Nhân rộng phân loại rác tại nguồn

.

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (phân loại rác) tại nguồn đã được các quận, huyện triển khai thí điểm tại một số địa phương, đơn vị trong năm 2019. Từ tháng 5-2020, khi đã kiểm soát được Covid-19, các quận, huyện triển khai nhân rộng việc phân loại rác tại nguồn đến nhiều khu vực dân cư. 

 Sở Tài nguyên và Môi trường hợp tác với các tổ chức triển khai các hoạt động thúc đẩy phân loại rác tại nguồn. Trong ảnh: Chuyên gia, nhà quản lý của thành phố Yokohama (Nhật Bản) hướng dẫn phân loại, thu gom rác tài nguyên tại quận Hải Châu. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Sở Tài nguyên và Môi trường hợp tác với các tổ chức triển khai các hoạt động thúc đẩy phân loại rác tại nguồn. Trong ảnh: Chuyên gia, nhà quản lý của thành phố Yokohama (Nhật Bản) hướng dẫn phân loại, thu gom rác tài nguyên tại quận Hải Châu. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), trong năm 2019, xã đã triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn ở một số thôn. Cùng với đó, xã đã phát động thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Nhơn đã triển khai mô hình trồng chuối lấy lá để phục vụ việc gói, bọc thực phẩm tại các chợ, siêu thị nhằm thay túi nilon khó phân hủy. Tối 1-7, xã Hòa Nhơn tổ chức triển khai phân loại rác tại nguồn ở thôn Trước Đông, nâng số lượng thôn đã, đang triển khai phân loại rác tại nguồn lên 8 thôn.

Từ nay đến cuối năm 2020, xã Hòa Nhơn nhân rộng phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 6 thôn còn lại của xã. Trong khi đó, tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), từ đầu tháng 6-2020 đến nay, xã triển khai thí điểm tuyên truyền, vận động nhân dân ở 2 tổ dân cư thuộc thôn Quan Nam 2 phân loại rác tại nguồn. Hiện xã Hòa Liên đã có kế hoạch nhân rộng việc phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn thôn Quan Nam 2, triển khai mô hình này ở một thôn khác trong khoảng thời gian còn lại của năm 2020 và tiếp tục nhân rộng ra các thôn khác.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành, trong năm 2019, huyện đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông về phân loại rác tại nguồn và đã đạt được những kết quả tích cực. Huyện cũng thử nghiệm các chương trình, mô hình mới trong phân loại rác tại nguồn như: trồng chuối lấy lá để gói thực phẩm thay túi nilon khó phân hủy; thu gom pin, chất thải nguy hại; thu gom chai, gói đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng... Giữa tháng 6-2020, UBND huyện đã tổ chức nhân rộng việc phân loại rác tại nguồn theo hướng chỉ đạo UBND 11 xã triển khai tại từng thôn hoặc đồng loạt trên địa bàn xã, bảo đảm mục tiêu 50% số hộ gia đình thực hiện thường xuyên phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, hoạt động này cũng gặp một số khó khăn như: thiếu thiết bị phân loại rác tài nguyên; chưa có mẫu quy định về điểm tập kết rác tài nguyên; thiếu quy hoạch, địa điểm tập kết rác tài nguyên và cơ sở mua bán, sơ chế, tái chế phế liệu... 

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải Châu Hà Ngọc Đức cho hay, trong năm 2019, UBND quận đã chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn ở 13 phường trên địa bàn với trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện mô hình thu gom rác tài nguyên do các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện tại địa bàn phường Thuận Phước, Thạch Thang và mô hình thu gom rác tài nguyên do Xí nghiệp Môi trường Hải Châu thực hiện tại phường Hải Châu 1 và Hòa Cường Nam. Riêng trong năm 2019, các phường đã thu gom hơn 300 tấn rác tài nguyên, thu về hơn 1 tỷ đồng từ việc bán rác tài nguyên, phục vụ mục đích an sinh xã hội và sự nghiệp môi trường.

Vừa qua, quận đã chỉ đạo các phường tiếp tục triển khai nhân rộng thực hiện phân loại rác tại nguồn. Cùng với đó, đã tiến hành bàn giao 185 thùng rác 3 ngăn, 39 thùng đựng rác nguy hại, 1.049 sổ ghi chép, 1.359 sổ tay hướng dẫn phân loại rác, 8.000 tờ rơi và tờ hướng dẫn, 44.100 túi đựng rác tài nguyên cho 13 phường; bàn giao 5 thùng rác phân loại và 4 xe thu gom rác tài nguyên do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ cho một số phường... để phục vụ việc nhân rộng phân loại rác. Cùng với huyện Hòa Vang và quận Hải Châu, trong năm 2019, quận Thanh Khê cũng triển khai mô hình thu gom rác tài nguyên tại 6 phường; UBND quận Cẩm Lệ triển khai mô hình thu gom rác tài nguyên tại một số khu dân cư, chung cư...

Bà Trần Thị Kim Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho hay, sau một thời gian ảnh hưởng và tập trung cho công tác phòng, chống Covid-19, các quận, huyện đã triển khai nhân rộng phân loại rác tại nguồn. Theo mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 2415/KH-UBND ngày 13-4-2020 của UBND thành phố Đà Nẵng về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố, tập trung triển khai đồng bộ về phân loại rác tại nguồn; 100% hộ gia đình, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn; bảo đảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất là 12%. Việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do thiếu kết nối với doanh nghiệp thu gom rác tài nguyên, rác tái chế nên chưa làm tốt việc thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng rác thải hiệu quả và cũng chưa thu hút, tạo được mạng lưới cơ sở tái chế chất thải.

Để khắc phục các khó khăn và thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, bên cạnh việc hỗ trợ các quận, huyện triển khai nhân rộng phân loại rác tại nguồn, Sở TN-MT, Chi cục Bảo vệ Môi trường hợp tác với các đối tác của JICA, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) về quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy việc tái chế rác; thu gom hộp sữa tại các trường học... Cạnh đó, hợp tác với Tổ chức bảo tồn thiên nhiên (WWF) xây dựng kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa trên địa bàn thành phố... Ngoài ra, Sở TN-MT đôn đốc nhà thầu triển khai sản xuất đại trà, mua sắm, bàn giao trang thiết bị, dụng cụ tuyên truyền thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành phố; phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cải tạo điểm tập kết, phục vụ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn tại các quận: Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.