Sẻ chia ở một khu phố

.

Covid-19 bùng phát lần hai ở Đà Nẵng làm không ít người, nhất là những lao động phổ thông, gặp nhiều khó khăn. Để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong khu phố, anh Nguyễn Đăng Quang (trú tổ 25 khu phố Tân Sinh 2, phường Chính Gián, quận Thanh Khê; làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn Đà Nẵng) đứng ra lập nhóm thiện nguyện gồm các thành viên: Lê Văn Long, Trương Đăng Nguyên, Võ Ngọc Danh, Nguyễn Gia Trí và Ngô Thị Thùy Trang (làm nhiều ngành nghề đều trú các tổ 25, 26 khu phố Tân Sinh B2).

Lúc đầu, các anh tự đóng góp 5 triệu đồng và chọn một số người khó khăn nhất trong khu dân cư để tặng quà. Từ việc làm của các anh, bà con lối xóm tự nguyện đóng góp thêm, gửi gắm chút tình của mình và nhờ các anh trao tận tay những gia đình gặp khó khăn cũng như tiếp sức cho các bệnh nhân đang cách ly cũng như lực lượng ở tuyến đầu chống dịch.

Cầm trên tay khoảng 22 triệu đồng, thấy ít quá, anh Quang liên hệ với bạn bè ở Thành phố Hồ Chi Minh hỗ trợ thêm 8 triệu đồng. Có tiền, anh em trong nhóm bàn tính tổ chức nấu hàng trăm suất ăn để phục vụ người bệnh và đội ngũ phòng, chống dịch. Thời điểm đó chưa có Công văn số 5212/UBND-VHXH ngày 6-8-2020 của UBND thành phố Đà Nẵng quy định các tổ chức, cá nhân không hỗ trợ trực tiếp lương thực, thực phẩm đến các cơ sở y tế và các khu vực phong tỏa, các cơ sở cách ly tập trung.

Liên tục trong 6 ngày cao điểm cách ly, nhóm của anh Quang đã nấu hơn 750 suất cơm để hỗ trợ những người đang ở “vòng trong” của Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Từ việc tính toán, chọn thực phẩm, nấu nướng làm sao cho ngon miệng đều do anh em trong nhóm thực hiện rồi dùng xe riêng của mình vận chuyển đến trao cho người đang cách ly ở đây. 

Sau những ngày đưa cơm tới bệnh viện, các anh đến nhà bà Vũ Thị Tịnh Minh (70 tuổi, trú kiệt 267/1 Thái Thị Bôi, cùng phường Chính Gián). Nói là nhà nhưng bà Minh sống cùng các con và đứa cháu bị bệnh trong gian phòng 10m2 ẩm thấp, chật chội, không có thu nhập gì đáng kể. Hôm anh Quang đến, bà cháu họ đang chuẩn bị ăn mấy miếng mì lá của người hàng xóm mang cho. Anh Quang trích tặng bà Minh 3 triệu đồng.

Hoàn cảnh của ông Ngô Ngọc Hùng (gần 60 tuổi), không nhà cửa, vợ con, ở với anh em tại 142/51 Điện Biên Phủ cũng đáng thương. Hằng ngày, ông dắt xe đạp thồ cọc cạch đứng đợi khách trước chợ Cồn nhưng lúc xảy ra Covid-19, ông không có thu nhập, vì vậy vừa qua nhóm đã trao tặng ông 2 triệu đồng.
Ông Phạm Hùng (51 tuổi, ở nhà thuê tại K96/145 Điện Biên Phủ) bị bệnh hiểm nghèo. Tối 5-8, nhóm của anh Quang đến thăm, tặng quà. Tới nhà thì mới hiểu thêm gia cảnh của ông Hùng, anh Quang tự nhủ sau đợt dịch sẽ tìm cách giúp đỡ thêm nhưng chiều hôm sau ông Hùng đã ra đi. Cầm 3 triệu đồng của nhóm hỗ trợ mai táng, bà Phượng - vợ ông Hùng - rưng rưng xúc động. 

Nhiều người có nhà dọc hai bên tuyến đường Thái Thị Bôi (thuộc phường Chính Gián) cũng rất quen thuộc với âm thanh xào xạc và hình ảnh hai phụ nữ trên đường phố nhặt từng loại rác vứt bừa bãi trên đường vào những đêm khuya. Một số người ở khu phố Tân Sinh B2, phường Chính Gián, đã góp chút quà dành tặng các chị để thay lời cảm ơn của những người dân nơi đây. Được biết, các chị đều là công nhân Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê, hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, đã gắn bó sớm tối với con đường Thái Thị Bôi 5 năm rồi. Ông Lê Đình Ngại, Bí thư Chi bộ khu dân cư Tân Sinh B2 cho rằng, việc làm của nhóm thiện nguyện cũng như tấm lòng của bà con các tổ dân phố ở đây rất đáng được biểu dương, khích lệ, bởi đó không chỉ là sự sẻ chia về vật chất, mà cái lớn hơn là tấm lòng, là tình đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, dịch bệnh. 

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.