kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố khóa IX, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh trình bày 3 kịch bản nhằm hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Đ.N

Trình bày báo cáo kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tình hình KT-XH thành phố từng bước ổn định; thu hút đầu tư trong và ngoài nước có nhiều khởi sắc với trên 13.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 135,07 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, thành phố đã cấp mới 55 dự án FDI với tổng vốn 118,5 triệu USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn bị thiệt hại lớn do ảnh hưởng của Covid-19. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều suy giảm và đạt thấp so với kế hoạch như: Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) giảm 3,61%; tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ giảm 49,1%; tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 26,2%; tổng mức bán lẻ giảm 2,8%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 10,9%; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 giảm 7,3%...; số lượng lao động mất việc làm tăng (tỷ lệ thất nghiệp 7,24%, 179.000 lao động bị ảnh hưởng do Covid-19); thu ngân sách đạt thấp, chỉ bằng 36,4% dự toán...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho rằng, trên cơ sở dự báo tình hình KT-XH của cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, kết hợp sự rà soát, tính toán theo các chỉ tiêu cân đối lớn của Chính phủ về tăng trưởng của Việt Nam năm 2020, thành phố đề xuất xây dựng 3 kịch bản KT-XH.

Theo đó, kịch bản 1: Tình huống Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát Covid-19 từ nửa cuối tháng 4-2020. Hầu hết các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng khống chế được dịch trong quý 3-2020. Kết quả trong quý 3-2020, kinh tế thành phố Đà Nẵng trên đà phục hồi.

Tuy nhiên, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch nhưng tác động ở mức khoảng 50% đến 60% so với tác động bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Bước sang quý 4, giá trị tăng thêm của tất cả các ngành cơ bản sẽ trở lại như dự kiến ban đầu. Vì vậy, theo kịch bản này, dự kiến GRDP tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.

Đối với kịch bản 2, tình huống Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát Covid-19 từ nửa cuối tháng 4-2020. Một vài các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng khống chế được Covid-19 trong quý 3-2020, một số nước chỉ khống chế được Covid-19 trong quý 4-2020. Kết quả của kịch bản này là trong quý 3, kinh tế thành phố Đà Nẵng chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020.

Nhưng bước sang quý 4, kinh tế trên đà phục hồi, tuy nhiên giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch, tác động ở mức khoảng 50% đến 60% so với tác động bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Theo kịch bản này, dự kiến GRDP giảm khoảng 0,88% so với năm 2019.  

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh trình bày 3 kịch bản
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho rằng, trong 3 kịch bản nhằm hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế thì kịch bản 1 là lý tưởng nhất khi dự kiến GRDP của thành phố tăng khoảng 1,3% so với năm 2019. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Về kịch bản 3 với tình huống Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 từ nửa cuối tháng 4-2020, hầu hết các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng chưa thể khống chế được dịch trong quý 3-2020 và kéo dài sang quý 4-2020.

Theo đó, kết quả của 6 tháng cuối năm 2020, kinh tế thành phố vẫn chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020; thậm chí ảnh hưởng mạnh hơn do hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ kéo dài. Theo kịch bản này, dự kiến GRDP giảm khoảng 2,83% so với năm 2019.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, 3 kịch bản trên chủ yếu phụ thuộc vào bối cảnh chính là thời điểm các quốc gia đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Tuy nhiên, xu hướng chung là các quốc gia đều mong muốn có thể sớm gỡ bỏ lệnh cách ly, phong tỏa để cuộc sống và việc làm của người dân quay trở lại bình thường.

Do vậy, khả năng kịch bản 1 là lý tưởng, trong khi kịch bản 3 hoàn toàn có thể xảy ra khi hằng ngày vẫn có trên 100.000 người mắc bệnh và trên 5.000 người tử vong (thời điểm đầu tháng 6-2020). Vì thế, kịch bản 2 có thể là một lựa chọn phù hợp để làm định hướng phấn đấu trong xây dựng phát triển KT-XH thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng cuối năm 2020.

Về nhiệm vụ trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị các ngành, các cấp, các địa phương cần chủ động giám sát việc thực hiện có hiệu quả chủ đề “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” gắn với giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư các dự án đã cam kết, việc xúc tiến đầu tư các dự án trọng điểm tại diễn đàn xúc tiến đầu tư; tiếp tục triển khai các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng Covid-19; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án và thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020.

Đối với Hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị các cấp, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, đơn vị quản lý để có kế hoạch đền bù giải tỏa bàn giao mặt bằng phù hợp với tiến độ thi công của nhà thầu. UBND các quận, huyện ưu tiên tập trung rà soát xử lý các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình trọng điểm, động lực; các dự án đã lựa chọn nhà thầu nhưng chưa thi công được do chưa có mặt bằng.

Các sở, ban ngành, địa phương cần tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế; đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu Chính phủ có hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1-11-2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

"Trên cơ sở này, UBND thành phố sẽ ban hành kế hoạch thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.