Việt Nam phải xác định phòng, chống Covid-19 là cuộc chiến trường kỳ

.

“Việt Nam phải xác định phòng, chống Covid-19 là cuộc chiến trường kỳ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sụt giảm, chúng ta là nước mới thoát nghèo, vì vậy phải thực hiện mục tiêu kép, phong tỏa chặn đứng nguồn lây nhưng vẫn phải duy trì hoạt động kinh tế - xã hội ở mức cần thiết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương về công tác phòng, chống Covid-19 vào chiều 21-8. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng chủ trì.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Tâm dịch đã được kiểm soát

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát, số trường hợp nhiễm mới ghi nhận giảm trong tuần gần đây. Tại Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, trong vòng một tuần qua, số ca nhiễm mới giảm dần, dao động từ 2 đến 6 ca. Những ca nhiễm này đều nằm trong sự kiểm soát, hầu hết là F1 nằm trong khu cách ly tập trung. Do đó có thể đánh giá thành phố đã có thể kiểm soát được số ca nhiễm mới.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, thành phố đang tập trung truy vết bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, đối tượng từng đến Bệnh viện Đà Nẵng còn sót lại. Hiện toàn thành phố đã truy vết 17.000 người liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng. Dự kiến trong thời gian tới sẽ mở rộng thêm các đối tượng. Những khu vực được dự báo nguy cơ vừa, nguy cơ thấp như chợ, khu vực quanh chợ đã được xét nghiệm. Ngoài ra, vùng cách ly, khu vực phong tỏa, cộng đồng dân cư lân cận được xem xét đưa vào diện xét nghiệm.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quốc gia, các bộ, ngành, địa phương vẫn xác định Đà Nẵng là tâm dịch, điểm nóng để tiếp tục có sự hỗ trợ trên nhiều phương diện; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, cũng như các gói hỗ trợ khác cho người lao động, doanh nghiệp.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dịch vẫn còn phức tạp nhưng đang trong tầm kiểm soát, kể cả ở những địa bàn phức tạp nhất như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các thành phố lớn. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành không được chủ quan, coi thường trong quá trình chỉ đạo mà phải tập trung làm hết sức mình, không để ổ dịch lây lan rộng trong cộng đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu ngành y tế nghiên cứu, nhận diện, chẩn đoán sớm việc mắc Covid-19 ở những bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt, khó thở. Những thay đổi đối với sức khỏe nhân dân ở mọi vùng phải được kiểm tra. Cùng với đó, ngành y tế chuẩn bị hệ thống y tế toàn quốc, nhất là ở những thành phố lớn, địa phương rộng để đối phó tình huống gia tăng bệnh nhân nặng. “Phải kiên quyết hơn nữa, kịp thời hơn nữa, không để tình trạng dịch bệnh lan rộng do chúng ta chưa đề cao cảnh giác. Tinh thần cảnh giác phải được báo động trong toàn bộ ngành y tế, nhất là các bệnh viện”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh.

Chọn phương án thi tốt nghiệp an toàn nhất cho học sinh

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đưa ra 2 phương án thi tốt nghiệp THTP đợt 2, năm 2020. Theo đó, phương án 1, dành cho các địa phương đã kiểm soát được dịch, có thể tổ chức thi vào 3 ngày cuối tháng 8. Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị đề thi cho phương án này, bảo đảm sự cân đối giữa đề thi vòng 1 với vòng 2, dự kiến sẽ có khoảng 16.353 thí sinh tham dự (của 6 huyện thị, thành phố của tỉnh Quảng Nam, Đắk Lắk, Lạng Sơn và 26 địa phương cho thí sinh diện F1, F2); Đà Nẵng thi sau theo ngày do thành phố Đà Nẵng đề xuất. Phương án 2, tất cả sẽ cùng thi với Đà Nẵng vào ngày 9 và 10-9 hoặc sớm lên vài ngày, nhưng không trùng với ngày khai giảng bởi sẽ gặp một số khó khăn trong công tác quản lý do cả nước đã bước vào năm học. Dù lựa chọn phương án nào thì công tác tổ chức thi phải bảo đảm an toàn.

Kiến nghị tại buổi họp với Thường trực Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đưa ra phương án thi cho Đà Nẵng vào ngày 9 và 10-9, bởi thời gian này tình hình dịch cơ bản được kiểm soát. Đà Nẵng đã chuẩn bị những phương án phòng, chống dịch bảo đảm để kỳ thi diễn ra an toàn. Trước khi thi, có thể xét nghiệm thần tốc trong 1 ngày cho toàn thể học sinh và cán bộ coi thi; đồng thời, trong phòng thi, các em tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống Covid-19. “Trong thời gian tới, chúng tôi cũng có biện pháp giám sát việc cách ly cộng đồng, không có trường hợp thí sinh, giáo viên có nguy cơ vào phòng thi để bảo đảm an toàn cho kỳ thi”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nói.

Liên quan đến phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GD-ĐT nên thảo luận với các địa phương, sớm trình phương án để Bộ quyết định và bàn với tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng - nơi có F1, F2 để sớm tổ chức kỳ thi cho các em trên tinh thần an toàn, chuẩn bị năm học mới phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện có dịch bệnh.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ.  Ảnh: NGỌC PHÚ
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ. Ảnh: NGỌC PHÚ

Trong khi đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Đà Nẵng với các quận huyện diễn ra tối 21-8, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Lê Thị Bích Thuận cũng cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi rất quan trọng, có ý nghĩa chọn ngành, chọn nghề; một số trường đại học tuyển sinh lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước tình hình Covid-19 phức tạp, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Sở Y tế tham mưu, kiến nghị tổ chức kỳ thi vào ngày 8 và 11-9 (trong đó ngày 11-9 thi dự phòng dành cho thí sinh thuộc F1, F2). “Sở sẽ điều động cán bộ coi thi theo đúng số lượng; rà soát thầy cô nếu có diện F2 sẽ không để đi coi thi và điều động đối với giáo viên dự phòng. Đồng thời phối hợp với Sở Y tế xét nghiệm 100% cho học sinh, cán bộ coi thi. Đối với thí sinh F1 và khu vực bị phong tỏa sẽ thi ở điểm thi dự phòng để bảo đảm tâm lý cho các em cũng như an toàn chống dịch. Sở Y tế trang bị khẩu trang đủ tiêu chuẩn cho cán bộ, thí sinh”, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Thị Bích Thuận cho hay.

Tại cuộc họp này, Sở GD-ĐT, Sở Y tế, các quận, huyện góp ý, thảo thuận và thống nhất dùng phương án thi vào ngày 9 và 11-9. Chỉ đạo vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, cần xem xét thời điểm thi hợp lý để phụ huynh yên tâm, ổn định tâm lý cho học sinh. Do đó, đề nghị Sở GD-ĐT, Sở Y tế, cùng các đơn vị trường học ngay từ ngày 22-8 tiến hành thảo luận kỹ, trên cơ sở đó báo cáo với Thường trực Thành ủy. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng cho rằng, cần tiếp tục phân tích kỹ để đưa ra nhận định và lựa chọn phương án phù hợp; cần phải tham khảo ý kiến phụ huynh, học sinh xem phương án nào phù hợp nhất, an tâm nhất để kỳ thi diễn ra an toàn, có kết quả tốt.

Kiểm soát chặt chẽ các khu cách ly, mở rộng đối tượng xét nghiệm

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, trong 2 ngày 20 và 21-8, đơn vị đã xử lý trên 12.000 mẫu, phát hiện 13 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; những trường hợp này nằm trong các khu cách ly. Liên quan đến đám tang tại kiệt 160 Trần Cao Vân, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho biết, đã có 139/141 trường hợp âm tính, 2 trường hợp đang nghi ngờ. Riêng bệnh nhân 987 (tiểu thương chợ Đầu Mối Hòa Cường) đã xác định 28 trường hợp F1, 26 trường hợp âm tính, 2 trường hợp đang chờ. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh bày tỏ lo lắng về vấn đề an toàn tại các khu cách ly, nghi ngờ có tình trạng lây nhiễm chéo. Vì vậy, CDC thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, kiểm tra.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng bày tỏ nghi ngờ có sự lây nhiễm chéo ở các khu cách ly khi nhiều ca lần đầu xét nghiệm âm tính nhưng khi gần kết thúc cách ly lại dương tính. Do đó, lực lượng chức năng phải lưu ý hơn công tác quản lý trật tự, quy định, bố trí phù hợp số người trong khu cách ly.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng tiếp tục nhấn mạnh không được chủ quan với những kết quả đạt được; đề nghị Sở Y tế phối hợp với các quận, huyện chấn chỉnh lại các khu cách ly, nhất là các khu cách ly ở khách sạn. Không loại trừ khả năng có tình trạng lây nhiễm chéo, do đó, không chỉ tập trung chống dịch ở bên ngoài mà cần tập trung tại các khu cách ly. “Trong thời gian đến, tiếp tục tiến hành xét nghiệm diện mở rộng hơn, nhất là đối tượng đánh giá có nguy cơ lây nhiễm. Các địa phương phải xác định đâu là những điểm cần mở rộng xét nghiệm để đề xuất. Hiện vẫn chưa thể đánh giá được dịch trong cộng đồng đã hết bởi chưa thể xét nghiệm hết được. Do đó, phải xét nghiệm ở cả các chợ nhỏ, khu công nghiệp…”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

* Tính đến 18 giờ ngày 21-8, Việt Nam có 667 ca Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Trong đó, số ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 527 người. Tổng số ca mắc trong nước và ca bệnh xâm nhập tại Việt Nam là 1.009 người. 25 ca tử vong.

Tổ chức khai giảng và học trực tuyến

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Thị Bích Thuận cho biết, hiện ngành GD-ĐT thành phố đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới, như hoàn thiện công tác tuyển sinh, giáo viên, cơ sở vật chất. Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Đà Nẵng vẫn tiến hành khai giảng theo hình thức trực tuyến vào ngày 5-9. Sau ngày khai giảng sẽ tiến hành dạy trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Khi đi học trở lại, tiến hành ôn tập, củng cố kiến thức và tiến hành dạy bài mới.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.