Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch, phân luồng khám, chữa bệnh

.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh do SARS-CoV-2 vẫn còn diễn biến phức tạp. Qua phân tích sự lây nhiễm của virus, Bộ Y tế khuyến cáo trong 10 ngày tới, chính quyền các cấp cần triển khai các biện pháp quyết liệt, triệt để, người dân cần tuân thủ thực hiện nghiêm các hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng xung quanh vấn đề này.

Đà Nẵng tập trung toàn lực, tranh thủ mọi nguồn hỗ trợ, quyết liệt trong cuộc chiến chống Covid-19 được dự đoán còn phức tạp, căng thẳng, đặc biệt trong 10 ngày tới. TRONG ẢNH: Đoàn công tác y tế tỉnh Bình Định đến làm nhiệm vụ tại Đà Nẵng ngày 6-8.Ảnh: XUÂN SƠN
Đà Nẵng tập trung toàn lực, tranh thủ mọi nguồn hỗ trợ, quyết liệt trong cuộc chiến chống Covid-19 được dự đoán còn phức tạp, căng thẳng, đặc biệt trong 10 ngày tới. TRONG ẢNH: Đoàn công tác y tế tỉnh Bình Định đến làm nhiệm vụ tại Đà Nẵng ngày 6-8.Ảnh: XUÂN SƠN

* Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống Covid-19 tại Đà Nẵng?

- Kể từ khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 vào ngày 25-7, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhanh chóng, quyết liệt các biện pháp cần thiết, trong đó việc phong tỏa 3 bệnh viện và cụm dân cư xung quanh 3 bệnh viện này là việc làm kịp thời, cần thiết để khoanh vùng, cô lập yếu tố nguy cơ. Có thể nhận thấy, số ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng tăng nhanh, trong đó có nhiều nhân viên y tế phải cách ly, nhiễm bệnh nhưng chính quyền thành phố Đà Nẵng đã kịp thời điều phối nhân lực, thiết bị để phù hợp với tình hình mới. Lực lượng y tế địa phương với sự hỗ trợ, tăng cường của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh… đã tiếp nhận, thu dung điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Do một số cơ sở y tế chủ lực bị phong tỏa, Đà Nẵng phải chuẩn bị và thay đổi kế hoạch điều trị khi thành lập các bệnh viện dã chiến. Ngoài ra, công tác điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly, thành lập các Tổ công tác Covid-19 tại cộng đồng cũng được triển khai đồng loạt, kịp thời. Bộ Y tế đánh giá cao sự quyết tâm vào cuộc của địa phương trước tình hình dịch có diễn biến phức tạp, khó lường. Tất nhiên, chúng ta vẫn không thể chủ quan, mà phải làm tốt hơn nữa.

*Ông cho rằng “10 ngày nữa sẽ tới đỉnh dịch”, cụ thể vấn đề này là như thế nào?

- Ngoài số ca nhiễm ghi nhận tại Bệnh viện Đà Nẵng, gồm bệnh nhân, người thăm nuôi, nhân viên y tế, chúng tôi còn ghi nhận thêm 14 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Điều đó có nghĩa, bên cạnh những bệnh nhân đã truy vết được thì ở một số nơi đã xuất hiện bệnh nhân không liên quan đến 3 bệnh viện đang phong tỏa là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng. Điều đó có nghĩa là việc truy vết F0 tại Đà Nẵng không còn là ưu tiên hàng đầu nữa bởi dịch đã lây lan trong cộng đồng.

Qua phân tích sự lây nhiễm của virus, chúng tôi dự báo số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng và đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới. Vì thế, ít ngày tới đây, số ca dương tính có thể sẽ tăng lên nên tuyệt đối chúng ta không quá hoang mang và chủ quan. Mục tiêu của chúng ta bây giờ là sử dụng xét nghiệm kháng thể phát hiện những ca dương tính trong cộng đồng. Những trường hợp dương tính kháng thể có nghĩa là những trường hợp đã nhiễm lâu rồi và chúng ta sẽ phải truy vết xung quanh trường hợp đó bằng kỹ thuật RT-PCR để tìm xem có những trường hợp nào bị lây nhiễm trong thời gian gần đây hay không.

* Như vậy hệ thống cơ sở y tế có vai trò như thế nào trong công tác phòng, chống dịch?

- Đà Nẵng đang đối mặt với vấn đề thiếu nhân lực y tế, trong đó liên quan đến việc một số cơ sở y tế phải phong tỏa, cách ly do có bệnh nhân nhiễm Covid-19. Chính vì thế, ngay khi nhận thấy bệnh viện là nơi phát hiện các ca nhiễm Covid-19, Bộ Y tế đã cử ngay 6 đội là lực lượng tinh nhuệ, có chuyên môn vào hỗ trợ Đà Nẵng.

Ngoài ra, nhân lực y tế các tỉnh, thành khác cũng tình nguyện tham gia hỗ trợ Đà Nẵng tham gia công tác điều trị, truy vết, hỗ trợ tăng năng lực xét nghiệm kháng thể và kháng nguyên đối với virus. Hiện một số bệnh viện đã được phong tỏa để bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm. Riêng Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng đang được làm sạch mỗi ngày, thông qua việc kiểm soát nhiễm khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm nhân viên y tế, tiến hành khử trùng toàn bộ bệnh viện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (trái) kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện 199, Bộ Công an. Ảnh: PHAN CHUNG
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (trái) kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện 199, Bộ Công an. Ảnh: PHAN CHUNG

Để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh số ca nhiễm có thể tăng lên mỗi ngày, ngành y tế thành phố cần quán triệt, tập trung phân luồng, triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại các bệnh viện, xây dựng hệ thống cảnh báo bệnh lý về hô hấp và có sự phân luồng cụ thể trong công tác khám, chữa bệnh. Đây là biện pháp cần thiết, không chỉ bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe thông thường mà còn sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, không gian trong tình huống phải ứng phó với dịch bệnh.

* Vai trò của người dân trong cuộc chiến này như thế nào, thưa ông?

- Sau khi ghi nhận tình hình dịch bệnh, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 đã họp và rất quan tâm đến tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng. Thành phố cũng đã áp dụng các Chỉ thị 19/CT-TTg sau đó là Chỉ thị 16/CT-TTg để quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, số ca nhiễm đã xuất hiện trong cộng đồng. Mặc dù ngành y tế đã và đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ điều tra dịch tễ, xét nghiệm, truy vết nhưng vẫn rất khó khăn và nhận định số ca nhiễm sẽ có thể tăng lên trong những ngày tới.

Chính vì thế, trong bối cảnh này, vai trò của người dân là hết sức quan trọng, cùng chung tay với chính quyền thành phố để đẩy lùi dịch bệnh. Cụ thể, phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg, trong đó thực hiện nghiêm việc người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, tổ, thôn cách ly với tổ, thôn. Thường xuyên sát khuẩn tay bằng xà phòng, mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về lây nhiễm trong bệnh viện

Ngày 6-8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay. Phát biểu tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đang nỗ lực phòng, chống tại ổ dịch Đà Nẵng. Với tốc độ lây nhiễm nhanh, nguy cơ lớn nhất hiện nay gồm: bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng. Trên thực tế, một số địa phương vẫn còn chủ quan, lơi lỏng, “nghĩ ổ dịch chỉ ở Đà Nẵng”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các cơ sở y tế, bệnh viện tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh; quy định về khám, chữa bệnh như đeo khẩu trang, giãn cách…

Liên quan đến công tác xét nghiệm, các chuyên gia nhấn mạnh khi có những sự cố như tại ổ dịch Đà Nẵng, việc xét nghiệm kháng thể là nhằm đánh giá nguy cơ, mức độ lây nhiễm dịch bệnh; sau đó cần tăng cường xét nghiệm kháng nguyên Realtime RT-PCR để phát hiện chính xác các ca nhiễm. Các thành viên Ban chỉ đạo nêu rõ với nguy cơ lây lan dịch bệnh thường trực trên cả nước thì cần nêu trách nhiệm của người đứng đầu các tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo nghiêm quy định hướng dẫn của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất Thủ tướng có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan tới trách nhiệm thuộc về trưởng ban chỉ đạo - người đứng đầu địa phương. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các bệnh viện tiếp tục thực hiện quy định hướng dẫn khám, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành; trong đó đảm bảo phân luồng, phân tuyến cho người đến khám, chữa bệnh. Theo Ban Chỉ đạo, từ thời điểm này trở đi, nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong bệnh viện như Đà Nẵng thì người đứng đầu bệnh viện và cơ quan chủ quản phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại một số tỉnh, thành phố.

Theo TTXVN/Vietnam+

Khẩn trương xét nghiệm 6 nhóm đối tượng

Chiều 6-8, phát biểu kết luận tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố với các quận, huyện, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để đưa bệnh viện dã chiến vào hoạt động. Bên cạnh đó, “cách ly - xét nghiệm - tìm vết - chữa trị” là quy trình quan trọng để khoanh vùng và dập dịch và công việc quan trọng nhất hiện nay là phải bảo đảm “truy vết” các F1 trong cộng đồng để tránh lây lan Covid-19.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu có 6 nhóm đối tượng cần phải khẩn trương xét nghiệm gồm: những người nghi nhiễm có biểu hiện mắc Covid-19; các F1; các hộ dân xung quanh vùng phong tỏa; toàn bộ nhân viên y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; cán bộ, nhân viên tại UBND các quận, huyện và những người tới Bệnh viện Đà Nẵng từ 1-7. Chủ tịch UBND các quận, huyện, các đơn vị có liên quan phải rà soát mỗi ngày bởi hiện nay có tình trạng người dân ra ngoài đường nhiều hơn, xuất hiện một số nhóm tụ tập…; chính vì vậy, cần nghiêm túc tăng cường kiểm tra, cảnh giác, tránh tình trạng chủ quan với dịch bệnh. Thành phố đề nghị Sở Giao thông vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố, Sở Thông tin - Truyền thông có thể sử dụng các camera giao thông, camera đường phố… để có đánh giá đầy đủ về việc đi lại của người dân. Qua báo cáo từ các quận, huyện, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, công tác khoanh vùng tại các địa phương tương đối tốt nhưng cũng tránh việc chủ quan.

Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết, việc tăng cường xét nghiệm 6 nhóm đối tượng đặt ra yêu cầu phải xét nghiệm cho khoảng 50.000 trường hợp. Hiện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (CDC) đã lấy mẫu xét nghiệm của 33.177 trường hợp. Việc thực hiện cách ly xã hội của người dân là vô cùng quan trọng, bởi lẽ 71,6% số bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng như ho, sốt...

M.QUẾ

 Tăng cường điều tra dịch tễ

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, hiện nay công tác điều tra dịch tễ, lịch trình đi lại, tiếp xúc của bệnh nhân nhiễm Covid-19 gặp nhiều khó khăn, gây trở ngại cho ngành y tế trong công tác khoanh vùng, xác định yếu tố nguy cơ. Một trong những nguyên nhân do bệnh nhân khi nhiễm bệnh có nền bệnh nặng, tâm lý lo lắng, thời gian khai thác thông tin gấp nên có xảy ra tình trạng thiếu thông tin dịch tễ.

Trên thực tế đó, bắt đầu từ ngày 6-8, Sở Y tế yêu cầu các trường hợp đang cách ly y tế phải thực hiện khai báo y tế, lộ trình di chuyển và quá trình tiếp xúc trong vòng 14 ngày. “Trong vòng 48 giờ kể từ khi các trường hợp thực hiện cách ly y tế, cán bộ phụ trách cơ sở cách ly phải tiếp nhận tờ khai y tế từ người khai báo và quản lý tờ khai y tế. Trong trường hợp người cách ly y tế dương tính với SARS-CoV-2, cán bộ phụ trách cơ sở cách ly phối hợp cung cấp tờ khai y tế của người được cách ly cho ngành y tế để rút ngắn thời gian triển khai các biện pháp cần thiết”, bác sĩ Yến cho biết.

Thông tuyến khám, chữa bệnh đối với các bệnh viện bị cách ly   

Nhằm bảo đảm quyền lợi người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và chủ động điều tiết nguồn bệnh nhân có đầu thẻ khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại các bệnh viện đã bị cách ly y tế, Sở Y tế vừa có công văn hướng dẫn việc khám, chữa bệnh BHYT đối với bệnh viện bị cách ly y tế trong thời gian phòng, chống Covid-19. Cụ thể, đối với trường hợp bệnh nhân có thẻ BHYT ban đầu đăng ký tại tuyến thành phố/Trung ương mà các bệnh viện này bị cách ly y tế, khi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối thành phố, bệnh viện đa khoa tuyến thành phố/Trung ương, tuyến quận/huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thì vẫn được hưởng đúng quyền lợi ghi trên thẻ BHYT.

Đối với trường hợp bệnh nhân có thẻ BHYT ban đầu đăng ký tại tuyến quận/huyện mà các bệnh viện này bị cách ly y tế, khi khám, chữa bệnh tại tuyến quận/huyện thì được hưởng quyền lợi đúng tuyến như quy định của Luật BHYT; trong trường hợp bệnh diễn biến nặng hoặc chuyển tuyến trên điều trị thì được coi là đúng tuyến và được hưởng đúng quyền lợi ghi trên thẻ BHYT. Đến thời điểm hiện tại,  Đà Nẵng có 5 cơ sở y tế bị cách ly gồm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế quận Hải Châu và Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ.

Khử khuẩn, tẩy độc tại 26 khu vực

UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tiến hành khử khuẩn, tẩy độc và xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao, không để cho dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất lây nhiễm chéo trong cộng đồng trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ có 26 khu vực được khử khuẩn, tẩy độc trên các địa bàn quận Hải Châu (4 khu vực), huyện Hòa Vang (3 khu vực), quận Ngũ Hành Sơn (5 khu vực), quận Cẩm Lệ (4 khu vực), quận Thanh Khê (2 khu vực) và quận Liên Chiểu (8 khu vực).

UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, hoang mang, dao động.

PHAN CHUNG

PHAN CHUNG


 

;
;
.
.
.
.
.