Một ngày trong khu vực phong tỏa

.

Covid-19 quay trở lại tại Đà Nẵng, những con phố sầm uất bỗng trở nên thinh lặng, những cánh cổng của nhiều gia đình ở Đà Nẵng luôn trong tình trạng đóng kín, nếu mở cũng chỉ đủ cho một người đi qua, chiếc khẩu trang trở thành vật bất ly thân, ai ai cũng trong tình trạng cảnh giác cao độ… Nhưng khác với không khí trầm lắng ở ngoài, bên trong các gia đình ở khu vực dân cư thực hiện lệnh phong tỏa xung quanh 3 bệnh viện lớn của thành phố nằm trên địa bàn phường Thạch Thang (quận Hải Châu), bếp vẫn đỏ lửa hằng ngày với một không khí ấm áp, tin tưởng bao trùm, dẫu những lo toan luôn thường trực.

Sự vào cuộc kịp thời của các lực lượng chức năng giúp người dân tin tưởng hơn vào ngày bỏ lệnh phong tỏa không còn xa. Trong ảnh: Lực lượng chức năng trao quà hỗ trợ người dân khu vực phong tỏa đường Hải Phòng. Ảnh: KHÁNH HÒA
Sự vào cuộc kịp thời của các lực lượng chức năng giúp người dân tin tưởng hơn vào ngày bỏ lệnh phong tỏa không còn xa. Trong ảnh: Lực lượng chức năng trao quà hỗ trợ người dân khu vực phong tỏa đường Hải Phòng. Ảnh: KHÁNH HÒA

0 giờ ngày 28-7 là thời khắc đáng nhớ đối với nhiều người dân ở các tuyến đường Quang Trung, Nguyễn Thị Minh Khai, Hải Phòng, khi thành phố chính thức áp dụng biện pháp phong tỏa toàn bộ đối với 3 bệnh viện lớn là Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng cùng một số khu dân cư Tổ 32, 33, 34, 35, 36, 37, 42 và 43 (thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu) với 355 hộ dân, 1.451 khẩu. Vốn đã quen với nhịp sống hối hả, nay người dân phải “gò” mình vào trong những bức tường, ngày ba bữa cơm nhà, nhiều người không tránh khỏi cảm giác ngỡ ngàng.

Chiều 6-8, khoác lên mình bộ đồ bảo hộ y tế, chúng tôi theo chân Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu) vào khu vực phong tỏa để trao hơn 300 suất hàng hóa là rau, củ, quả các loại cho người dân ở đây. Điểm dừng chân đầu tiên là gia đình bà Ngô Thị Xuân, nằm sâu trong kiệt K76/3 đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Chúng tôi đến đúng lúc bà đang nấu bữa cơm tối cho gia đình. Khác với sự xáo trộn và tâm lý hoang mang, lo lắng những ngày đầu, từ ngày thứ 3 kể từ thời điểm bắt đầu phong tỏa đến nay, mọi thành viên trong gia đình thích ứng khá nhanh với lề lối sinh hoạt mới; tinh thần luôn giữ được sự ổn định dù vẫn phải tự “đề phòng” lẫn nhau, vì khi chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, không ai dám chắc mình có bị lây nhiễm hay không. Để duy trì cuộc sống cho 11 người, gồm 6 người lớn và 5 trẻ nhỏ, trong một không gian chỉ 60m2, suốt 14 ngày thực hiện lệnh phong tỏa là điều không hề đơn giản.

Là một người mẹ, bà Xuân phải khéo léo điều tiết để không xảy ra xung đột khi hằng ngày ra vào đụng mặt nhau. “Các con tôi đều còn trẻ, chúng quen với việc ngày đi làm, tối về la cà quán xá rồi, giờ ở miết trong nhà thành ra có lúc bí bách. Có hôm vợ chồng con trai cãi lộn, tôi phải can ngăn mới hết. Ngày nào vợ chồng tôi cũng động viên các con, hãy xem đây là thử thách thôi, không có gì phải lo sợ. Nếu lỡ có dương tính với SARS-CoV-2 thì cứ tuân thủ theo bác sĩ để chữa trị. Bây giờ lo tập trung cho mấy cháu nhỏ, không để chúng đau ốm, sốt hay ho gì vì giờ vào viện càng lo hơn”, vừa nhanh tay quấy nồi canh đang nấu dở trên bếp, bà Xuân vừa bộc bạch.

Đều đặn mỗi ngày, vào 5 giờ sáng, vợ chồng bà thức dậy, bắc sẵn nồi cháo cho các cháu nhỏ rồi ra sân tập bài thể dục dưỡng sinh. Ở tuổi 60, vào những thời điểm sức khỏe có nguy cơ bị đe dọa như thế này, thì việc duy trì thói quen tập thể dục để tinh thần minh mẫn, đủ sức chống chọi với bệnh tật là hết sức quan trọng. Sau bữa sáng, cả nhà thực hiện đo thân nhiệt, theo dõi cẩn thận tình hình sức khỏe của từng thành viên, mỗi người đều lên mạng internet cập nhật thường xuyên những diễn biến mới của Covid-19. Trong khi đó, ba người phụ nữ thay phiên nhau chăm chút cho bữa cơm gia đình được duy trì hằng ngày để tăng sức đề kháng cho mọi người.

Mười ngày thực hiện nghiêm túc lệnh phong tỏa của thành phố, nếp nhà được vợ chồng bà Xuân duy trì trọn vẹn. Đặc biệt, từ hôm nhận được kết quả xét nghiệm người dân trong khu vực phong tỏa đều âm tính, tinh thần mọi người thoải mái và nhẹ nhõm hơn hẳn. Nhờ đó mà sau nhiều ngày cửa đóng then cài, mấy đứa nhỏ trong gia đình bà Xuân thảng hoặc lại được ra đường giải trí bằng cách đánh cầu lông hoặc đạp xe đạp. Chị Hoa, con dâu của bà Xuân rưng rưng bảo, lúc nhận được thông báo âm tính với SARS-CoV-2, mừng đến mức không cần ăn cơm cũng thấy no. “Vì em có con nhỏ nên nỗi lo tăng gấp đôi. Mình thì không sao, nhưng lỡ mấy đứa nhỏ bị lây nhiễm, tội lắm”, Hoa tâm sự. Dưới bàn tay vun vén và sự vững vàng của người mẹ, các thành viên trong gia đình bà Xuân đón nhận cuộc sống trong tình hình mới một cách nhẹ nhàng và bình thản hơn.

Câu chuyện giữa tôi và mẹ con họ đang lúc rôm rả thì bị cắt ngang bởi tiếng gọi của một người đàn ông từ ngoài cửa vọng vào là chồng bà Xuân - ông  Lý Đắc Dương. Ông Dương vừa trở về sau khi hoàn thành việc đo thân nhiệt cho gần 200 nhân khẩu trong tổ dân phố 33 (chủ yếu đóng ở tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai). Công việc của ông với vai trò Tổ trưởng Tổ dân phố 33 kiêm Tổ trưởng Tổ phòng, chống Covid-19 ở cộng đồng được thực hiện đều đặn vào 14 giờ hằng ngày, kể từ khi lệnh phong tỏa được thiết lập .

Cởi bỏ bộ đồ bảo hộ cùng đôi găng tay y tế, ông Dương xịt sát khuẩn rửa tay sạch sẽ rồi xếp ngay ngắn mọi thứ vào một góc riêng phía ngoài cửa chính dẫn vào nhà. Ở đó, trên tủ đựng giày dép, có một cái giỏ nhựa được ông Dương dùng để đựng máy đo thân nhiệt, lọ cồn sát khuẩn và cuốn sổ theo dõi sức khỏe của bà con trong tổ... luôn được ông ghi chép cẩn thận. Trong suốt 10 ngày qua, cùng với các tình nguyện viên trong Tổ phòng, chống Covid-19 ở cộng đồng, ông Dương duy trì nghiêm túc việc “đi tận nhà, gõ từng cửa” các gia đình trong khu phố để tuyên truyền, nhắc nhở bà con thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, không được nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là; quyết tâm giữ vững “thế trận” trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Vào những thời điểm căng thẳng nhất, ông Dương lại kiêm luôn vai trò của một “chuyên gia tâm lý” để động viên, khích lệ và trấn an tinh thần người dân trong toàn khu phố hay trở thành “người vận chuyển” hàng hóa hỗ trợ đến tận tay người dân trong khu vực phong tỏa. “Tất cả nguồn hàng hóa, lương thực, thực phẩm hỗ trợ từ các cấp ngành, UBND phường Thạch Thang khi đem về tổ đều được tôi cùng các tình nguyện viên trong Tổ phòng, chống Covid-19 ở cộng đồng phân chia công bằng. Chúng tôi làm bằng trách nhiệm, cái tâm của mình để chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến được tận tay người dân; để nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng trong “trận chiến” này”, ông Dương kể bằng giọng hiền hòa.

Cũng như gia đình bà Xuân, cô sinh viên Nguyễn Thị Minh Hải (Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng) cùng 4 người bạn kẹt lại ở khu trọ trong con hẻm nhỏ ở K79/3 đường Hải Phòng khi thành phố áp dụng lệnh phong tỏa. Sống gần “tâm điểm” 3 bệnh viện lớn, nơi có nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2, Minh Hải đã trải qua những ngày dài sống trong nơm nớp lo lắng, tinh thần, trạng thái căng thẳng. Mỗi ngày thức dậy, chỉ cần nghe tiếng xe cứu thương hú còi chạy qua hay ai đó gọi tên ngoài cổng cũng khiến Hải và nhóm bạn giật mình thon thót, vì không biết là các cô chú trong Tổ dân phố qua động viên thăm hỏi, trấn an tinh thần hay là lực lượng chức năng đến thông báo đưa đi cách ly.

Gần một tuần sống trong cảnh chờ đợi kết quả xét nghiệm là chừng ấy thời gian Hải trải qua cuộc chiến “cân não” giữa lo lắng, sợ hãi với quyết tâm giữ vững tinh thần để sẵn sàng đón nhận bất cứ tình huống nào. Ngày được thông báo kết quả xét nghiệm âm tính lần 1, Hải và các bạn ôm chầm lấy nhau, mừng đến trào nước mắt. Để duy trì cuộc sống trong khu phong tỏa, Hải cùng các bạn gom góp tiền, mua ít lương thực, thực phẩm để dự trữ, cộng với 3 đợt hỗ trợ từ phía các ngành chức năng, nhất là UBND phường Thạch Thang cũng đủ cho các em vượt qua 14 ngày thực hiện cách ly, phong tỏa. Hải chia sẻ, những ngày này, em đảm đang hơn hẳn khi ngày 3 bữa nấu cơm ăn, thường xuyên rửa tay bằng nước xịt khuẩn và tuyệt đối không ra khỏi nhà. Để thư giãn, vào mỗi buổi sáng sớm và chiều muộn đều tập thể dục theo hướng dẫn từ các trang youtube. Những ngày cách ly, sống giữa lằn ranh nguy cơ dịch bệnh rình rập, Hải chú ý hơn việc bảo vệ sức khỏe cho chính mình cũng như ý thức gìn giữ vì cộng đồng.

Để bảo đảm cho cuộc sống của hơn 1.451 nhân khẩu trong khu vực phong tỏa, ông Nguyễn Chí Lý, Phó Chủ tịch UBND phường, Trưởng Ban phòng, chống Covid-19 phường Thạch Thang cho biết, từ nguồn hỗ trợ của các đơn vị cũng như sự chủ động của UBND phường, Ban phòng, chống Covid-19 phường Thạch Thang đã triển khai 4 đợt trao hàng hóa hỗ trợ là nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực này. Khó khăn nhất phải kể đến các đối tượng sinh viên, người lao động đi thuê trọ, bệnh nhân chạy thận… Với nguồn lực tài chính hạn hẹp, việc duy trì cuộc sống trong suốt hơn nửa tháng trong khi nguồn thu nhập bị ảnh hưởng khiến họ dễ rơi vào cảnh túng quẫn nếu không được hỗ trợ kịp thời.

Suốt gần một tháng qua, ông Lý bám trụ ở trụ sở UBND phường để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn phường cũng như bảo đảm cho việc mọi người dân được chăm lo tốt nhất, để không ai bị bỏ lại phía sau. Bằng cách này hay cách khác, người ở trong, kẻ ở ngoài khu vực phong tỏa, cách ly vẫn giữ chặt sợi dây kết nối để cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn này.

Dù không nằm trong khu vực phong tỏa, cách ly, nhưng hằng ngày, ông Lê Xuân Đài, Tổ trưởng Tổ dân phố 37, lại ghé đến khu barie ngăn cách giữa đường Hải Phòng và Nguyễn Thị Minh Khai để thăm hỏi tình hình của người dân trong khu dân cử đang bị phong tỏa. Tổ 37 có 60 hộ dân thì có 30 hộ nằm trong diện phong tỏa ở đường Hải Phòng, mười ngày qua, tổ đã hỗ trợ các hộ gia đình này 10kg gạo/hộ. Ông Đài cùng người thân trong gia đình cũng tích cực hỗ trợ người dân trong khu cách ly mua sắm hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày.

Chúng tôi bước ra khỏi khu phong tỏa khi chiều đã buông xuống, những cánh cửa nhà vẫn đóng im ỉm, người dân không ai ra đường, nghiêm túc thực hiện quy định giãn cách xã hội, nhưng tôi biết, sau mỗi cánh cửa ấy, ngọn lửa trong từng gian bếp vẫn luôn được gìn giữ mỗi ngày như niềm hy vọng chưa từng bị mất đi.

Sau 10 ngày thực hiện lệnh phong tỏa, cuộc sống của người dân ở khu vực phong tỏa, cách ly ở các tuyến đường Quang Trung, Hải Phòng và Nguyễn Thị Minh Khai vẫn luôn giữ được sự bình yên và luôn tin tưởng ngày dỡ lệnh phong tỏa sẽ không còn xa. Như lời người tổ trưởng Tổ dân phố 33 ông Lý Đắc Dương: “Sau cơn mưa, trời sẽ lại sáng thôi mà. Cứ vững tin vào sự chăm lo của thành phố, chúng ta nhất định giành được thắng lợi trong “cuộc chiến” này”.

KHÁNH HÒA

 

;
;
.
.
.
.
.