Lặng thầm tuyến cuối

.

Những ngày Covid-19 hoành hành, nếu y, bác sĩ là những chiến binh xông pha tuyến đầu chống dịch, thì lực lượng công nhân vệ sinh môi trường cũng là những chiến sĩ lặng thầm ở tuyến cuối phòng dịch. Hằng ngày, họ cần mẫn với công việc thu gom, xử lý rác thải nguy hại nhằm cắt đường nguồn lây, triệt tiêu mầm bệnh, góp phần phòng, chống dịch hiệu quả.

Hằng ngày, công nhân Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng làm việc tại lò đốt rác thải nguy hại phải tiếp xúc trực tiếp với rác mang nhiều mầm bệnh được chuyển đến từ các bệnh viện, khu cách ly.Ảnh:LAM PHƯƠNG
Hằng ngày, công nhân Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng làm việc tại lò đốt rác thải nguy hại phải tiếp xúc trực tiếp với rác mang nhiều mầm bệnh được chuyển đến từ các bệnh viện, khu cách ly. Ảnh: LAM PHƯƠNG

1. Hơn 9 giờ sáng, cái nắng ngày đầu thu bắt đầu oi bức. Từ cổng bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu), anh Võ Diệp Ngọc Quang, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Bãi và Xử lý chất thải (thuộc Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng) dẫn tôi vào khu xử lý chất thải nguy hại. Dù đã đeo hai lớp khẩu trang dày cộp, tôi vẫn suýt choáng bởi mùi hóa chất Cloramin B nồng nặc cộng với mùi ngai ngái đặc trưng của bãi rác xộc vào mũi. Thời tiết nóng bức cộng với mùi hôi khó chịu cảm giác thật bí bách, khó thở.

Ấy vậy mà ở lán trại bên trong, hai anh công nhân đang ngồi húp xì xụp ngon lành tô mỳ ăn liền. Tôi đoán chắc đó là bữa sáng của các anh. Cách nơi các anh ăn sáng hơn chục bước chân là lò đốt rác thải nguy hại đang hoạt động. Tiếng vận hành rào rào từ lò đốt át đi tiếng nói của chúng tôi. Theo anh Quang, đây là nơi đặt 2 lò đốt ST200 và ST80 chuyên xử lý rác thải nguy hại từ các bệnh viện, khu cách ly chuyển về.

Tôi gặp anh Trần Việt Quốc (45 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) khi anh đưa xe về bãi để xuống rác. Hơn 12 năm làm tài xế lái xe thu gom rác nguy hại từ các bệnh viện, anh Quốc dường như đã quen với công việc thầm lặng nhưng không kém phần hiểm nguy này. Vậy mà, những ngày đầu mùa dịch, nhất là trong đợt dịch thứ hai, khi Đà Nẵng là “tâm điểm”, anh Quốc thú nhận rằng có nhiều đêm mất ngủ vì lo. Anh lo nhỡ đâu trong một giây phút run rủi nào đó, con virus mang tên SARS-CoV-2 bám vào người. Rồi vô tình anh tiếp xúc với người thân, bạn bè, đồng nghiệp sẽ lây bệnh cho họ… Anh kể, nhiều đêm làm về mệt, lăn ra ngủ thiếp đi. Sáng thức dậy thấy người nhức mỏi, đầu óc lâng lâng, anh đâm ra lo lắng.

Vợ con thấy vậy cũng sốt ruột, đứng ngồi không yên… Nhưng rồi anh tự trấn an bản thân, động viên vợ con và khoác áo đi làm. Càng lo, anh càng dặn mình và đồng nghiệp phải luôn cẩn trọng, cảnh giác với… rác. Sau một lần thu gom rác từ bệnh viện, khu cách ly ra, anh cởi bỏ ngay bộ đồ bảo hộ cũ, thay bằng bộ mới để tiếp tục hành trình. Nước sát khuẩn lúc nào cũng ướt đẫm tay. Khẩu trang, kính bảo hộ luôn bưng kín mặt.

Là tài xế lái xe đi thu gom, mỗi ngày, anh Quốc bắt đầu ca làm việc từ 6 giờ sáng và thường kết thúc gần 20 giờ tối. Anh bảo, những ngày thường làm việc còn có Chủ nhật, có giờ nghỉ trưa. Còn từ đầu mùa dịch đến giờ, anh cùng đồng nghiệp làm xuyên trưa và chỉ nghỉ khi hết việc chứ không có khái niệm hết giờ. Bởi theo anh, rác thông thường nếu không thu gom kịp có thể du di. Riêng rác thải từ bệnh viện, khu cách ly nhất định phải thu gom và xử lý trong ngày, không thể chẫm trễ.

Vì vậy, anh và toàn đội phải làm việc liên tục với cường độ gấp đôi, gấp ba ngày thường để bảo đảm thu gom hết rác thải nguy hại của 40 điểm là các bệnh viện, khu cách ly trong ngày. “Chúng tôi xác định đây vừa là công việc, vừa là nhiệm vụ. Đã là nhiệm vụ thì phải có trách nhiệm, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh. Nếu ai cũng sợ nhiễm bệnh, từ chối công việc thì lấy ai thu gom, xử lý rác. Loại rác nguy hại này nếu không thu gom, xử lý triệt để thì mầm bệnh sẽ lan ra, nguy hiểm hơn nữa. Khi ấy, nỗ lực dập dịch của toàn thành phố coi như bỏ phí”, anh Quốc vừa nói, vừa đưa tay quệt dòng mồ hôi chực chờ chảy xuống mắt.

2. Ông Huỳnh Tấn Nhị (54 tuổi, quê xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) được mệnh danh là “lão đại” ở bãi rác Khánh Sơn vì có thâm niên gần 20 năm trong nghề. Sau nhiều năm bôn ba làm thuê đủ nghề kiếm sống, năm 35 tuổi, ông nộp đơn xin làm công nhân vệ sinh môi trường với suy nghĩ mong hằng tháng có đồng lương ổn định. Mỗi ngày, ông Nhị thức dậy từ 5 giờ sáng, chạy xe máy hơn 20 cây số từ nhà ở xã Hòa Phong đến trụ sở Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng (số 471, đường Núi Thành, quận Hải Châu) để kịp vào ca lúc 6 giờ sáng.

Tại đây, ông theo xe chuyên dụng, đi khắp các bệnh viện, khu cách ly để thu gom rác. Tại mỗi điểm, ông Nhị cùng đồng nghiệp chuyển rác vào thùng, cân khối lượng, ghi chép rồi đưa lên xe. Cứ thế, họ di chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, hết khu cách ly này đến khu cách ly khác. Xe đầy thì về bãi đổ rồi đi tiếp. Mỗi ngày, ông Nhị cùng đồng nghiệp đi 3-4 chuyến, mỗi chuyến kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ. Đồng nghĩa với việc ông luôn phải “gò” mình trong bộ đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay, kính trong chừng ấy thời gian. Những ngày trời nắng nóng, mồ hôi túa ra như tắm khiến ông mệt lả, chỉ mong nhanh về đến bãi để uống ngụm nước cho lại sức rồi đi tiếp.

Không chỉ theo xe thu gom, cứ cách một tuần, ông Nhị lại luân phiên vào lò đốt rác, thay cho người khác đi thu gom. Ông bảo, khó có thể so sánh việc nào nặng hơn việc nào. Bởi lẽ, dù đi thu gom hay vào lò đốt cũng đều phải tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh, đều mặc bảo hộ kín mít từ đầu đến chân và đều làm việc liên tục không nghỉ. Có chăng, nếu khác chỉ là khác không gian, địa điểm làm việc, còn mức độ nặng nhọc, nguy hiểm vẫn y như vậy. Những năm qua, số tiền từ công việc thu gom rác của ông Nhị là nguồn thu nhập chính trong nhà.

Mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng (sau khi trừ bảo hiểm) cùng các khoản phụ cấp đã giúp ông nuôi sống gia đình, nuôi hai con ăn học nên người. Đứa con đầu của ông đã tốt nghiệp đi làm, đứa út sắp sửa bước chân vào giảng đường đại học. “Thôi thì coi như tôi hy sinh đời bố để củng cố đời con. Dù ai nói gì thì nói, tôi vẫn luôn quý cái nghề mình làm. Nhờ có nghề này tôi làm được việc có ích, vừa nuôi sống được bản thân và gia đình”, ông Nhị vừa nói, vừa gỡ chiếc kính bảo hộ, lau mồi hôi phủ mờ mặt kính.

3. Hơn một tháng nay, anh Nguyễn Văn Hoàng (SN 1976, trú quận Hải Châu) gần như có mặt 24/24 tại lò đốt rác thải nguy hại (thuộc Xí nghiệp Quản lý Bãi và Xử lý chất thải). Bởi, anh là kỹ thuật duy nhất phụ trách vận hành lò. Hơn 10 năm làm việc tại lò đốt, chưa khi nào anh Hoàng phải làm việc với cường độ cao như những ngày qua. Trước đây, khi không có dịch, công việc của anh bắt đầu lúc 7 giờ sáng và kết thúc khoảng 17 giờ. Từ cuối tháng 7 đến nay, dịch bùng phát, khái niệm ngày cuối tuần với anh trở nên xa xỉ. Hằng ngày, lò đốt hoạt động khoảng 20 giờ, đồng nghĩa với việc anh cũng thức ngần ấy thời gian để vận hành lò. “Vì lò đốt có công suất hạn chế, trong khi lượng rác gom về rất lớn nên cần phải vận hành thông suốt để bảo đảm rác không ùn ứ”, anh Hoàng nói.

Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Bãi và Xử lý chất thải Võ Diệp Ngọc Quang cho biết, hiện nay xí nghiệp hợp đồng thu gom, xử lý rác thải nguy hại của 40 đơn vị là các bệnh viện, khu cách ly trên địa bàn thành phố với số lượng 5-7 tấn rác/ngày, tùy thời điểm. Hằng ngày, tại lò đốt rác nguy hại có 25 công nhân làm việc. Bộ phận đi thu gom, công việc bắt đầu lúc 6 giờ sáng và chỉ kết thúc khi thu gom xong. Những công nhân làm việc tại lò đốt được chia làm 2 ca: từ 7 giờ sáng đến 16 giờ 30 phút và từ 17 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau.

Để bảo đảm bữa ăn, giấc ngủ của công nhân, Xí nghiệp Quản lý Bãi và Xử lý chất thải đã lắp đặt một container có trang bị máy lạnh, đèn điện để công nhân làm ca đêm có chỗ nghỉ ngơi. Trong những ngày dịch bùng phát, xí nghiệp trang bị bếp, tủ lạnh, dụng cụ nấu ăn; hỗ trợ gạo, thực phẩm để mọi người tự nấu ăn; cấp thêm vitamin C, sữa tươi để tăng cường sức khỏe cho công nhân trong mùa dịch. Bên cạnh đó, Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố lấy mẫu xét nghiệp cho 490 công nhân trực tiếp thu gom, xử lý rác nguy hại, có nguy cơ lây nhiễm cao. May mắn, kết quả đều âm tính!

Theo lời anh Quang, các loại rác thải từ khu cách ly, bệnh viện có đến 80-90% là rác có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Vì vậy, công tác thu gom, xử lý loại rác này là một mắc xích quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Và những công nhân vệ sinh môi trường nói chung, công nhân làm công tác thu gom, xử lý rác thải nguy hại nói riêng là những nhân tố cực kỳ quan trọng, góp phần triệt tiêu mầm bệnh, không để dịch bệnh có cơ hội lây lan.

Theo Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng Trần Văn Tiên, hằng tháng, công nhân thu gom, xử lý rác nguy hại được nhận chế độ độc hại cao nhất công ty là 15.000 đồng/ngày, tiền ăn ca 20.000 đồng/ngày. Tiền lương hằng tháng của công nhân được tính căn cứ trên khối lượng rác thu được. Ngày thường, tiền lương hằng tháng của công nhân khoảng 7 - 7,5 triệu đồng/tháng. Trong những ngày Covid-19 bùng phát, lượng rác nguy hại thu gom từ các bệnh viện, khu cách ly lớn, tiền lương của công nhân theo đó, cũng tăng theo, trung bình mỗi công nhân nhận được từ 12 - 15 triệu đồng/tháng trong mùa dịch.

LAM PHƯƠNG



 

;
;
.
.
.
.
.