Khẩn trương khống chế dịch bệnh

.

* Cách ly Trung tâm Y tế quận Hải Châu từ 12 giờ ngày 5-8 đến 12 giờ ngày 19-8

Ngành y tế đang khẩn trương làm sạch xung quanh khu vực phong tỏa tại 3 bệnh viện, sau khi các chỉ số an toàn về phòng, chống dịch đang được ghi nhận. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của dịch bệnh, số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng lên, công tác thu dung điều trị, điều tra dịch tễ, xét nghiệm vẫn được triển khai song song với nhau.

Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn đang hoàn thiện những khâu cuối cùng. (Ảnh chụp ngày 5-8) Ảnh: XUÂN SƠN
Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn đang hoàn thiện những khâu cuối cùng. (Ảnh chụp ngày 5-8). Ảnh: XUÂN SƠN

Thêm phương pháp xét nghiệm

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, tính đến thời điểm này, CDC Đà Nẵng đã lấy hơn 23.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong đó, đơn vị đã tiến hành lấy hơn 7.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại khu vực phong tỏa, gồm 3 bệnh viện và khu dân cư xung quanh 3 bệnh viện. Hiện tại, hơn 1.700 mẫu xét nghiệm đối với người dân xung quanh 3 bệnh viện đã có kết quả âm tính.

Tuy nhiên, CDC Đà Nẵng khuyến cáo, trong thời gian phong tỏa, người dân cần tiếp tục theo dõi sức khỏe và báo ngay cho cơ quan y tế khi cần thiết. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu) cho biết: “Ngay khi có kết quả xét nghiệm, tất cả người dân tại 8 tổ bị phong tỏa với hơn 1.000 nhân khẩu đều hết sức vui mừng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng quán triệt, nhắc nhở bà con tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện tại, các tổ công tác Covid-19 tại cộng đồng đều được cử theo dõi sức khỏe người dân hằng ngày, tiến hành đo thân nhiệt 2 lần mỗi ngày. Người dân có nhu cầu mua sắm các nhu yếu phẩm cần thiết sẽ được lực lượng chức năng hỗ trợ”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên (phải) trao hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm cho đại diện thôn Lệ Sơn Nam.  Ảnh: LAM PHƯƠNG
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên (phải) trao hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm cho đại diện thôn Lệ Sơn Nam. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 yều cầu các đơn vị đẩy nhanh tốc độ, quy mô xét nghiệm, điều tra, truy vết, đặc biệt là 5 đối tượng được ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, để tăng tính phát hiện, loại trừ, CDC Đà Nẵng bắt đầu triển khai phương pháp xét nghiệm theo nhóm (group test) từ ngày 5-8. “Đây là cách làm vừa bảo đảm yêu cầu về độ chính xác vừa rút ngắn thời gian trong bối cảnh gấp rút và khẩn trương như hiện nay. Việc xét nghiệm nhóm chỉ áp dụng trong trường hợp lấy mẫu phẩm của một hộ gia định cụ thể để xác định nhanh việc lây nhiễm ở cộng đồng. Riêng đối với các trường hợp F1, người có tiếp xúc với nguồn lây, có biểu hiện nhiễm virus vẫn xét nghiệm độc lập”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Lê Thị Quỳnh Mai cho biết, việc áp dụng phương pháp này đang được Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng một quy trình để đưa vào thực hiện sớm nhất. Hiện trên thế giới đã công bố nhiều nghiên cứu về tính hiệu quả của việc gộp mẫu khi phải xét nghiệm số lượng lớn. “Việt Nam cũng đã có những chuẩn bị bước đầu cho tình huống sắp tới trong trường hợp phải xét nghiệm quá nhiều.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần có chính sách, chiến lược xét nghiệm để bảo đảm hiệu quả, thứ nhất là chất lượng xét nghiệm, tiếp đến là phải tiết kiệm nhân lực, sinh phẩm hóa chất, các vật tư tiêu hao cũng như là nguồn dự trữ để chúng ta có thể làm việc lâu dài, nên việc gộp mẫu xét nghiệm đã được đặt ra xem xét và nghiên cứu”, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai nêu quan điểm. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ngành y tế đã thử nghiệm phương pháp gộp nhóm xét nghiệm Covid-19, kết quả cho thấy việc gộp mẫu xét nghiệm và xét nghiệm đơn lẻ hầu như không có sự khác biệt, chỉ có khác biệt về vấn đề thời gian.

Bác sĩ tuân thủ các quy định về phòng dịch khi thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Gia đình)
Bác sĩ tuân thủ các quy định về phòng dịch khi thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Gia đình)

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc nâng cao năng lực xét nghiệm là điều hết sức cần thiết hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh số ca nhiễm trong cộng đồng liên tục tăng lên. Đà Nẵng hiện đang áp dụng xét nghiệm SARS-CoV-2 theo phương pháp kháng nguyên bằng kỹ thuật RT-PCR và xét nghiệm kháng thể bằng kỹ thuật Elisa. Theo đánh giá, cả 2 loại xét nghiệm này đang rất cần thiết, do bệnh dịch đã lây lan tương đối lâu trong cộng đồng nên việc tìm ra những người mang kháng thể rất cần thiết. Bên cạnh đó thì vẫn còn những bệnh nhân nguy cơ, bệnh nhân mới, bệnh nhân tiềm tàng, cần phải sử dụng xét nghiệm Realtime-PCR để phát hiện kịp thời. “Mặc dù Đà Nẵng đã tăng công suất đạt được mức từ 8.000-10.000 mẫu xét nghiệm/ngày nhưng chúng tôi đánh giá vẫn còn nhu cầu về mặt xét nghiệm nên phải tăng thêm lực lượng xét nghiệm”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, những ca dương tính với SARS-CoV-2 ghi nhận ở Đà Nẵng trong đợt này rất đặc biệt, có nhiều bệnh nhân nặng và việc truy vết trong cộng đồng đòi hỏi của sự tham gia của nhiều chuyên gia. Vì thế, bên cạnh sử dụng nguồn nhân lực tại thành phố thì rất cần sự chi viện từ Trung ương, từ các bệnh viện bạn đến để tham gia vào công tác hỗ trợ cho điều trị, xây dựng cơ sở để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19…  “Việc truy vết F0 đầu tiên tại Đà Nẵng hiện không còn là mục tiêu chủ yếu nữa. Mục tiêu của chúng ta giờ là sử dụng các phương pháp xét nghiệm để phát hiện những ca dương tính trong cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

“Gỡ khó” khu vực phong tỏa

Khu vực 3 bệnh viện gồm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng cùng khu vực dân cư xung quanh đang dần dần được tháo gỡ lệnh phong tỏa. Tại Bệnh viện C, trong ngày 5-8, hơn 1.000 nhân viên y tế được lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 2 với SARS-CoV-2. Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C cho biết, hiện có 1.025 người đang thực hiện lệnh cách ly, phong tỏa trong bệnh viện từ 0 giờ ngày 24-7.

Các nhân viên đã được xét nghiệm lần 1 với SARS-CoV-2 và âm tính với chủng virus này. Hiện Bộ Y tế đang yêu cầu xét nghiệm lần 2, trong trường hợp tất cả âm tính sẽ cân nhắc, xem xét để bệnh viện mở cửa trở lại. “Trong thời gian chấp hành lệnh phong tỏa, bệnh viện bảo đảm công tác điều trị cho 399 bệnh nhân bên trong, đồng thời tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện khử khuẩn, giãn cách trong cách ly, điều trị.

Hiện tại, chúng tôi đang dự thảo, chuẩn bị sẵn các kế hoạch tiếp nhận, thu dung bệnh nhân trong tình hình mới, ngay khi được Bộ Y tế cho phép mở cửa đón bệnh nhân trở lại. Những vấn đề cần ưu tiên lúc hoạt động trở lại chính là phân luồng đón, đưa người bệnh, thực hiện giãn cách, bố trí bàn khám bệnh tầm nhiệt…”, bác sĩ Thiện cho biết. Tương tự tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng, gần 400 người gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà vừa được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 với SARS-CoV-2.

Theo bác sĩ Đỗ Văn Thành, Giám đốc bệnh viện, đề án phân luồng đón tiếp người bệnh sau khi mở cửa trở lại đã hoàn chỉnh, trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế về “khám, chữa bệnh bảo đảm phòng, chống Covid-19”. “Hiện bệnh viện cử mỗi nhóm 30 nhân viên y tế, tranh thủ thời gian cách ly thực hiện luôn nhiệm vụ dọn phòng, khử khuẩn, vệ sinh hành lang, trần, nền nhà. Các nhân viên còn lại luân phiên theo ca trực, bảo đảm việc điều trị cho 150 bệnh nhân tại đây”, bác sĩ Thành cho biết.

Riêng Bệnh viện Đà Nẵng, việc làm sạch sẽ mất thời gian và kỹ lưỡng hơn, bởi đây được xem là ổ dịch Covid-19. Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, sau khi ghi nhận những trường hợp mắc Covid-19 là bệnh nhân và người nhà tại Bệnh viện Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đã bàn bạc, nghiên cứu và quyết định chuyển hướng điều trị. “Trước đây, Bệnh viện Đà Nẵng được xem là nơi chủ lực để điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, nhất là các bệnh nhân nặng.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng theo dõi công tác điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 qua hệ thống camera. Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng theo dõi công tác điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 qua hệ thống camera. Ảnh: PHAN CHUNG

Tuy nhiên, trong tình thế nơi đây ghi nhận nhiều ca mắc, chúng tôi buộc phải chuyển hướng điều trị bệnh nhân sang các cơ sở khác; đồng thời thiết lập trạng thái an toàn trở lại cho Bệnh viện Đà Nẵng, chỉ để điều trị các bệnh nhân nặng không nhiễm Covid-19, trong đó có hàng trăm bệnh nhân thận nhân tạo đang rất khó khăn hàng ngày”, bác sĩ Yến cho biết. Hiện nay, bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vừa hoàn thành việc xây dựng khu hồi sức tích cực với đầy đủ trang thiết bị, nhân lực, là điều kiện cần thiết để tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên nền bệnh nặng.

Theo Sở Y tế, dự kiến trong ngày 6-8, số bệnh nhân còn lại Bệnh viện Đà Nẵng sẽ được chuyển đi đến các cơ sở trên để bảo đảm điều trị. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, bệnh viện đang được gấp rút triển khai làm sạch, tuy nhiên cần phải có thời gian để bảo đảm an toàn. “Hiện còn khoảng 700 nhân viên y tế đang làm việc trong bệnh viện từ thời điểm phong tỏa đến nay, số nhân viên còn lại đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Sau khi hết thời gian cách ly, các nhân viên sẽ luân chuyển, thay thế cho số nhân viên hiện tại, đồng thời hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở khác trên địa bàn, đặc biệt là các lĩnh vực hồi sức, xét nghiệm, thận nhân tạo để phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch. Bệnh viện Đà Nẵng sẽ mở cửa đón khách, thực hiện nhiệm vụ khám, thu dung, điều trị các bệnh nhân không Covid-19 khi đã thực sự sạch”, bác sĩ Nhân cho biết.

* Tính đến 18 giờ ngày 5-8: Việt Nam, có tổng cộng 713 ca mắc Covid-19, trong đó 309 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay: 264 ca.

Làn sóng dịch khó khăn hơn trước rất nhiều

Ngày 5-8, tại cuộc họp giao ban định kỳ với Giám đốc Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo dịch bệnh bùng phát lần này khó khăn hơn nhiều, tốc độ lây lan nhanh hơn, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh tại cộng đồng, gia đình. Điều này đặt ra thách thức lớn là phải khẩn trương, quyết liệt, làm rất mạnh và phải cương quyết tất cả biện pháp phòng dịch, giúp hạn chế những ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội. Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần rà soát, chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho tình huống dịch lan rộng. Các cơ sở y tế cần phải khuyến cáo người dân hạn chế đến cơ sở y tế, hạn chế thăm nuôi, hạn chế khám chữa bệnh định kỳ mà có thể chuyển về y tế cơ sở. Đặc biệt phải bảo vệ những khoa có bệnh nhân nặng như khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Thận nhân tạo, các khoa can thiệp hay các trường hợp ung thư giai đoạn cuối...

Sớm đưa bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn vào hoạt động

Tính đến chiều 5-8, công trình xây dựng bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Các hạng mục từ buồng bệnh, giường bệnh, tủ đựng đồ cá nhân, hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước, xử lý nước thải, đèn hiệu, cáp thông tin, quạt mát, đánh số khu, buồng, phòng… tại bệnh viện dã chiến này cơ bản hoàn tất. Đại diện đơn vị thi công hệ thống cáp thông tin cho biết, trong chiều 5-8, đơn vị kiểm tra hoàn thiện lần cuối trước khi bàn giao. Sau khi hoàn thiện việc xây lắp, hệ thống thiết bị y tế sẽ được lắp đặt và tiến tới tổng vệ sinh khử trùng theo đúng quy định. Được biết, đây là bệnh viện dã chiến hiện đại, cùng những trang thiết bị y tế tốt nhất phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng. Đại diện đơn vị thi công công trình lắp đặt bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn cho biết, trong chiều 5-8, đơn vị làm việc với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xem xét các hạng mục thi công trước khi nghiệm thu, bàn giao và đưa vào hoạt động trong những ngày đến.

Nhóm PV

 PHAN CHUNG
 

;
;
Tin liên quan
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích