Tuân thủ quy định khi nới lỏng giãn cách xã hội

.

Sau khi thành phố có Công văn số 5896/UBND-VHXH về việc chuyển đổi trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 trên địa bàn Đà Nẵng kể từ 0 giờ ngày 5-9, các đơn vị, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc tuyên truyền, triển khai chủ trương này. Trong khi đó, người dân, hộ kinh doanh bày tỏ sự phấn khởi khi trở lại với nhịp sống mới.  

Các cửa hàng ăn uống được mở cửa trở lại nhưng chỉ phục vụ mang đi và tuân thủ quy định phòng dịch. Ảnh: K.H
Các cửa hàng ăn uống được mở cửa trở lại nhưng chỉ phục vụ mang đi và tuân thủ quy định phòng dịch. Ảnh: K.H

Đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra

Ngay sáng 5-9, UBND quận Thanh Khê đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai công tác tuyên truyền (bằng các hình thức trực quan, lưu động, cố định) và tăng cường hoạt động của các tổ giám sát Covid-19 cộng đồng để người dân không chủ quan về tình hình dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay. Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Hồ Thuyên cho biết, quận quán triệt cho các phường tiến hành kiểm tra các hàng quán, yêu cầu các chủ hàng, quán ký cam kết thực hiện việc chỉ bán hàng mang về, không tụ tập đông người, bảo đảm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Trước tình trạng chợ tự phát do một số người kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, phía ngoài khu vực các chợ, lực lượng quy tắc hỗ trợ bảo đảm trật tự vỉa hè và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; duy trì lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hộ bán hàng rong phía sau chợ Phú Lộc, tuyến đường Mẹ Nhu (đặc biệt trước Công ty CP Dệt may 29-3) vào giờ tan tầm. Sau công tác kiểm tra, rà soát, UBND quận Thanh Khê đã cho phép 3 chợ Lầu Đèn, Tân Lập và chợ Siêu thị được hoạt động trở lại và bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Lê Văn Nghĩa cho biết, quận tiếp tục chỉ đạo UBND các phường và ban quản lý các chợ tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các chợ, siêu thị; yêu cầu tổ công tác Covid-19 tại cộng đồng thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc theo quy định, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết; vận động các hộ gia đình có ma chay, hiếu hỉ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng đại diện hộ gia đình. Các tổ kiểm tra liên ngành của quận và các phường tiếp tục tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở; xử lý các trường hợp bán hàng rong. Các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, tăng cường loa tuyên truyền tại các chợ… Đối với các công trình được phép thi công phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đối với các hiệu sách, cửa hàng kinh doanh dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động phải bảo đảm thực hiện giãn cách.

Cũng trong hai ngày qua, UBND quận Hải Châu yêu cầu UBND các phường thông báo đến các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thực hiện theo đúng quy định của thành phố và tổ chức cam kết với UBND phường về công tác phòng, chống dịch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cơ sở. 567 tổ Covid cộng đồng trên địa bàn 13 phường thường xuyên thực hiện nhiệm vụ theo dõi sức khỏe, theo dõi giám sát các hộ gia đình trên địa bàn phường và các khu vực có bệnh nhân mắc Covid-19. Công an quận Hải Châu đã thành lập 2 tổ công tác tăng cường tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường 2

Tháng 9, Bạch Đằng, Như Nguyệt, cầu Thuận Phước nhằm nhắc nhở xử lý các trường hợp tập thể dục, tụ tập đông người; 3 tổ công tác tổ chức tiến hành kiểm tra việc chấp hành Chỉ thị số 19/CT-TTg ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận. Các lực lượng đã xử phạt vi phạm hành chính (do vi phạm công tác phòng, chống dịch) đối với 263 trường hợp, với tổng số tiền hơn 255 triệu đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Nguyễn Xuân Tiến, trong những ngày qua, UBND quận đã tổ chức cuộc họp mời các phường, ngành chức năng triển khai nghiêm túc chỉ đạo của thành phố. Riêng đối với các chợ, yêu cầu thực hiện nghiêm việc đi chợ theo phiếu (3 ngày 1 lần); rà soát, kiểm tra các điểm kinh doanh và phải thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử phạt nghiêm theo quy định. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi người dân nắm bắt đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố. “Các địa phương, ngành đã nắm rõ và có kinh nghiệm trong việc triển khai công tác phòng, chống dịch nên đến thời điểm này mọi việc vận hành khá trơn tru, chưa có gì phát sinh lớn xảy ra trên địa bàn quận”, ông Tiến cho hay.

Tuân thủ quy định

Đại diện Sở Công thương cho biết, trước quy định mới về nới lỏng giãn cách xã hội của thành phố, đơn vị chỉ đạo các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa Covid-19 cũng như phân chia tần suất đi chợ theo hình thức phát phiếu (3 lần/ngày/hộ gia đình). Sở cũng khuyến cáo người dân vẫn phải hết sức thận trọng trong việc duy trì áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch  khi đến các điểm thường xuyên tập trung đông người như chợ, siêu thị...

Các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt công tác phòng, chống Covid-19 trong trạng thái mới.  TRONG ẢNH: Lực lượng chức năng đo thân nhiệt, yêu cầu người dân đi chợ theo thời gian in trên phiếu vào chợ tại chợ siêu thị (quận Thanh Khê) vào sáng 6-9. Ảnh: VĂN HOÀNG
Các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt công tác phòng, chống Covid-19 trong trạng thái mới. TRONG ẢNH: Lực lượng chức năng đo thân nhiệt, yêu cầu người dân đi chợ theo thời gian in trên phiếu vào chợ tại chợ siêu thị (quận Thanh Khê) vào sáng 6-9. Ảnh: VĂN HOÀNG

Việc thành phố quyết định nới lỏng giãn cách, theo đó cho phép một số loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép bán mang đi, bán online khiến nhiều người dân, nhất là hộ kinh doanh nhỏ lẻ phấn khởi hơn hẳn vì có việc làm, kiếm thêm thu nhập. Chị N.T.H, tiểu thương bán trái cây tại chợ Siêu thị Đà Nẵng cho biết: “Chị em tiểu thương tại chợ rất vui mừng khi chợ được hoạt động lại. Ban quản lý chợ cũng thường xuyên nhắc nhở chúng tôi không lơ là, chủ quan khi bán hàng; đặc biệt tuân thủ các biện pháp an toàn về phòng, chống dịch bệnh. Chúng tôi đều ý thức được điều này.

Hy vọng rằng, tình hình dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, việc buôn bán của chị em cũng ổn định hơn”. Còn theo anh Đỗ Hồng Quân (chủ quán cà phê S.M.L đường Nguyễn Du), sau hơn 1 tháng đóng cửa, giờ được mở cửa kinh doanh theo hình thức bán mang đi, bán trực tuyến qua mạng internet nên đội ngũ nhân viên của quán rất phấn khởi. Dù doanh thu không bằng thời điểm không có dịch bệnh, nhưng cũng góp phần bù vào chi phí thuê mặt bằng hằng tháng.

Thực hiện chủ trương của thành phố, nhiều hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn vẫn tạm dừng hoạt động, tuy nhiên hoạt động động lưu trú được cho phép hoạt động trở lại, chỉ tạm dừng các dịch vụ khác tại các khách sạn, các cơ sở lưu trú. Hiện một số các khách sạn đã rục rịch mở cửa, dọn dẹp để sẵn sàng đón khách. Dù chưa có khách đặt phòng, đăng ký, nhưng theo đại diện một số khách sạn việc cho mở cửa các cơ sở lưu trú cũng là bước để chuẩn bị, sẵn sàng đón khách trở lại.

Ông Trịnh Bằng Sỹ, Giám đốc Điều hành khách sạn Phương Đông (đường Phan Châu Trinh) cho biết, sau hơn một tháng đóng cửa vì dịch bệnh, các nhân viên đã có mặt để dọn dẹp, lau chùi phòng ốc… và khách sạn chính thức mở cửa trở lại từ ngày 6-9, nhưng vẫn chưa có khách đến lưu trú. Dịch bệnh chưa chấm dứt hẳn nên sẽ gặp nhiều khó khăn và cần có thời gian kích cầu để thu hút khách trong thời gian tới.

Trong khi đó, tại bãi biển Đà Nẵng trong sáng 6-9, người dân đi tập thể dục có đông hơn so với trước đó. Ông Đặng Văn Tý, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, cho biết sau nhiều ngày thức hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, không tụ tập đông người, sáng cuối tuần ông đã đi ra biển chạy bộ vài vòng cho thoải mái rồi về.

Dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt nên vẫn phải tuân thủ các quy định về giãn cách và bảo đảm an toàn, sức khỏe. Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay, quy định mới vẫn là tạm dừng các hoạt động tắm biển nên người dân chủ yếu đi tập thể dục tại các khu vực công cộng. Ban quản lý vẫn duy trì lực lượng túc trực thường xuyên để nhắc nhở người dân bảo đảm giãn cách, đeo khẩu trang và không tụ tập đông người. Đồng thời tăng cường các nội dung tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, nội dung tuyên truyền tại các bảng treo, băng rôn sao cho phù hợp với các chỉ đạo mới của thành phố.

Sau khi UBND thành phố có chủ trương cho phép hoạt động vận tải hành khách công cộng được hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 5-9, theo ghi nhận, hiện tại chỉ mới có loại hình taxi và grap hoạt động trở lại, nhưng số lượng không nhiều, thậm chí nhiều hãng còn “án binh bất động”. Lý giải vấn đề này, tài xế xe grap Đặng Phụng (trú phường Khuê Mỹ,  quận Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Do lượng khách không có nên anh em lái xe cũng chưa mặn mà với việc cho xe quay lại hoạt động, chỉ vài chiếc chạy do có khách quen mà thôi”. Giám đốc Trung tâm điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng thành phố Đà Nẵng (DATRAMAC) Đặng Nam Sơn cho hay, hiện hệ thống vận tải công cộng có trợ giá của thành phố vẫn chưa hoạt động trở lại. Các bên đang tính toán các tuyến có số lượng hành khách đông để đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, kết hợp với việc xin điều chỉnh tuyến cho phù hợp với tình hình dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, dù chưa hoạt động trở lại, nhưng DATRAMAC cũng yêu cầu công ty vận tải hành khách công cộng phải tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống Covid-19 của các cấp, ngành khi đi vào hoạt động.

THÀNH LÂN

KHÁNH HÒA - VĂN HOÀNG - THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.