Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn hoạt động như thế nào?

.

Sau hơn 73 giờ khẩn trương thi công, Tập đoàn Sun Group đã bàn giao Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn cho UBND thành phố Đà Nẵng để đưa vào vận hành, tiếp nhận bệnh nhân.

Bệnh viện dã chiến lắp 284 giường bệnh tại sàn thi đấu tầng 1.  Ảnh: TRỌNG HUY
Bệnh viện dã chiến lắp 284 giường bệnh tại sàn thi đấu tầng 1. Ảnh: TRỌNG HUY

Sở Y tế thành phố cho biết, Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn được lắp đặt 284 giường bệnh tại sàn thi đấu tầng 1; tầng 2 sẽ bố trí khoảng 220 giường, tầng 3 khoảng 200 giường; còn khu vực tầng 4 sẽ trở thành chỗ làm việc, nghỉ ngơi cho y, bác sĩ điều trị. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh, các không gian khác sẽ được tận dụng để lắp đặt thêm buồng, giường bệnh, với quy mô tối đa có thể đáp ứng 700 đến 1.000 giường bệnh.

Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, sau khi tiếp nhận Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn, sở tiến hành chuẩn bị mọi điều kiện về trang thiết bị, vật tư, nhân lực; đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết hoạt động để trình UBND thành phố phê duyệt. Khi có ý kiến chỉ đạo của thành phố, Bệnh viện sẽ tiến hành tiếp nhận bệnh nhân để điều trị theo quy định. “Hiện tại, sở đang tiến hành ra soát nguồn nhân lực phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trong đó lực lượng chủ yếu thuộc ngành y tế thành phố. Ngoài ra, sẽ có sự hỗ trợ nguồn nhân lực từ Bộ Y tế cũng như các địa phương”, bác sĩ Trần Thanh Thủy thông tin.

Về việc bệnh nhân nào sẽ được điều trị tại Bệnh viện dã chiến, bác sĩ Trần Thanh Thủy cho biết, Sở Y tế thành phố đang trình kế hoạch để UBND thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, dự kiến điều trị tại Bệnh viện dã chiến là những bệnh nhân Covid-19 nhẹ. Bệnh nhân nặng sẽ chuyển về cho các bệnh viện đang điều trị Covid-19.

Trong quá trình xây dựng Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn, Bộ Y tế đã cử người của bộ đến giám sát cũng như hỗ trợ Ban quản lý trong việc xây dựng bệnh viện đúng quy trình về mặt y tế. Ngoài ra, để bảo đảm nhân lực cho bệnh viện này, bộ đã điều động 1 bác sĩ, 1 chuyên gia phụ trách chuyên môn, đồng thời đang xem xét, sẵn sàng hỗ trợ đưa thêm các nhân viên y tế có chất lượng cho Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn.

Mong dịch bệnh được kiểm soát tốt

Đó là mong muốn của hầu hết người dân khi được hỏi về việc Bệnh viện dã chiến tại Cung thể theo Tiên Sơn đã hoàn thành, bàn giao và sẵn sàng đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Thanh Nhân (trú tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cho biết, mấy ngày nay đọc báo thấy thông tin thành phố đã chuẩn bị phương án ứng phó khi dịch bùng phát, đó là xây dựng bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn. Điều này cho thấy sự tích cực, chủ động của lãnh đạo thành phố cũng như ngành y nói chung. Được biết đây là bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị, thiết kế hiện đại, phân khu, phần luồng hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất để tiếp nhận, điều trị và xử lý các vấn đề liên quan đến bệnh nhân Covid-19.

Một điều nữa, khu vực này cách xa khu dân cư nên người dân cũng rất yên tâm nếu có vấn đề phát sinh liên quan đến Bệnh viện dã chiến. “Ghi nhận và cảm ơn lãnh đạo thành phố đã tích cực, quyết liệt và chủ động, linh hoạt trong ứng phó Covid-19 bằng nhiều biện pháp nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, nhưng thật tình, nhân dân mong dịch sẽ không bùng phát đến mức quá tải ở các bệnh viện “chính quy” hiện nay”, ông Nguyễn Thanh Nhân chia sẻ.

Còn theo ông Huỳnh Quang Đảm (trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), việc thành phố tập trung xây dựng Bệnh viện dã chiến, có các phương án hoạt động đối với bệnh viện này cho thấy mức độ phức tạp của tình hình dịch bệnh. Điều người dân quan tâm hiện nay có lẽ không còn nằm ở con số bệnh nhân tăng hằng ngày mà là các phương án phòng ngừa, chữa trị tốt nhất để tránh lây lan bệnh dịch, khống chế dịch bệnh. Ông Huỳnh Quang Đảm cũng như tất cả người dân đều mong tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát tốt, Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn sẽ “ế khách”.

NGỌC PHÚ – TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.