Trách nhiệm người đứng đầu trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19

.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là sự tin tưởng, đồng sức, đồng lòng của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Xác định “cuộc chiến còn dài”, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ, huy động sức mạnh toàn dân nhằm chiến thắng dịch bệnh. Trong đó, chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu cần phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả trước từng cấp độ dịch Covid-19.

Chiều 21/8/2020, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và một số tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chiều 21-8-2020, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và một số tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thực hiện mục tiêu kép

Ngay từ khi dịch Covid-19bùng phát, Chính phủ đã kích hoạt các biện pháp phòng, chống nhằm kiên định mục tiêu cao nhất là “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân". Việt Nam thực hiện nghiêm 5 nguyên tắc (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch), kết hợp với phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), cùng các biện pháp khuyến cáo người dân kịp thời, đúng lúc (như thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn, thực hiện giãn cách xã hội…).

Ngay từ những ngày đầu chống dịch, tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương sẵn sàng ứng phó với các tình huống phòng, chống dịch; hạn chế thấp nhất tử vong; bảo đảm cung cấp đủ phương tiện, vật tư, thuốc, trang thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch. Theo đó, người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tại các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt sâu sắc tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của người dân, người đứng đầu các địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện 5 nguyên tắc, phương châm 4 tại chỗ và triển khai phù hợp, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trên từng địa bàn, khu dân cư. Do đó, đến trước ngày 22-7, Việt Nam đã trải qua gần 100 ngày không có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

Việc xuất hiện hàng loạt ca bệnh Covid-19tại ổ dịch Đà Nẵng bắt đầu từ ngày 23-7, sau đó lan sang các địa phương khác trên cả nước, đã chuyển tình hình dịch Covid-19tại Việt Nam bước sang giai đoạn mới. Các chuyên gia nhận định, đây là giai đoạn “khó khăn hơn, phức tạp hơn cả về quy mô và tính chất”. Hơn 800.000 người trở về từ Đà Nẵng đã khiến nguy cơ dịch bệnh thường trực tại nhiều địa phương trên cả nước, ổ dịch mới có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo, cả nước có thể xuất hiện chùm ca bệnh trong cộng đồng do chủng virus SARS-CoV-2 đã biến đổi gene, tăng khả năng bám dính cũng như tốc độ lây nhiễm nhanh chóng.

Sau 8 tháng căng mình chống dịch, đến 18 giờ ngày 22-8, Việt Nam đã ghi nhận 1.014 ca mắc Covid-19. Đáng lưu ý, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng (từ ngày 23-7 đến 22-8) cả nước đã ghi nhận 532 trường hợp lây nhiễm tại 15 tỉnh, thành phố, nhiều hơn tổng số ca nhiễm trong 7 tháng trước đó. Trong khi đó, bước vào đợt dịch này, Việt Nam phải đối mặt với sức ép lớn để thực hiện mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới: Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Quyết không chùn bước trước dịch Covid-19!”, quyết tâm không để dịch bùng phát trên diện rộng, người đứng đầu các địa phương chuyển sang giai đoạn “ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn bình thường mới”, vai trò càng lớn, trách nhiệm càng cao, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, kiên quyết chặn đứng nguồn lây từ các ổ dịch.

Chủ động ứng phó từng cấp độ dịch

Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh luôn rình rập trên phạm vi rộng, các chuyên gia cho rằng, hơn bao giờ hết, người đứng đầu các tỉnh, thành phố càng phải nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định, hướng dẫn của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các bộ, ngành chức năng về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong phiên họp mới đây của Chính phủ bàn giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xác định trách nhiệm người đứng đầu trong bao quát công tác phòng, chống dịch; nếu xuất hiện ca bệnh phải khoanh vùng kịp thời, không để dịch lây lan diện rộng.

Tại Đà Nẵng, ngay sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19đầu tiên vào ngày 23-7, chính quyền thành phố đã bình tĩnh, chủ động, triển khai nghiêm túc, bài bản và đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, sâu sát của Trung ương và các địa phương bạn, sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân, đến nay Đà Nẵng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, số trường hợp mới mắc Covid-19 đã giảm mạnh trong những ngày gần đây. Nhiều địa phương khác như Quảng Nam, Đăk Lăk... nơi ghi nhận sự trở lại của dịch Covid-19, cũng đã kịp thời khống chế sự lây lan chủng virus đáng sợ này. 

Tuy vậy, với tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh miền Trung tiếp tục yêu cầu các lực lượng tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định yếu tố nguy cơ để triển khai biện pháp ngăn chặn triệt để dịch bệnh này.

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và lãnh đạo tỉnh Hải Dương kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch tại khu cách ly tập trung Ký túc xá trường Đại học Hải Dương. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và lãnh đạo tỉnh Hải Dương kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch tại khu cách ly tập trung Ký túc xá trường Đại học Hải Dương. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Tương tự, ngay sau khi phát hiện ca nhiễm SARS-COV-2 đầu tiên, thành phố Hải Dương lập tức thực hiện cách ly xã hội. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề nghị ngành Y tế nhanh chóng khôi phục toàn bộ hệ thống máy xét nghiệm Covid-19của 4 cơ sở tại địa phương, tiến hành xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng với dự kiến 1.500 mẫu/ngày.

Xác định nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao, Hải Dương tiếp tục triển khai quyết liệt biện pháp khoanh vùng, dập dịch, truy vết, xét nghiệm các trường hợp F1; đồng thời yêu cầu mở rộng xét nghiệm các trường hợp F2; lấy mẫu của nhân viên y tế và bệnh nhân ở các bệnh viện, phòng khám và khu vực nghi ngờ… trên tinh thần “tập trung truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể”. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, tỉnh Hải Dương đã triển khai mạnh mẽ, kịp thời, đúng đắn các giải pháp. Trong 3 ngày liên tiếp (từ ngày 19-21-8), địa phương không ghi nhận ca nhiễm mới, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát.

Với hơn 100 km biên giới, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính, 1 cửa khẩu phụ cùng nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch tiếp giáp biên giới, UBND tỉnh An Giang đã khẩn cấp chỉ đạo các địa phương, đặc biệt các huyện biên giới tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, không để lọt các trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới. Lãnh đạo tỉnh An Giang yêu cầu Công an tỉnh khởi tố, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; cơ sở lưu trú tiếp nhận người nhập cảnh trái phép, đặc biệt là cá nhân, tổ chức, đường dây đưa người từ nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, An Giang khởi động, kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bị động.

Nhằm tăng cường phòng, chống dịch Covid-19trong giai đoạn mới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công điện hỏa tốc yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo tổ chức lại hoạt động các tổ công tác của các thôn, bản, khu phố; bố trí mỗi thôn, khu có từ 1-2 tổ công tác phù hợp với tình hình thực tiễn và hiệu quả trong triển khai phòng, chống dịch. Theo đó, Tổ công tác có trách nhiệm kiểm soát biến động nhân khẩu trên địa bàn, nhất là tình hình người nước ngoài, người từ các địa phương khác về tạm trú, thuê nhà, thuê khách sạn; cập nhật thông tin vào tờ khai y tế; chủ động phát hiện các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm…

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các địa phương khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó chú ý duy trì 62 chốt chặn, với hàng trăm chiến sĩ trên tuyến biên giới, nhằm kiểm soát, ngăn chặn triệt để việc xuất nhập cảnh trái phép. Cùng với duy trì chốt kiểm soát, các đồn biên phòng ở Bình Phước còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân các xã vùng biên hiểu rõ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, để ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19, cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của tất cả các tỉnh, thành phố, trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu. Không một địa phương nào được phép lơi lỏng, chủ quan, cho rằng “ổ dịch chỉ ở Đà Nẵng - Quảng Nam”. Chỉ một mắt xích lỏng lẻo, quản lý không chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, thực hiện không nghiêm một trong các biện pháp phòng, chống dịch, thì mọi nỗ lực cố gắng và thành quả đã đạt được có thể bị vô hiệu hóa… Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc mời các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý nhập cảnh vào Việt Nam, đồng thời có biện pháp cách ly phù hợp, đảm bảo an toàn.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; tránh tâm thế trông chờ, thụ động; rà soát tất cả kịch bản ứng phó phòng, chống dịch trên nhiều cấp độ, trong đó chú ý nâng cao năng lực xét nghiệm Covid-19để truy vết, giám sát, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, khó lường, càng cần sự chủ động, quyết liệt, nhạy bén của người đứng đầu chính quyền các cấp. Trong việc mua sắm vật tư, máy móc, sinh phẩm..., nhiều địa phương đề nghị sớm tháo gỡ cơ chế, hướng dẫn về chuyên môn, tư vấn loại máy, hóa chất, vật tư để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua đó tránh những vụ việc đáng tiếc như vụ mua máy xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, làm sao để việc mua sắm máy móc, sinh phẩm bảo đảm thực hiện đúng quy định của Nhà nước, đồng thời đáp ứng kịp thời, hiệu quả yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Sự thành công của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19giai đoạn trước đây, đã chứng minh sức mạnh đoàn kết đồng lòng của toàn dân, toàn quân ta, trong đó có vai trò chủ động, tích cực của chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu các địa phương. “Đứng mũi, chịu sào”, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc triển khai các biện pháp, quyết sách về phòng chống dịch bệnh, người đứng đầu chính quyền các cấp còn trực tiếp, đồng hành cùng nhân dân, chuyển tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ thành hành động kịp thời, hiệu quả, nhằm đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Theo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.