Phòng, chống Covid-19 kết hợp với khôi phục, phát triển kinh tế

.

Sáng 28-8, chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó nhấn mạnh việc ban hành chỉ thị, các kế hoạch phù hợp với tình hình, bảo đảm khôi phục, phát triển kinh tế.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phòng, chống Covid-19 sáng 28-8. Ảnh: PHAN CHUNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phòng, chống Covid-19 sáng 28-8. Ảnh: PHAN CHUNG

Theo đánh giá chung, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã có những tín hiệu lạc quan, tuy nhiên, để sẵn sàng cho việc nới lỏng giãn cách xã hội, cần hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch trong tình hình mới.

Ưu tiên thực hiện nhiệm vụ kép

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu các đơn vị, sở, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian quyết định là một tuần tới. Ngành y tế tiếp tục là đơn vị chủ lực tham mưu, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết, trong đó đẩy mạnh việc xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng.

Đồng thời, tiếp tục sàng lọc, phân loại xét nghiệm tại các bệnh viện khi tiếp đón người bệnh; có phương án cụ thể bảo đảm an toàn tại một số khu vực có nguy cơ như chợ, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp… “Tình hình dịch bệnh tuy có giảm nhưng tính chất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm vẫn luôn thường trực, vì thế các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg cũng như các biện pháp cần thiết.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm sức khỏe người dân; tăng cường mạnh mẽ hoạt động của hệ thống giám sát, chú trọng đầu tư nguồn lực, nhân lực cho hệ thống giám sát; nâng cao hiệu quả, vai trò của Tổ Công tác Covid-19 tại cộng đồng, Tổ kiểm tra liên ngành của thành phố trong việc quyết liệt xử lý nghiêm các vi phạm”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ đạo, đồng thời cho rằng cần tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực điều trị Covid-19, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; chú trọng tổ chức cách ly, bảo đảm an toàn, không lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly tập trung.

Về một số giải pháp từng bước khôi phục, phát triển kinh tế, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40/CT-TU ngày 19-5 của Ban Thường vụ Thành ủy về phòng, chống, khắc phục tác động của Covid-19, đẩy mạnh khôi phục phát triển kinh tế, trọng tâm là các công trình trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời chủ động đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách riêng cho Đà Nẵng trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trước mắt thực hiện tốt việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch bệnh, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, không để tình trạng đứt gãy nền kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy vai trò các cấp ủy Đảng trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Bước đầu đã có những kết quả khả quan trong phòng, chống dịch nhưng tuyệt đối không lơ là, chủ quan và buông lỏng các biện pháp cần thiết. “Đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố tiếp tục họp bàn sâu hơn, chỉ ra những khó khăn, bất cập và giải pháp khắc phục.

Các cơ sở y tế đã có sự thích ứng kịp thời, vì vậy ngành y tế cần nghiên cứu, xây dựng đề án nâng cấp các cơ sở y tế quận, huyện, không chỉ đáp ứng công tác phòng, chống dịch mà còn phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trong tương lai. Hiện nay, tình hình dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát, số ca nhiễm giảm, năng lực điều trị từng bước được nâng lên, đó là những căn cứ, cơ sở ban đầu để nới lỏng việc thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, thời điểm và địa điểm nới lỏng giãn cách cần phải được cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, những ca nhiễm gần đây được phát hiện kịp thời tại các điểm xét nghiệm diện rộng, khu cách ly nên nguy cơ lây nhiễm đã được hạn chế. Tốc độ lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm ngày càng tăng, số điểm nóng trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm nhưng ca bệnh trong cộng đồng vẫn diễn biến khó lường. “Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tiếp tục rà soát, củng cố các biện pháp đã thực hiện thời gian qua, đồng thời nghiên cứu triển khai nới lỏng giãn cách xã hội để sẵn sàng áp dụng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian đến.

Tổ chức phòng, chống dịch an toàn cho cộng đồng tại các địa điểm như bệnh viện, chợ, siêu thị, cơ sở sản xuất, trường học, ký túc xá; đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác điều trị và dự phòng để từng bước kiểm soát, khống chế dịch bệnh”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người nước ngoài tại Đà Nẵng, tháng 8-2020. Ảnh: KIM LIÊN; Đồ  họa: MAI ANH
Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người nước ngoài tại Đà Nẵng, tháng 8-2020. Ảnh: KIM LIÊN; Đồ họa: MAI ANH

Tìm thời điểm, cơ sở để nới lỏng giãn cách

Chiều 28-8, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng tiếp tục quán triệt tinh thần chủ động, phân tích tình hình một cách kỹ lưỡng để có biện pháp phù hợp. “Đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố đánh giá lại toàn diện bức tranh phòng, chống dịch để có nhận định sâu hơn. Bởi số ca nhiễm vẫn còn, nếu chúng ta không đề cao cảnh giác thì nguy cơ bùng phát trở lại một đợt dịch mới là hoàn toàn có thể. Đây là bài học và thực tế đã diễn ra ở các nước”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu. Lãnh đạo Thành ủy đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng tập trung tổ chức xét nghiệm cho gần 14.000 học sinh, cán bộ coi thi trong thời gian tới.

"Cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40/CT-TU ngày 19-5 của Ban Thường vụ Thành ủy về phòng, chống, khắc phục tác động của Covid-19, đẩy mạnh khôi phục phát triển kinh tế, trọng tâm là các công trình trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công”.

                        Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa

Trong tương lai, tiếp tục nghiên cứu và thực hiện kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm đại diện hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Kết quả xét nghiệm là căn cứ khoa học làm cơ sở quan trọng để đánh giá những nguy cơ trong cộng đồng hiện nay đang ở mức nào. “Thường trực Thành ủy đồng ý chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội trong thời gian tới nhưng phải được áp dụng khi các giải pháp, kế hoạch đã hoàn chỉnh, thông qua. Bởi việc nới lỏng đồng nghĩa với nguy cơ bùng phát dịch sẽ tăng cao, chính vì thế các giải pháp phải cụ thể, hiệu quả và thực tế. Muốn làm được điều đó, các sở, ngành, địa phương phải có trách nhiệm đóng góp những kế hoạch, phương án cụ thể trong lĩnh vực, phạm vi của mình để Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch có kế hoạch hoàn chỉnh, phát huy hiệu quả hơn”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC thành phố, trong 2 ngày qua, CDC Đà Nẵng phát hiện 2 trường hợp nhiễm Covid-19 sau khi sàng lọc, xét nghiệm 11.000 trường hợp. Điều đáng nói, đây là những F2, F3 của bệnh nhân trước đó. Vì thế, theo lãnh đạo CDC Đà Nẵng khuyến cáo các đơn vị, địa phương không chủ quan, buông lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Trung ương và địa phương. Để xác định các nguy cơ lây nhiễm, CDC Đà Nẵng tiếp tục mở rộng xét nghiệm, hướng đến các nhóm, địa điểm cụ thể như khu vực có ca nhiễm Covid-19, khu cách ly, những trường hợp liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, các chợ, lực lượng tham gia phòng chống dịch và người nước ngoài.

“Ngày 31-8, CDC Đà Nẵng tổ chức xét nghiệm cho gần 14.000 trường hợp là học sinh và cán bộ, giáo viên phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu một trường hợp đại diện cho một gia đình thì đây là một số lượng mẫu rất lớn, đủ cơ sở để đánh giá mức độ an toàn của thành phố và căn cứ để nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch. Và để làm được điều đó, rất cần sự chủ động, phối hợp của các đơn vị, địa phương, đặc biệt là xây dựng các phương án bảo đảm an toàn cho đơn vị, cơ sở mình theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, để sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch giai đoạn tiếp theo, ngành y tế sớm có báo cáo đánh giá chung về công tác thu dung, điều trị, xét nghiệm, cách ly, điều tra dịch tễ, qua đó rút ra những bài học và đề xuất, tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố; tiếp tục phối hợp với Văn phòng UBND thành phố, Văn phòng Thành ủy ban hành dự thảo chỉ thị mới về công tác phòng, chống dịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới. “Các địa phương tiếp tục rà soát số hộ dân để sẵn sàng phương án xét nghiệm theo hộ gia đình, phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng, kịp thời đối với những trường hợp khó khăn, ảnh hưởng do dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, đồng thời tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra xử lý vi phạm”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

* Tính đến 18 giờ chiều 28-8, cả nước có 1.038 ca Covid-19, bao gồm bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng và ca bệnh nhập cảnh. Trong đó, 689 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, số ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 549 người. Số ca tử vong trên cả nước: 30 ca. Số ca điều trị khỏi: 637 ca.

Thêm 23 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi và xuất viện

Chiều 28-8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang tiếp tục công bố điều trị khỏi và cho xuất viện 23 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Các bệnh nhân ra viện gồm bệnh nhân số 500; 576; 583; 612; 630; 632; 634; 663; 705; 731; 740; 780; 782; 824; 851; 952; 1001; 1008; 1011; 765; 458; 829; 923. Các bệnh nhân này đã âm tính 3-5 lần với SARS-CoV-2, không còn các biểu hiện lâm sàng như sốt, ho, khó thở. Sau khi ra viện, nhân viên y tế và phương tiện sẽ hỗ trợ đưa bệnh nhân về nơi cư trú, đồng thời áp dụng cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà trong thời gian 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế.

Liên quan đến bệnh nhân số 424 tái dương tính với SARS-CoV-2 (vào ngày 24-8), chiều 28-8, CDC Đà Nẵng đã có kết quả xét nghiệm và bệnh nhân đã âm tính với chủng virus này. Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19 diễn ra vào ngày 27-8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết theo những kết quả nghiên cứu của Việt Nam và các nước trên thế giới thì chưa phát hiện trường hợp tái nhiễm gây lây nhiễm trong cộng đồng. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng việc tái dương tính với SARS-CoV-2 là tình trạng bệnh nhân còn sót lại các vật liệu di truyền của virus (xác virus).

PHAN CHUNG



 

;
;
.
.
.
.
.