Hồi ức về Thượng tướng Lê Khả Phiêu trên chiến trường Campuchia

.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là tấm gương mẫu mực về một vị tướng ngoài mặt trận. Ông cảm nhận đời sống, tâm tư người lính bằng trái tim và tình thương yêu đồng đội, đồng chí. Ông chính là tấm gương sáng, mẫu mực cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân noi theo.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (phải) gặp lại đồng đội cũ ngày 8-10-2010.                Ảnh: TTXVN
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (phải) gặp lại đồng đội cũ ngày 8-10-2010. Ảnh: TTXVN

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là tấm gương mẫu mực về một vị tướng ngoài mặt trận. “Đứng mũi chịu sào”, bất chấp chiến sự ác liệt, địch tổ chức phục kích, ông vào tận các chốt của hệ thống phòng thủ để nắm bắt tình hình và thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ. Ông cảm nhận đời sống, tâm tư người lính bằng trái tim và tình thương yêu đồng đội, đồng chí. Đó là những chia sẻ của Đại tá Nguyễn Dĩnh, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Thượng tướng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Câu chuyện với Đại tá Nguyễn Dĩnh bắt đầu từ những ngày tháng bảo vệ bờ cõi phía tây nam của Tổ quốc và đáp lại lời kêu cứu một dân tộc khỏi thảm họa diệt vong, tháng 1-1979, Quân tình nguyện Việt Nam vào Campuchia phối hợp với lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia, đánh đổ chế độ Khmer Đỏ diệt chủng, rồi tiếp đó là 10 năm giúp bạn hồi sinh đất nước Chùa Tháp. Trong đội quân tình nguyện ấy, ông Lê Khả Phiêu là người tham gia chỉ huy những trận đánh đầu tiên ở một cánh quân, một mặt trận, lần lượt ở các vị trí Chủ nhiệm Chính trị rồi Phó Tư lệnh về chính trị Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Còn ông Nguyễn Dĩnh là sĩ quan Tuyên huấn của Mặt trận 719 - mật danh của quân tình nguyện tại đất Angkor...

Trong ký ức của Đại tá Nguyễn Dĩnh, ngay sau khi giải phóng Campuchia, Việt Nam đã giúp đỡ nước bạn mạnh mẽ trong việc xây dựng lại đất nước. Bộ đội tình nguyện cũng ở lại giúp người dân Chùa Tháp bảo vệ, ngăn chặn, không cho chế độ diệt chủng quay trở lại đất nước này. Nhưng 23 sư đoàn của Pol Pot chưa bị loại trừ hoàn toàn, đám tàn quân chạy dạt về biên giới phía tây tìm mọi cách phản kích. Anlong Veng, một huyện thuộc tỉnh Oddar Meancheay tại Campuchia, là địa bàn hoạt động chống phá dữ dội của lính Pol Pot. Để ngăn địch tiến vào giết chóc, bộ đội tình nguyện giúp nước bạn củng cố hệ thống phòng thủ trên dãy núi Dângrêk tại Anlong Veng. Địch tìm mọi cách phục kích bộ đội tình nguyện.

Mùa khô năm 1986, ông Lê Khả Phiêu, lúc ấy là Phó Tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị, Phó Bí thư Ban Cán sự Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, vẫn quyết định đến từng chốt, từng trận địa phòng thủ để nắm bắt thực tế tình hình và thăm hỏi, động viên chiến sĩ. Ông xắn cao ống quần, phăm phăm lội qua những đoạn đường bùn đất ngang mắt cá chân, băng ruộng, vượt rừng núi để vào trận địa.

Những người lính khi ra đón đoàn, nắm chặt bàn tay ông, vui vẻ trò chuyện với ông, ít ai nghĩ rằng đó là một vị tướng. “Chúng ta đã chiến thắng trong cuộc chiến đấu tại biên giới tây nam để bảo vệ Tổ quốc, đã cùng với nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng. Nhưng đánh thắng là một chuyện. Còn ở lại xứ Chùa Tháp thêm 10 năm nữa giúp bạn hồi sinh là chuyện khác. Vấn đề là làm thế nào để những cánh quân tình nguyện và người lính tình nguyện đủ niềm tin và vững vàng, yên tâm làm nhiệm vụ.

Đây là vấn đề khó nhưng chúng ta đã làm được bằng những hành động, những việc làm, tình cảm thương yêu chiến sĩ một cách ấm áp, gần gũi như của vị tướng Lê Khả Phiêu”, Đại tá Nguyễn Dĩnh nhớ lại. “Đối với cán bộ, chiến sĩ chúng tôi, những ngày tháng cùng ông ở chiến trường Campuchia là thời gian không bao giờ quên được. Và với những cán bộ làm công tác tuyên huấn thì không có sự giáo dục nào bằng những hành động cụ thể của ông năm đó với cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận. Chúng tôi quý mến, trân trọng và nể phục ông ở những hành động ấy”, Đại tá Nguyễn Dĩnh bày tỏ.

Nhớ lại những năm tháng cùng ông Lê Khả Phiêu trên chiến trường Campuchia, dõi theo những những trận đánh ở một cánh quân, một mặt trận và lần lượt ở các vị trí chỉ huy khác nhau của vị tướng người Thanh Hóa, Đại tá Nguyễn Dĩnh khẳng định, với cương vị là Phó Tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận 719, ông Lê Khả Phiêu đã bao quát, chỉ huy toàn bộ các đơn vị quân tình nguyện tại chiến trường Campuchia. Bộ Tư lệnh 719 chỉ đạo, chỉ huy, lãnh đạo cả lực lượng quân tình nguyện và các chuyên gia quân sự.

Chính vì vậy, vị trí và vai trò của một lãnh đạo trong Bộ Tư lệnh mà trực tiếp là ông Lê Khả Phiêu là rất lớn. Theo ông Dĩnh, bên cạnh sự nhạy bén của vị tướng vốn trưởng thành từ một người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, ông Lê Khả Phiêu lại nổi bật, được cán bộ, chiến sĩ nhớ tới bởi sự giản dị, cởi mở, thân tình, hết lòng vì bộ đội. Trong ký ức của những người lính và sĩ quan ngày ấy, ông là một cán bộ gương mẫu, nói và làm đi đôi với nhau, một tấm gương sáng về mặt hình ảnh, sự lãnh đạo. Ông là một vị tướng có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình trưởng thành từ một binh nhì đến vai trò một vị tướng.

Chỉ riêng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ thì việc thực hiện, triển khai hiệu quả những chủ trương của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng cho các đơn vị quân tình nguyện Campuchia để các cánh quân đứng vững vàng và mỗi người lính ở Campuchia yên tâm làm nhiệm vụ suốt 10 năm “giúp bạn là tự giúp mình”, để cho lực lượng của Campuchia trưởng thành, vững mạnh, tự bảo vệ được đất nước, từ đó Việt Nam dần dần rút quân về, đã thể hiện tài cầm binh của ông. “Ông chính là tấm gương sáng, mẫu mực cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân noi theo”, Đại tá Nguyễn Dĩnh xúc động nói.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.