Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Sớm tháo gỡ vướng mắc phát sinh

.

Ngày 24-4, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, dự kiến hỗ trợ cho hơn 20 triệu người. Đến đầu tháng 5-2020, Đà Nẵng cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhóm người có công với cách mạng, nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, nhóm hộ nghèo và cận nghèo với mức kinh phí 103 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với  nhóm đối tượng còn lại là doanh nghiệp, người lao động mất việc, tạm dừng việc..., tiến độ hỗ trợ vẫn chậm bởi vướng nhiều quy định, thủ tục cần có thời gian tháo gỡ.

Đà Nẵng đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc để chi trả kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.  Trong ảnh: Người dân nhận hỗ trợ tại quận Hải Châu. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Đà Nẵng đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc để chi trả kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Trong ảnh: Người dân nhận hỗ trợ tại quận Hải Châu. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Chi trả xong cho nhóm đối tượng chính sách

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tính đến ngày 7-7 thành phố đã hoàn thành việc trao tiền hỗ trợ cho 96.893 người gặp khó khăn do Covid-19, đạt tỷ lệ 99,1%, với tổng số tiền trên 103 tỷ đồng. Trong đó, người được hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, bao gồm người có công cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội 95.442 người, đạt 99,4%. Ngoài ra, đã có 1.471 người thuộc đối tượng đặc thù (do thành phố bổ sung thêm) nhận hỗ trợ, đạt tỷ lệ 83,8% và 11.071 người thuộc diện lao động, hộ kinh doanh cá thể đã nhận tiền hỗ trợ.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Thái Đình Hoàng, kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền từ thành phố đến cán bộ tổ dân phố. Chỉ trong thời gian khá ngắn đã hoàn thành được việc khảo sát, thống kê và thẩm định từng trường hợp để bảo đảm tiền hỗ trợ của Chính phủ đến với những người gặp khăn do Covid-19 sớm nhất có thể.

Theo kế hoạch, từ giữa tháng 5-2020, thành phố triển khai tiếp việc chi trả tiền hỗ trợ đối với người lao động, hộ kinh doanh, DN gặp khó khăn do Covid-19. Tuy nhiên, quá trình này lại chưa thể thực hiện ngay do các quyết định, văn bản hướng dẫn mới chỉ dừng lại ở các đối tượng chung chung, chưa có định lượng cụ thể để áp dụng vào thực tế, hoặc cần thời gian thẩm định.

Quá nhiều khó khăn khách quan mà địa phương không thể tự giải quyết là tâm trạng chung mà đại diện các đơn vị chức năng, chính quyền phường, quận trên địa bàn thành phố gặp phải khi triển khai hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ cho nhóm đối tượng là DN, người lao động mất việc, tạm dừng việc do ảnh hưởng Covid-19.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Thị Thúy Linh cho biết: “Theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, DN phải không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương. Theo đó, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các cơ quan thẩm định là doanh thu của DN phải bằng 0 hay các khoản tiền trong tài khoản của DN phải bằng 0. Do vậy, hầu hết các DN không bảo đảm điều kiện này. Và khi DN không bảo đảm điều kiện thì người lao động trong DN không được nhận hỗ trợ cho dù họ bị mất việc và giảm thu nhập do Covid-19”.

Một lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH quận Liên Chiểu cho biết, trong số 13.000 hồ sơ của DN bị ảnh hưởng Covid-19 trên địa bàn quận, đến nay chỉ có một DN bảo đảm các tiêu chí. Còn lại hầu hết DN đều không đáp ứng các quy định theo Quyết định số 152020/QĐ-TTg về nội dung báo cáo tài chính.

Ở góc độ DN, ông Phùng Văn Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo Nguyên Food and Even cho biết, đơn vị đã có làm đơn xin được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, nhưng cuối cùng hồ sơ bị trả lại vì có nhiều quy định về tài chính công ty không thể thực hiện được. Trong tình thế khó khăn, công ty buộc phải quay sang gõ cửa ngân hàng với mong muốn vay tiền với lãi suất ưu đãi, nhưng đại diện ngân hàng lại cho rằng lĩnh vực đơn vị hoạt động không biết xếp vào loại hình nào nên cũng không thể cho vay ưu đãi được.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc

Lý giải về việc hộ kinh doanh cá thể và người lao động tự do chậm được hỗ trợ do Covid-19, bà Phan Thị Thúy Linh thông tin, theo quy định để được hỗ trợ người lao động phải nghỉ việc không lương tính từ 1-4-2020 đến hết ngày 15-6 hoặc 30-6-2020. Tuy nhiên, trên thực tế người lao động ở hầu hết DN, nhất là các DN du lịch, dịch vụ đã nghỉ việc từ tháng 2-2020 đến trước ngày 1-4 nên không bảo đảm điều kiện theo yêu cầu.

Người có công cách mạng ở quận Sơn Trà nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng.  Ảnh: PHƯƠN G MINH
Người có công cách mạng ở quận Sơn Trà nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Bên cạnh đó, Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định rõ ngành nghề hỗ trợ chỉ giới hạn trong 6 nhóm đối tượng, người dân cùng lúc phải xác nhận nhiều loại giấy tờ mới được hỗ trợ. Đặc biệt, các hộ kinh doanh cá thể phải có xác nhận của UBND cấp xã về việc tạm dừng kinh doanh, xác nhận báo cáo thuế năm 2019, báo cáo thuế quý 1-2020... Cho nên nhiều người lao động tự do và hộ kinh doanh bỏ cuộc, không tiếp tục hoàn thành các thủ tục để nhận được gói hỗ trợ này.

Bà Phan Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cho biết, thời gian qua, phường đã tiếp nhận gần 5.000  hồ sơ của người lao động mất việc, tạm dừng việc, nhưng qua rà soát, thẩm định bước đầu đã có 1.500 hồ sơ không nằm trong diện hỗ trợ nên phải trả lại cho người dân. Trong 3.500 hồ sơ còn lại phường Nại Hiên Đông vẫn đang trong quá trình thẩm định, so sánh kỹ với Quyết định 15/2020/QĐ-TTg sau đó mới thông qua danh sách trình UBND quận.

“Chúng tôi gặp khó khăn và mất nhiều thời gian để xác minh cụ thể một trường hợp. Chẳng hạn, nhiều người lao động khai báo không hợp tác, đăng ký nhận tiền hỗ trợ cả ở nơi tạm trú (là Đà Nẵng) và nơi thường trú (người lao động ở các tỉnh, thành khác). Theo quy định của Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, với trường hợp này, người lao động phải trở về địa phương lấy giấy xác nhận là chưa nhận hỗ trợ để về Đà Nẵng nhận. Tuy nhiên, hầu hết người lao động quyết định bỏ cuộc bởi theo họ, chỉ hỗ trợ 1 triệu đồng/trường hợp mà phải quay về địa phương thì số tiền đi đường đôi khi còn nhiều hơn số tiền được hỗ trợ”, bà Thùy Dung nói.

Chia sẻ với những khó khăn này, một lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH quận Liên Chiểu cho biết, rất khó xác định chính xác đối tượng lao động phổ thông, chân tay không có việc làm trong thời gian diễn ra Covid-19 bởi lao động phổ thông đa số không có hợp đồng, không có căn cứ để xét hỗ trợ. Trong vai trò giúp việc cho UBND phường thực hiện việc lên danh sách, tham gia thẩm định từng trường hợp, các tổ dân phố cũng gặp không ít khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Nga, Tổ trưởng tổ dân phố số 2 phường Nam Dương (quận Hải Châu) cho rằng, các quy định, văn bản hướng dẫn quá rối rắm, chung chung nên dù cố gắng cũng không thể làm nhanh được. Ngay khi Chính phủ có quyết định về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, UBND phường đã chỉ đạo các tổ trưởng lấy danh sách người lao động trong tổ gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19. Tổ dân phố số 2 phường Nam Dương lập danh sách gồm 42 người trình lên UBND phường, phường xét duyệt tổ chỉ còn 12 trường hợp đủ tiêu chuẩn theo quy định. 12 trường hợp này UBND phường tiếp tục mời đại diện tổ dân phố và các ban, ngành của phường để đưa từng trường hợp ra thẩm định, sau đó mới báo cáo danh sách về UBND quận phê duyệt.

Về những khó khăn này, ông Thái Đình Hoàng cho biết, trong thời gian qua, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH và UBND thành phố, Sở đã thành lập Tổ công tác lưu động đến từng địa phương để nắm tình hình và phối hợp tháo gỡ khó khăn. Đối với trường hợp hộ kinh doanh cá thể, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm... Sở đã tham mưu UBND thành phố hỗ trợ cho 205 hộ kinh doanh cá thể và trên 10.000 lao động, với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Song song đó, Sở cũng đã có kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm đề xuất Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc từ Quyết định 15/2020/QĐ-TTg. Hy vọng đến lúc đó những vướng mắt trong việc hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng cho DN và người lao động sẽ được giải quyết nhanh chóng để mọi người sớm phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.

"Tính đến ngày 7-7, thành phố đã hoàn thành việc trao tiền hỗ trợ cho 96.893 người gặp khó khăn do Covid-19, đạt tỷ lệ 99,1%, với tổng số tiền trên 103 tỷ đồng."

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích