Không để ai bị bỏ lại phía sau

.

Đà Nẵng vừa thống nhất chủ trương tiếp tục hỗ trợ người dân thành phố gặp khó khăn do Covid-19 trong hai tháng 8 và 9-2020. Trong khi đó, chính quyền địa phương những ngày này cũng nỗ lực trao số tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ cũng như tích cực vận động nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội để sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.

Người dân phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Ảnh: THANH VÂN
Người dân phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Ảnh: THANH VÂN

Sau khi tiếp nhận Tờ trình số 5598/TTr-UBND của UBND thành phố về việc tiếp tục hỗ trợ người gặp khó khăn do Covid-19, ngày 21-8, Thường trực HĐND thành phố có Thông báo số 1090/HĐND-VHXH thống nhất chủ trương tiếp tục hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn theo đề nghị của UBND thành phố. Theo đó, những trường hợp bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu và một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội sẽ được hỗ trợ.

Cụ thể, lao động làm việc theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ 1 tháng trở lên được hỗ trợ mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, làm một trong những công việc: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái mô-tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.

Người có công và những người được bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ các đối tượng đặc thù với mức 500.000 đồng/người/tháng.

Đó là những người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (142/2008/QĐ-TTg, 53/2010/QĐ-TTg, 62/2011/QĐ-TTg); người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Nghị quyết số 19/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố. Ngoài ra, thành phố cũng bổ sung thêm nhóm được hỗ trợ trong đợt này là người dân gặp khó khăn đang ở các khu cách ly y tế với mức 40.000 đồng/người/ngày trong thời gian thực hiện cách ly.

Được tổ trưởng Tổ dân phố số 61, phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) thông báo lên UBND phường nhận tiền hỗ trợ Covid-19, bà Hồ Thị Luyện cứ thao thức không ngủ, mong trời nhanh sáng. Gặp chúng tôi đúng lúc vừa nhận 1 triệu đồng hỗ trợ dành cho lao động tự do mất việc, bà Luyện xúc động nói: “Lâu nay tôi sống bằng nghề bán hàng rong ở chợ Cồn, thu nhập cũng đủ trang trải qua ngày. Khi Covid-19 ập đến, không thể tiếp tục mưu sinh, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, những tháng qua tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ của bà con trong tổ, sáng nay còn được nhận thêm 1 triệu đồng. Thật sự biết ơn cộng đồng và các cấp chính quyền đã đùm bọc, giúp đỡ gia đình tôi trong hoàn cảnh nghặt nghèo này!”.

Giải thích về trường hợp bà Hồ Thị Luyện, chị Phạm Thị Thu Nga, cán bộ phụ trách lĩnh vực Lao động, Thương binh và Xã hội phường cho biết: “Số tiền 1 triệu đồng mà bà Luyện nhận được là từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Nóng lòng cho bà con nhận tiền hỗ trợ, chúng tôi đã gấp rút triển khai việc xác minh, thẩm định từng trường hợp. Đến nay, có thể khẳng định, gần 1.100 trường hợp khó khăn trên địa bàn phường đều đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời”.

Ông Phan Trọng Tín, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) chia sẻ, mấy tháng nay, nhiều việc ở phường phải tạm gác lại, tất cả dồn sức cho công tác phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ kịp thời cho người dân gặp khó khăn do Covid-19. Việc thống kê khảo sát, lập danh sách trình cấp trên, vận động và tổ chức phân phát quà đều được thực hiện với tiêu chí càng nhanh càng tốt để không ai bị thiếu ăn.

Đến nay, 553 trường hợp khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, lao động mất việc... của phường đều đã nhận được tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Đặc biệt, trên địa bàn phường hiện nay còn khoảng 1.300 sinh viên các trường đại học, cao đẳng và gần 100 lao động tự do các tỉnh bị “kẹt” lại thành phố. Tất cả đều được hỗ trợ lương thực, thực phẩm từ chính quyền và các tổ chức từ thiện.

“Hiện nay, UBND phường khẩn trương phối hợp với các tổ dân phố lập danh sách những người trong diện được hỗ trợ đột xuất của thành phố trong tháng 8 và 9 này. Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để bà con được nhận hỗ trợ sớm nhất có thể”, ông Tín nói. Nhận xét về sự san sẻ trong lúc khó khăn này của địa phương, ông Trần Văn Nghĩa (tạm trú tổ 25, phường Hòa Cường Bắc) bày tỏ: “Nhóm chúng tôi làm nghề xây dựng và tạm trú tại đây. Thật vui vì dù là người tạm trú nhưng vẫn được tổ dân phố quan tâm, đưa vào danh sách cần hỗ trợ và chỉ vài ngày hoàn tất thủ tục, chúng tôi đã nhận được quà hỗ trợ từ UBND phường”.

Theo Chủ tịch UBND phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) Bạch Ngọc Hải, đến thời điểm hiện nay, địa phương đã trao tiền từ gói 62.000 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng trong diện được hỗ trợ. Chiều 26-8, phường bắt đầu phát gạo hỗ trợ từ nguồn Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chuyển về. Đợt này, toàn phường có 2.078 hộ với 6.813 nhân khẩu sẽ nhận được khoảng gần 70 tấn gạo, bảo đảm không ai bị thiếu ăn trong lúc này. Song song, phường lập danh sách nhóm người trong diện nhận gói hỗ trợ đột xuất của thành phố trong tháng 8 và 9.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, cả hệ thống chính quyền từ cấp thành phố, quận, huyện, phường, xã đến tận tổ dân phố đang nỗ lực hết mình để giúp người dân thuộc diện khó khăn. Sinh viên, người lao động tạm trú đều nhận sự hỗ trợ kịp thời, cùng nhau vượt qua khó khăn, quyết tâm không để ai bị bỏ rơi lại phía sau.

THANH VÂN

 

;
;
.
.
.
.
.