Trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đến sự lớn mạnh và phát triển của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, sau này là thành phố Đà Nẵng (từ 1997). Chính sự quan tâm, chỉ đạo, góp ý kịp thời, chân thành và hết sức quý báu cả về lý luận lẫn thực tiễn của nguyên Tổng Bí thư đã tạo thêm sinh khí và động lực mới, góp phần phát triển Đà Nẵng như hôm nay.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (thứ hai, phải sang) xem các bản đồ chứng minh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Bảo tàng Đà Nẵng, nhân chuyến thăm Đà Nẵng ngày 24-2-2013. Ảnh: V. DŨNG |
Phải xác định rõ vai trò, vị trí của Đà Nẵng
Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành ngày 15-10-2003. Đây là văn bản có ý nghĩa lịch sử, mở ra chặng đường phát triển năng động và đột phá của Đà Nẵng từ năm 2003 đến nay. Việc xây dựng báo cáo chuẩn bị làm việc với tập thể Bộ Chính trị (ngày 19-9-2003 tại Đà Nẵng) được Ban Thường vụ Thành ủy lúc bấy giờ chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu, chặt chẽ. Đặc biệt, từ cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9-2003, Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức 2 hội nghị quan trọng tại Hà Nội để xin ý kiến các bộ, ban, ngành và các cơ quan Đảng của Trung ương.
Thường trực Thành ủy trực tiếp làm việc và xin ý kiến góp ý của Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Khi đó tôi là Phó Chánh Văn phòng Thành ủy, được tháp tùng Thường trực Thành ủy dự các buổi làm việc trên tại Hà Nội.
Với nhiệm vụ là thư ký ghi chép, tôi thấy hầu hết các đồng chí đều rất ấn tượng với những thành tựu của thành phố sau 5 năm vận hành theo cơ chế thành phố trực thuộc Trung ương (1997-2003) và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng đối với sự phát triển của Đà Nẵng. Trong buổi làm việc với đồng chí Lê Khả Phiêu, tôi nhớ đồng chí mấy lần nhấn mạnh: Đây là dịp rất hiếm cả Bộ Chính trị vào làm việc với Thành ủy Đà Nẵng, do đó tập thể Ban Thường vụ Thành ủy cần động não, suy nghĩ kỹ để chuẩn bị báo cáo cho thật tốt, thể hiện cho được tầm nhìn đến năm 2020, nhưng tập trung cao nhất là đến 2010 nhằm làm cho cuộc làm việc có ý nghĩa thực tiễn và đem lại hiệu quả thiết thực cho thành phố Đà Nẵng.
Trong đó, cần tập trung đề nghị Bộ Chính trị xác định vai trò, vị trí của thành phố Đà Nẵng đối với miền Trung và cả nước theo hướng: Đà Nẵng được xác định là trung tâm kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và là một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước. “Có xác định đúng vai trò, vị trí của thành phố thật rõ như vậy mới có hướng quy hoạch, đầu tư mang tính chiến lược của Trung ương; từ đó rà soát lại một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu của Đà Nẵng đến năm 2010 theo hướng đặt ở mức cao hơn, vì thành phố Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh. Đà Nẵng là thành phố loại 1 Trung ương nên cần phấn đấu ở mức cao nhất có thể để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển toàn khu vực miền Trung, Tây Nguyên”, đồng chí Lê Khả Phiêu nhấn mạnh.
Bài học về dân chủ thật sự với dân
Một ý khác, tôi không thể quên, đó là góp ý của đồng chí về các bài học kinh nghiệm trong dự thảo báo cáo của thành phố.
Trong dự thảo báo cáo (tháng 8-2003) gửi xin ý kiến, thành phố nêu 5 bài học kinh nghiệm: Một là, quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới của Đảng, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố, các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tế của địa phương, đề ra chủ trương xác đáng, có bước đi phù hợp. Khơi dậy và phát huy được ý chí và nguồn lực của thành phố gắn với sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương... tạo ra sức mạnh tổng hợp để giải quyết thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra.
Hai là, tập trung xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, phát huy vai trò của Ban Thường vụ, Ban chấp hành, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ. Đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, xây dựng khối đoàn kết trong đảng bộ, từ cấp cơ sở đến cấp thành phố, tạo được sự nhất trí cao giữa ý Đảng và lòng dân...
Ba là, huy động sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tất cả vì mục tiêu phát triển thành phố... Bốn là, phát huy tinh thần tiến công, quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, lựa chọn đúng khâu đột phá và tập trung nguồn lực để thực hiện thắng lợi những khâu đột phá đó. Năm là, hướng mạnh về cơ sở, chủ động tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo chủ chốt của thành phố với các tầng lớp dân cư nhằm tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho cơ sở, cho người dân, đẩy nhanh tốc độ phát triển trên các lĩnh vực hoạt động.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng: “Việc rút ra bài học kinh nghiệm là tốt, nhưng 5 bài học ở báo cáo nêu còn chung chung, chưa thể hiện rõ những việc làm sáng tạo ở Đà Nẵng… Trong đó có việc lãnh đạo thành phố trong quá trình lãnh đạo, điều hành đã lắng nghe dân nói, nhiều lần đi cơ sở để tiếp và đối thoại với các tầng lớp nhân dân, để từ đó ban hành những giải pháp, chủ trương hợp lòng dân, mang lại đồng thuận cao”.
Đồng chí Lê Khả Phiêu phân tích và nhấn mạnh: “Đà Nẵng có nhiều bài học kinh nghiệm hay, nhưng có 2 điểm cần nói rõ, không chỉ là bài học của Đà Nẵng mà còn để góp cho Trung ương. Đó là, dân chủ thật sự với dân, thành tâm nghe để giải quyết đúng yêu cầu chính đáng của dân. Bài học về tổ chức thực hiện và tổ chức điều hành, cả trong cơ quan Đảng và chính quyền. Trong tổ chức thực hiện, phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân chịu trách nhiệm, quyết tâm trong chỉ đạo, kiên quyết trong điều hành, chặt chẽ trong quản lý, kiên trì thực hiện đến cùng những mục tiêu đã được xác định. Hai bài học đó có tác động, có kết quả trong Đảng bộ, trong dân, trong cán bộ, đảng viên, tạo tin tưởng trong nhân dân và có tác động lên các cơ quan bên trên cần xem lại cách lãnh đạo, điều hành của mình”.
Tôi nhớ sau đó, báo cáo của thành phố bản cuối đã chắt lọc và đúc kết còn 3 bài học kinh nghiệm. Cả 3 bài học kinh nghiệm này cũng được nhấn mạnh lại trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2005-2010. Đó là bài học về thấm nhuần và phát huy thực sự tinh thần dân chủ; bài học về huy động các nguồn lực và bài học về tổ chức thực hiện. Khi còn công tác, tôi vẫn còn nhớ rằng, trong nhiều bài nói, bài viết của mình, đồng chí Lê Khả Phiêu thường xuyên nhắc nhở vấn đề dân chủ, dân vận và đại đoàn kết dân tộc. Trung ương Đảng đã nỗ lực để ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở và lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật. Một trong những biện pháp cốt lõi để phát huy và mở rộng dân chủ cơ sở là thông qua phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cả một đời gắn bó và cống hiến quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, quan tâm chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh. Đối với thành phố Đà Nẵng, theo tôi, những góp ý rất quan trọng của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đúc kết những kinh nghiệm quý, làm sáng rõ hơn thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực để thành phố tiếp tục xây dựng và phát triển trong những giai đoạn tiếp theo.
PHẠM QUÝ
Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy
(V. DŨNG ghi)