Chúng tôi đang đồng lòng

.

Một buổi sáng, chung cư tôi ở bỗng náo nhiệt hơn ngày thường. Sự xuất hiện của các nhân viên y tế trong những bộ quần áo bảo hộ xanh, tiếng thông báo phát ra từ chiếc loa cầm tay của cán bộ phường, chiếc xe cấp cứu đậu trước cổng chung cư..., tất cả âm thanh, hình ảnh đó đều như đang “đồng thanh” nói với chúng tôi rằng, Covid-19 đang ở rất gần! Và chung cư tôi đã có trường hợp dương tính với Covid-19.

Sau khoảng thời gian bất ngờ, sửng sốt và lo lắng cho người hàng xóm, chúng tôi kịp bình tĩnh để biết mình nên và cần phải làm gì. Ngay lập tức, nhóm trao đổi thông tin (group chat) trên ứng dụng zalo của tổ dân phố xuất hiện nhiều bình luận động viên, trấn an nhau. Mọi người hỏi thăm nhau, kêu gọi nhau cùng khai báo y tế, quá trình tiếp xúc thật chi tiết để phục vụ tốt nhất cho công tác điều tra dịch tễ.

Sau khi cơ quan chức năng tiến hành phun khử khuẩn toàn chung cư, một cuộc họp trực tuyến của tổ dân phố đã diễn ra. Không chút chần chừ, Tổ tự quản của chung cư đã được thành lập với sự tự nguyện, nhất trí cao. Mọi người phân công nhau trực chung cư, hạn chế người ra vào và thực hiện đầy đủ quy trình đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, ghi chép lịch trình di chuyển ra vào tại chung cư. Có anh - vợ là nhân viên y tế đang tham gia tuyến đầu chống dịch, đã hơn nửa tháng chưa được về nhà, một mình anh phải chăm sóc con nhỏ, vậy mà vẫn nhiệt tình đăng ký tham gia trực tại chung cư.

Có cô, dù tuổi đã cao, không thể tham gia trực cùng Tổ tự quản, nhưng lại quan tâm đóng góp kinh phí, kêu gọi trang bị cho Tổ tự quản đầy đủ nhất, từ khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn đến mặt nạ chống giọt bắn. Có lẽ chưa bao giờ ở chung cư tôi, mọi người xích lại gần nhau đến vậy, không phải gần về khoảng cách mà chính là gần về mặt tình cảm, tinh thần. Covid-19 dù “ghê gớm” đến đâu cũng chỉ giới hạn được bước chân chứ không thể giới hạn được lòng người.

Một số anh chị em, bạn bè ở các khu vực khác sau khi biết tin đã nhắn tin, điện thoại hỏi tôi có sợ không? Cũng có chứ, sao tránh khỏi đôi chút sợ hãi, lo lắng. Tuy nhiên, lo lắng không có nghĩa là mất bình tĩnh. Chúng tôi - những người ở tâm dịch Đà Nẵng nói chung, và ở một khu vực có ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19 trên địa bàn thành phố nói riêng, vẫn đang bình tĩnh đối diện và thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Các đồng nghiệp cơ quan tôi, bên cạnh việc tự bảo vệ bản thân, gia đình, vẫn làm việc online để xử lý công việc chuyên môn với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Bởi lẽ, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn; thay vì hoang mang, suy nghĩ tiêu cực rồi có nhiều hành động cực đoan như tích trữ lương thực, đồn thổi những thông tin sai lệch..., chúng tôi đều xác định, cần bình tĩnh, đồng lòng để chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.

Đêm qua, một lần nữa, bóng dáng những chiếc áo bảo hộ xanh đưa người từ chung cư đến khu vực chữa bệnh và cách ly sau đợt xét nghiệm cộng đồng. Hình ảnh từng bóng người lặng lẽ bước lên chiếc xe cấp cứu khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Những giọt nước mắt đã rơi... Nhưng rồi sau đó, cũng như lần trước, chúng tôi lại nhắn tin, gọi điện động viên nhau. Từng đôi mắt, ánh nhìn hướng về nhau như ẩn chứa câu nói: Rồi sẽ ổn thôi! Phải cố gắng hơn nữa, phải nâng mức cảnh giác lên cao nhất và như anh tổ trưởng đã hô to giữa đêm: Quyết tâm không để chiếc xe ấy quay lại đây lần nữa!

Chung cư tôi ở chiều nay mưa, những giọt mưa làm dịu hơn cái nóng oi ả của mùa hè. Và ở nơi đây, những tình cảm lan tỏa cũng như đang làm dịu hơn những âu lo của lòng người. Chắc chắn, mọi việc rồi sẽ ổn, đơn giản bởi chúng tôi đang đồng lòng!

ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.