Mô hình tiêu biểu cảm hóa thanh, thiếu niên chậm tiến

.

CLB Bình Minh ở phường An Khê (quận Thanh Khê) thành lập năm 2016, có nhiều thành tích về giáo dục, cảm hóa thanh, thiếu niên chậm tiến, được công nhận là mô hình tiêu biểu về chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bình Minh, thăm hỏi, động viên thanh niên N.V.T. Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bình Minh, thăm hỏi, động viên thanh niên N.V.T. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Từ khi thành lập đến nay, CLB Bình Minh đã giáo dục, cảm hóa thành công 23 thanh, thiếu niên chậm tiến và hiện đang quản lý, giáo dục 6 đối tượng sau cai. Mỗi đối tượng có một sổ theo dõi mức độ chuyển biến và được cập nhật thông tin hằng tuần, do Ban Chủ nhiệm CLB quản lý, ghi chép. Đồng thời, đối tượng ở khu dân cư nào thì khu dân cư đó thành lập 1 tổ quản lý. Tổ quản lý ở khu dân cư có 5 thành viên, do chi hội trưởng hội Cựu chiến binh (CCB) làm tổ trưởng. Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội CCB phường An Khê, kiêm Chủ nhiệm CLB Bình Minh cho biết: “Tổ quản lý sinh hoạt định kỳ hằng tháng, mỗi lần sinh hoạt đều rà soát, xem xét mức độ tiến bộ của đối tượng và thống nhất nội dung các biện pháp trong tháng tới”.

Cứ sau một năm giáo dục, cảm hóa, nếu các đối tượng không tái phạm, không có biểu hiện xấu và thử test cho kết quả âm tính, thì được công nhận tiến bộ và được các cấp Hội hỗ trợ về phương tiện sinh kế theo nguyện vọng. Đơn cử như N.V.T có một thời gian quậy phá, sau khi tiến bộ, được Hội CCB phường An Khê hỗ trợ chi phí học nghề và đã xin được việc làm tại một xưởng cơ khí gần tuyến đường Điện Biên Phủ. Bây giờ, N.V.T đã có cuộc sống ổn định và coi các thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Bình Minh như ân nhân của mình. Hay như thanh niên D.T.L. sau khi hoàn thành cai nghiện tập trung tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, trở về địa phương, chăm chỉ làm ăn, được Hội CCB thành phố hỗ trợ 10 triệu đồng, đã mở quầy tạp hóa tại nhà, quyết tâm làm lại cuộc đời…

Ngoài Hội CCB, trong Ban Chủ nhiệm CLB Bình Minh còn có các thành viên đại diện Đoàn thanh niên, trạm Y tế và công an phường, qua đó, tạo ra sự phối hợp đồng bộ về giáo dục, cảm hóa và theo dõi sức khỏe các đối tượng. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, giáo dục, cảm hóa các đối tượng trước hết phải từ tấm lòng nhân hậu, bao dung, coi các cháu như con em của mình; nhiều trường hợp, lúc đầu mình đến nhà, các cháu trốn tránh, không chịu tiếp xúc, còn gia đình các cháu ban đầu cũng không mặn mà gì với mình;

Ban Chủ nhiệm CLB phải kiên trì thuyết phục và tạo sự hợp tác của gia đình, sau đó mới từng bước tiếp cận các cháu. “Quan trọng nhất là phải xua tan sự mặc cảm của các cháu, làm cho các cháu thích gần gũi và bộc bạch tâm sự với mình, qua đó, mình khéo léo khuyên bảo thì mới có thể đạt kết quả”, ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Với các đối tượng đã được công nhận tiến bộ, Ban Chủ nhiệm CLB Bình Minh vẫn tiếp tục gần gũi, giáo dục và chú tâm phòng ngừa tái phạm. Qua thực tế hoạt động của CLB Bình Minh cho thấy, việc giáo dục, cảm hóa thanh, thiếu niên chậm tiến phải xuất phát từ lòng thương yêu và phải có kỹ năng tuyên truyền vận động thì mới đem lại hiệu quả. Nói về CLB này, Chủ tịch Hội CCB thành phố Huỳnh Minh Chức khẳng định: “Đây là một mô hình sát hợp thực tế, có ích cho cộng đồng, đã được Hội CCB thành phố công nhận là CLB tiêu biểu về chất lượng và hiệu quả hoạt động”.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.