Bão số 6 tiến sát bờ biển Quảng Nam-Bình Định

.

ĐNO – Sáng sớm nay (11-10), bão số 6 mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới đã tiến sát bờ biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10. Trong khi đó, lũ trên sông Yên tại thượng lưu đập An Trạch đạt đỉnh lúc 0 giờ và hiện đang xuống rất chậm, nhưng sẽ có khả năng lên lại.

Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão số 6 (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia).
Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão số 6 (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia).

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 6, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió cấp 7, giật cấp 9; ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có mưa rất to, từ 100-150mm.

Lúc 4 giờ sáng 11-10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ vĩ bắc, 111,6 độ kinh đông, cách Quảng Nam khoảng 240km, cách Quảng Ngãi khoảng 180km, cách Bình Định khoảng 170km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10; bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây với tốc độ 20km/giờ và đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Đến 16 giờ ngày 11-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15 độ vĩ bắc, 108,5 độ kinh đông, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão số 6 di chuyển theo hướng tây với tốc độ từ 15-20km/giờ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.

Ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2-4m, biển động rất mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng cao từ 2-4m, biển động. Khu vực ven biển các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Nam có khả năng nước dâng do bão cao tới 0,5m.

Do ảnh hưởng của bão, từ sáng nay, trên đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; riêng đất liền ven biển các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; ở Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; ở Quảng Trị, Phú Yên có gió giật mạnh cấp 6-7.

Từ nay đến ngày 13-10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam từ 500-700mm, có nơi trên 700mm; các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi từ 400-600mm; các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên từ 300-500mm; ở phía nam của tỉnh Hà Tĩnh và khu vực phía bắc Tây Nguyên từ 200-300mm...

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ sáng đến trưa nay, lũ trên sông Vu Gia -Thu Bồn xuống dần. Đến chiều, tối nay (11-10), mực nước trên sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa xuống mức 8,5m, dưới báo động 3 là 0,5m; trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu ở mức 3,2m, trên báo động 2 là 0,2m; tại Hội An ở mức 2m, ở mức báo động 3.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Nam vẫn tiếp tục diễn ra và khả năng kéo dài trong những ngày tới.

Từ nay đến ngày 14-10, lũ trên các sông sẽ mở rộng ra các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum. Tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, đề phòng lũ trên các sông có khả năng lên lại.

Lũ đang xuống rất chậm, nhưng có khả năng sẽ lên lại do ảnh hưởng của bão số 6. Trong ảnh: Lũ tràn qua đường Hòa Tiến - Hòa Phong vào chiều 10-10. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Lũ đang xuống rất chậm, nhưng có khả năng sẽ lên lại do ảnh hưởng của bão số 6. Trong ảnh: Lũ tràn qua đường Hòa Tiến - Hòa Phong vào chiều 10-10. Ảnh: HOÀNG HIỆP

* Đến 4 giờ sáng 11-10, lũ trên sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa đã xuống mức 8,77m, dưới báo động 3 là 0,23m; trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu là 3,47m, dưới báo động 3 là 0,53m; sông Thu Bồn tại Hội An là 2,12m, trên báo động 3 là 0,12m.

Trong khi đó, lũ trên sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch mới đạt đỉnh lúc 0 giờ ngày 11-10 với mức 6,17m, cao hơn đỉnh lũ xảy ra vào ngày 8-10 là 30cm. Lũ trên sông Yên rút rất chậm, đến 5 giờ sáng 11-10, mực nước lũ trên sông Yên tại vị trí trên ở mức 6,08m.

Tại thượng lưu các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia, do lượng mưa giảm nên từ 20 giờ tối 10-10, các hồ thủy điện bắt đầu giảm xả lũ và duy trì mực nước hồ ở mức cao để chờ đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa hạ thấp và không gây thêm lũ cho hạ du. Đến 5 giờ sáng 11-10, hồ thủy điện Sông Bung 4 chỉ còn xả lũ qua tràn 540m3/s để duy trì mực nước trong hồ ở mức 219,9m (cao hơn mực nước trước lũ 2,2m; hồ thủy điện A Vương xả lũ qua tràn với lưu lượng 541m3/s để duy trì mực nước trong hồ ở mức 373m, thấp hơn mực nước trước lũ là 3m; hồ thủy điện Đak Mi 4 xả lũ qua tràn là 125m3/s...).

Tình hình lũ lụt còn rất phức tạp̣, khó lường, cần đề phòng lũ trên các sông Vu Gia, Thu Bồn và Tam Kỳ lên trở lại và lớn. Các cấp, các ngành cần theo dõi chặt chẽ, có phương án chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Tình hình lũ ngập sâu tại hạ lưu sông Yên dự kiến còn tiếp diễn đến chiều nay vì lũ rút chậm. Trong ảnh: Một khu vực bị ngập sâu tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang vào chiều 10-10. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Tình hình lũ ngập sâu tại hạ lưu sông Yên dự kiến còn tiếp diễn đến chiều nay vì lũ rút chậm. Trong ảnh: Một khu vực bị ngập sâu tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang vào chiều 10-10. Ảnh: HOÀNG HIỆP

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.