Kêu gọi tàu thuyền về bờ, nghiêm cấm ra khơi, chủ động ứng phó mưa lớn

.

Ngày 31-7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố có công điện ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão và mưa lớn. Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng tiếp tục thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt chú ý các tàu cá của ngư dân Đà Nẵng đang hoạt động tại khu vực phía tây quần đảo Hoàng Sa và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; tiếp tục tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn lại hoạt động trên biển.

Các địa phương rà soát các khu dân cư ở những vùng trũng, thấp, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống ven sông Túy Loan và Cu Đê. Đồng thời, có phương án phòng chống mưa lớn, bảo đảm an toàn  và thông báo cho nhân dân tình hình mưa lớn để chủ động ứng phó. Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng thường xuyên kiểm tra lưu lượng nước lũ về các hồ và mực nước trong hồ, đánh giá an toàn hồ chứa; phối hợp với các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư triển khai phương án phòng chống lũ các hồ chứa nước, đặc biệt là 2 hồ Hòa Trung và Đồng Nghệ.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, hiện còn 61 tàu cá của ngư dân Đà Nẵng với 438 lao động đang hoạt động tại khu vực phía tây quần đảo Hoàng Sa và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Hiện các tàu cá đã biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và chưa có thông tin về thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra.

* Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, dự kiến đến 7 giờ ngày 1-8, vị trí tâm bão mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới ở cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 100km về phía đông nam với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.

Bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ từ 10-15km/giờ. Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh lên cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-5m, biển động mạnh. Ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm huyện đảo Phú Quý) có gió tây nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2-4m.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ chịu tác động cao của gió giật và lốc xoáy. Từ ngày 1 đến 3-8, trên đất liền các các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam có mưa, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to; tỉnh Quảng Ngãi có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to.

HOÀNG HIỆP
 

;
;
.
.
.
.
.