Số ca nhiễm Covid-19 mới giảm nhưng tính chất vẫn phức tạp

.

Trong những ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn Đà Nẵng tuy có giảm nhưng tính chất vẫn rất phức tạp khi ghi nhận các tiểu thương kinh doanh tại các chợ nhiễm Covid-19. Thành phố tiếp tục quán triệt các biện pháp phòng, chống Covid-19 ở mức cao; nâng mức cảnh báo tại các chợ, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đó là những vấn đề chính được nêu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố vào chiều 24-8 do Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Lê Trung Chinh chủ trì.

Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống Covid-19 ở chợ. Trong ảnh: Người dân đi chợ Đầu mối  Hòa Cường. Ảnh: PHAN CHUNG
Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống Covid-19 ở chợ. Trong ảnh: Người dân đi chợ Đầu mối Hòa Cường. Ảnh: PHAN CHUNG

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, tính đến thời điểm này, lực lượng y tế đã lấy tổng cộng 12.000 mẫu bệnh phẩm đối với các tiểu thương, người dân liên quan đến một số chợ trên địa bàn thành phố. Trong đó, hơn 1.400 tiểu thương chợ Đầu mối Hòa Cường đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Riêng tại quận Thanh Khê, sau khi ghi nhận 4 ca nhiễm Covid-19 mới, ngành y tế đã lấy hơn 2.270 mẫu là tiểu thương, người tiếp xúc gần, đồng thời lấy hơn 2.000 mẫu đối với người đi chợ có tiếp xúc.

Hiện các địa phương đang gấp rút điều tra dịch tễ, xác định các trường hợp liên quan đến các ca nhiễm là tiểu thương ở chợ. Quận Ngũ Hành Sơn, quận Sơn Trà đang rà soát những trường hợp liên quan đến ca nhiễm có đến chợ Hà Thân. Trong khi đó, UBND quận Hải Châu đã xác định 60 trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm tại chợ trên địa bàn quận Thanh Khê, đồng thời đóng cửa 28 sạp kinh doanh và rà soát 200 người liên quan tại chợ Cồn để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương cho biết, việc kiểm soát, phân luồng ra vào các chợ truyền thống vẫn được siết chặt. Ngoài việc người dân được phát phiếu đi chợ ngày chẵn, lẻ thì các chợ đều tổ chức rào bao phân luồng ra, vào chợ tại các cổng kiểm soát. Các tiểu thương và người tham gia mua bán đều phải thực hiện đeo khẩu trang 100%, sát khuẩn và đo nhiệt độ mỗi ngày, mỗi lượt người... “Để bảo đảm an toàn trong các chợ, chúng tôi đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục chủ trì thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trên địa bàn thành phố cho đến khi có thông báo mới của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố. Ngoài ra, cũng đề nghị ngành y tế, ngoài việc kiểm soát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm đối với các tiểu thương, người dân ở chợ, cần mở rộng và điều tra kỹ yếu tố dịch tễ là người quen, người thân, cộng đồng khu dân cư đối với những tiểu thương nhiễm Covid-19”, ông Bắc cho biết.

Liên quan đến việc xét nghiệm trên diện rộng mà các địa phương đề xuất, Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết, ưu tiên số một hiện nay là tập trung xét nghiệm đối với F1 và những trường hợp đến khám tại các cơ sở y tế nhưng có biểu hiện ho, sốt, khó thở. Hiện ngành y tế đã thực hiện xét nghiệm hơn 4.300 trường hợp sốt, ho khi đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, qua đó phát hiện 6 trường hợp dương tính. “Tình hình dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp, việc xét nghiệm rất tốn kém nhân lực và chi phí, chính vì thế cần có trọng tâm, trọng điểm và nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá nguy cơ. Về việc xét nghiệm trên diện rộng, đề nghị CDC Đà Nẵng có văn bản về quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện xét nghiệm để đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố có căn cứ, cơ sở triển khai xét nghiệm, chúng ta phải tiết kiệm nhân lực, chi phí, sinh phẩm vì cuộc chiến này còn dài”, bác sĩ Yến cho biết.

Xử lý nghiêm vi phạm phòng, chống Covid-19

Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Lê Trung Chinh nhìn nhận, việc xét nghiệm vẫn rất cần thiết và tiếp tục được đẩy nhanh về tốc độ, số lượng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, ngành y tế và các địa phương cần có sự phối hợp, thống nhất thông qua những kế hoạch cụ thể, bảo đảm tính tiện lợi, hiệu quả và không lãng phí. Song song với công tác điều trị, cách ly, xét nghiệm, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

“Chúng ta đã triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát nhưng vẫn còn tình trạng tụ tập đông người, tổ chức ăn nhậu, bán hàng rong tái diễn trở lại, một số hộ dân tự ý kinh doanh, xây dựng công trình. Để bảo đảm an toàn, đề nghị các địa phương tiếp tục quán triệt, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chỉ đạo. Theo Văn phòng UBND thành phố, trong 3 ngày qua, các địa phương đã xử phạt 177 trường hợp vi phạm, nâng tổng số trường hợp bị xử lý lên hơn 1.500 trường hợp, với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Hiện nay, UBND thành phố bắt đầu triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do Covid-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đề nghị các địa phương bám sát các văn bản, chủ trương có tính pháp lý để rà soát, đề xuất các trường hợp hỗ trợ một cách chính xác, bảo đảm công bằng, khách quan.

Tính đến thời điểm hiện tại, thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận hơn 51 tỷ đồng từ hơn 450 cá nhân, đơn vị cùng hàng triệu sản phẩm, thiết bị, mặt hàng từ hơn 150 cá nhân, đơn vị hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Hiện các địa phương đang rà soát những trường hợp khó khăn trong thời gian cách ly để có biện pháp hỗ trợ kịp thời theo chủ trương của thành phố.

Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT sắp tới, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố yêu cầu Sở Y tế, Sở GD-ĐT lập kế hoạch cụ thể, thực hiện xét nghiệm cho khoảng 14.000 học sinh và cán bộ coi thi trên địa bàn thành phố. Việc xét nghiệm vẫn tiếp tục được đẩy nhanh tốc độ, xây dựng kế hoạch mở rộng xét nghiệm, nhất là những khu chợ, khu công nghiệp, những điểm nóng, khu vực phong tỏa, khu vực có bệnh nhân Covid-19 phát hiện tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, cần tập trung công tác tuyên truyền, yêu cầu những người lấy mẫu xét nghiệm trong khi chờ kết quả xét nghiệm phải tuyệt đối cách ly ở nhà, không tiếp xúc, đi lại ngoài phạm vi nhà ở; đồng thời tổ chức giám sát việc thực hiện yêu cầu này. “Đề nghị người dân trên địa bàn thành phố, bất kỳ ai có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, rát họng, đau họng…, nghi ngờ mắc Covid-19 phải thông báo cho cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch; không tự ý đi mua thuốc hoặc nhờ người thân, người quen mua thuốc tại các hiệu thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

* Tính đến 18 giờ ngày 24-8, tổng số ca mắc trong nước và ca bệnh xâm nhập tại Việt Nam là 1.022 người, 680 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 540 ca. Toàn quốc ghi nhận 27 ca tử vong.

PHAN CHUNG

14 ca Covid-19 xuất viện

Ngày 24-8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang cho xuất viện 14 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi. Các bệnh nhân xuất viện gồm bệnh nhân số 501, 570, 607, 652, 654, 708, 709, 741, 845, 918, 807, 915, 922 và 582. Thời điểm xuất viện, các bệnh nhân không sốt, ho, khó thở, âm tính 3-6 lần với SARS-CoV-2. Tính đến thời điểm hiện tại, ngành y tế đã điều trị khỏi và cho xuất viện 132 bệnh nhân nhiễm Covid-19, còn 217 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 24 trường hợp hồi sức cấp cứu, 2 trường hợp chạy ECMO, 4 trường hợp lọc máu, 7 trường hợp thở máy.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT  đợt 2 chính thức diễn ra  từ ngày 2 đến 4-9

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 diễn ra vào chiều 24-8 tại trụ sở Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 chính thức diễn ra từ ngày 2 đến 4-9. Cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì.

Theo đó, hơn 26.000 thí sinh tham gia kỳ thi đợt 2 thuộc thành phố Đà Nẵng; 6 huyện, thị xã tỉnh Quảng Nam; thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và những thí sinh thuộc diện F1, F2 tại các địa phương khác trên cả nước chưa tham gia đợt thi lần 1. “Dù có ít thí sinh tham dự kỳ thi đợt 2 nhưng Bộ GD-ĐT thực hiện nghiêm túc mục tiêu kép: tuyệt đối an toàn về sức khỏe; bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, trung thực”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định. Để kỳ thi đợt 2 diễn ra nghiêm túc như đợt 1, công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, thành lập Hội đồng thi; công tác phòng, chống Covid-19 tại các Hội đồng thi thực hiện đúng theo Công điện 1224/CĐ-BCĐ của Bộ Y tế.

Liên quan đến việc tổ chức đợt 2 kỳ thi, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ tiếp tục huy động lực lượng công an vào cuộc với quyết tâm đạt kết quả tốt nhất, đáp ứng mong muốn của xã hội.

(TTXVN/Vietnam+)

Hỗ trợ 171 thí sinh Đà Nẵng đang ở ngoài thành phố về thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2020

Chiều 24-8, UBND thành phố có văn bản về việc hỗ trợ thí sinh đang ở ngoài thành phố Đà Nẵng trở về tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2. Theo đó, UBND thành phố giao Sở GD-ĐT phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện hỗ trợ tất cả thí sinh Đà Nẵng đang ở ngoài thành phố được trở về tham dự kỳ thi tại Hội đồng thi Đà Nẵng trước ngày 31-8; hỗ trợ tất cả thí sinh các tỉnh đang ở Đà Nẵng được dự thi tại Hội đồng thi Đà Nẵng khi có đề xuất bằng văn bản của Sở GD-ĐT các tỉnh. Cụ thể, Sở GD-ĐT thông tin đến thí sinh và phụ huynh việc hỗ trợ thí sinh trở về thành phố; yêu cầu thí sinh sau khi qua chốt kiểm soát, đến tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (số 315, đường Phan Châu Trinh, quận Hải Châu) để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi về nhà; bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch trong suốt quá trình di chuyển; phối hợp với Sở GD-ĐT các tỉnh có thí sinh đang ở Đà Nẵng để hỗ trợ, bảo đảm các thí sinh được tham gia kỳ thi. Công an thành phố chỉ đạo lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn, kiểm soát, đối chiếu theo danh sách của Sở GD-ĐT, cho phép số thí sinh trên trở về từ phía Quảng Nam và Thừa Thiên Huế được qua chốt kiểm soát. Sở Y tế phối hợp Sở GD-ĐT tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các thí sinh ở ngoài thành phố trở về. Theo Sở GD-ĐT thành phố, có tổng số 171 học sinh Đà Nẵng đang ở các tỉnh, thành ngoài thành phố bị mắc kẹt trong đợt dịch lần này.

NGỌC PHÚ


 


 

;
;
.
.
.
.
.