Doanh nghiệp bảo đảm an toàn cho người lao động

.

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN) đã sớm có sáng kiến phòng, chống dịch hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động.

Khu nhà ăn công nhân của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam được lập vách ngăn theo từng khoang để bảo đảm phòng, chống Covid-19. Ảnh: TRỌNG HÙNG
Khu nhà ăn công nhân của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam được lập vách ngăn theo từng khoang để bảo đảm phòng, chống Covid-19. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Đến Công ty TNHH Daiwa Việt Nam ở KCN Hòa Khánh vào đầu giờ sáng giữa tuần, chúng tôi nhận thấy công tác phòng, chống Covid-19 tại đây được thực hiện rất tốt. Ngay sau khi đăng ký thông tin ở phòng bảo vệ, chúng tôi được đo thân nhiệt trước khi vào bên trong.

Quan sát cho thấy, tại khu nhà xưởng, công nhân được ngồi với khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang khi làm việc. Chị Lê Thị Diễm, công nhân Công ty TNHH Daiwa Việt Nam cho biết: “Khi Covid-19 bùng phát trở lại, công ty kiểm soát nghiêm việc ra, vào cổng.

Công nhân được đo thân nhiệt, nếu phát hiện sức khỏe bất thường, bảo vệ sẽ không để người đó vào làm việc và báo ban lãnh đạo công ty để có hướng giải quyết, giúp đỡ. Nhưng rất may, gần một tháng qua không có công nhân nào có dấu hiệu liên quan đến Covid-19. Trong quá trình sản xuất, công ty liên tục nhắc nhở công nhân thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch cồn sát khuẩn, công nhân hạn chế tiếp xúc với nhau trong giờ nghỉ”.

Chị Trần Thị Hải Lê, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS), Trưởng phòng Chất lượng cần của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam cho hay, từ khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 16/CT-TTg thực hiện “cách ly xã hội”, Ban Chấp hành Công đoàn đã tham mưu cho lãnh đạo công ty gấp rút dựng vách ngăn bếp ăn tập thể, mỗi người lao động ngồi một khoang riêng để giữ khoảng cách.

“Công việc trong công ty là sản xuất cần câu cá, nên có nhiều khâu không cần ngồi theo dây chuyền như các công ty khác, vì vậy cũng khá thuận lợi khi tạo khoảng cách an toàn cho người lao động làm việc”, chị Lê nói.

Tương tự, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng tại KCN Hòa Khánh Nguyễn Thanh Tân cho biết, cùng với việc sớm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại DN, Công đoàn còn lập thêm nhóm phòng, chống dịch trên zalo bao gồm các thành viên của ban chỉ đạo và cán bộ quản lý từ tổ trưởng trở lên nhằm kịp thời trao đổi, nắm bắt tình hình tại từng bộ phận sản xuất và nơi người lao động (NLĐ) cư trú.

Bên cạnh đó, Công đoàn cũng đề xuất công ty thực hiện việc bố trí sắp xếp lại xưởng sản xuất cũng như khu vực nhà ăn bảo đảm khoảng cách an toàn. Nếu trước đây, mỗi bàn ăn phục vụ 10 NLĐ ngồi, nay chỉ được ngồi tối đa 5 người và có vách ngăn giữa mỗi người.

“Công ty xác định để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch”, anh Tân nói.
Tại KCN Hòa Cầm, Khu dịch vụ thủy sản Thọ Quang, việc lắp vách ngăn tại phòng ăn tập thể cũng được nhiều công ty áp dụng.

Bên cạnh đó, các công ty chủ động phòng ngừa bằng cách phun thuốc diệt khuẩn toàn bộ khu vực làm việc, chia nhiều giờ ăn ca để hạn chế đông người. Trong thời gian ăn uống, người lao động hạn chế nói chuyện.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Ban Quản lý đã thành lập 4 tổ công tác, tăng cường chỉ đạo và kiểm tra việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các DN, đồng thời triển khai các nhiệm vụ chuyên môn phù hợp trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý chủ động nắm bắt tình hình hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN; cung cấp thông tin cho DN về mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch; thực hiện việc báo cáo hằng ngày về tình hình Covid-19 trong KCN đến Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 của thành phố.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích