Chính trị - Xã hội

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (30-9-1910_30-9-2020)

Người chiến sĩ cách mạng kiên trung bất khuất

11:24, 30/09/2020 (GMT+7)

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30-9-1910, tại xã Vịnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 1919, Nguyễn Thị Vịnh theo học chữ Quốc ngữ tại Trường Nguyễn Trường Tộ, sau đó chuyển sang Trường tiểu học Cao Xuân Dục. Tại đây, Nguyễn Thị Vịnh được thầy giáo Trần Phú và các thầy cô giáo trong trường dìu dắt nên sớm giác ngộ cách mạng và bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - một trong những cán bộ kiên cường lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 11 năm 1940. (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - một trong những cán bộ kiên cường lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 11 năm 1940. (Ảnh tư liệu)

Năm 1927, khi mới 17 tuổi, Nguyễn Thị Vịnh gia nhập Việt Nam Cách mạng đảng lấy tên là Nguyễn Thị Minh Khai. Cuối năm 1927, đầu năm 1928, ở khu vực Vinh - Bến Thủy phong trào đấu tranh của công nhân bùng lên mạnh mẽ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí trong Hội đã tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền cách mạng, dạy học ban đêm... cho công nhân và bồi dưỡng những thành phần cốt cán để kết nạp vào Hội.

Đồng chí tích cực xuống các làng, xã xung quanh thành phố Vinh (Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu) tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân, vận động thành lập Nông hội. Hoạt động tích cực của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí trong tổ chức Việt Nam Cách mạng đảng đã góp phần lớn cho phong trào cách mạng ở Vinh mạnh lên.

Đây là những bước chuẩn bị rất quan trọng trong giai đoạn xây dựng hệ thống cơ sở đảng và các tổ chức quần chúng của Đông Dương Cộng sản Đảng; góp phần vào việc hợp nhất các tổ chức đảng, thành lập chính đảng duy nhất nhằm tập hợp lực lượng đấu tranh, đồng thời tổ chức được nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng - lực lượng nòng cốt của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã họp ở bán đảo Cửu Long (Hồng Kông) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, thống nhất lấy tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng ta, đứng trên lập trường Chủ nghĩa Mác - Lênin, lập trường giai cấp vô sản đấu tranh chống đế quốc xâm lược, đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

Cách mạng Việt Nam trong những năm 1931 - 1933 ở thời kỳ thoái trào, cơ quan của Đảng từ Trung ương đến cơ sở ở trong nước gần như không hoạt động được do kẻ thù khủng bố gắt gao. Cùng với các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn kiên trì hoạt động, giữ vững tinh thần để nhen nhóm lại ngọn lửa cách mạng, vượt qua khó khăn gian khổ, hy sinh để hoàn thành trọng trách mà cách mạng Việt Nam và Quốc tế Cộng sản giao phó là khôi phục phong trào cách mạng Việt Nam, lập lại các cơ quan lãnh đạo của Đảng trong những năm cách mạng gặp vô vàn khó khăn.

Giữa năm 1937, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai về Sài Gòn hoạt động, làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ, được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhận nhiệm vụ mới, hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn do sự truy lùng, vây bắt của kẻ thù, nhưng đồng chí vẫn luôn bám sát cơ sở, lãnh đạo phong trào phát triển mạnh mẽ.

Ngày 30-7-1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Pháp bắt. Biết đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là nhân vật quan trọng nên kẻ thù đã dùng đủ cực hình để tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn cương quyết không khai ra tổ chức và các đồng chí cùng hoạt động.

Sau khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bị khủng bố, tòa án thực dân buộc đồng chí nhận tội danh lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và kết án tử hình. Không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản, sáng ngày 28-8-1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí lãnh tụ kiên trung của Đảng như: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến,... xử bắn tại ngã tư Giềng Nước (nay là trước sân Bệnh viện huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Trước pháp trường, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hướng về phía đồng bào, nói những lời tâm huyết: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn Tổ quốc tôi được độc lập, dân tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì”.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Nguyễn Thị Minh khai có những đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng của Quốc tế Cộng sản. Giữa năm 1930, đồng chí được chuyển ra hoạt động tại Bắc Kỳ và sau đó tiếp tục sang hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc, công tác tại Văn phòng Ban Đông Phương của Quốc tế Cộng sản.

Tại môi trường hoạt động mới, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được giao nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam trong nước. Đồng chí rất nhanh quen với công việc mới và có nhiều tiến bộ. Giữa năm 1931, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị đặc vụ Quốc dân Đảng Trung Quốc ở Hồng Kông bắt giam rồi được trả tự do sau hơn hai năm bị tra tấn dã man. Ra tù, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tìm cách liên lạc với Đảng và hoạt động trong Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Đến giữa năm 1935, đồng chí được cử tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Mátxcơva (Liên Xô cũ).

Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, phiên họp thứ 40, ngày 16-8-1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã phát biểu tham luận với nội dung về vấn đề mâu thuẫn giai cấp và tương quan lực lượng ta - địch trong đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Dương; nêu ra những thành công và hạn chế trong công tác vận động và lãnh đạo binh lính thời gian qua; vấn đề đoàn kết quốc tế để bảo vệ phong trào cách mạng ở Đông Dương, bảo vệ Liên bang Xô Viết như một nhiệm vụ của những người cộng sản Đông Dương. Bài tham luận của đồng chí được đánh giá cao.

Tuy cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi, nhưng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã kịp hoàn thành nhiều công việc quan trọng của Đảng và nhân dân giao phó, để lại một tấm gương sáng về lòng yêu nước, kiên trung, bất khuất vì độc lập cho Tổ quốc, vì tự do cho nhân dân. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng cao quý của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được khắc ghi cho muôn đời sau.

S.TRUNG
(Tổng hợp từ tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương)

.