Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ

.

ĐNO - Trưa 16-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì cuộc họp triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa, lũ.

Nhiều đoạn đường bị ngập nước cục bộ do mưa rất to. Trong ảnh: Một đoạn đường Trần Thánh Tông (quận Sơn Trà) bị ngập nước vào chiều 16-10.Ảnh: HOÀNG HIỆP
Nhiều đoạn đường bị ngập nước cục bộ do mưa rất to. Trong ảnh: Một đoạn đường Trần Thánh Tông (quận Sơn Trà) bị ngập nước vào chiều 16-10. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân; tổ chức chằng chống nhà cửa, nhất là các nhà tạm chờ tái định cư; tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè khi thiên tai và có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản.

Thường xuyên kiểm tra, kiên quyết ngăn chặn, không cho người dân, các phương tiện đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng ngập, ngầm, tràn... Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống... dài ngày và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Các phường, xã có đồi, núi phải ngăn chặn, không cho người dân, du khách đến tham quan, du lịch, vui chơi, nhất là tại bán đảo Sơn Trà và các khu vực ở xã Hòa Bắc, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân vì rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

UBND các quận ven biển thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định, tổ chức kéo tàu thuyền nhỏ, thuyền thúng lên bờ. Các đơn vị chức năng cần hướng dẫn tàu thuyền vào neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang, nếu hết chỗ thì vào neo đậu tại sông Hàn, không cho tàu thuyền di chuyển qua khu vực mũi Nghê vì nơi này có sóng to, nguy hiểm.

Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng tiếp tục tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước, đập dâng do công ty quản lý, vận hành; phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn không cho người dân và phương tiện đi lại trong hồ và tràn xả lũ, đánh bắt cá tại các hồ đập.

Công nhân của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng trực khơi thông, chống ngập úng đường Lê Duẩn vào chiều 16-10. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công nhân của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng trực khơi thông, chống ngập úng đường Lê Duẩn vào chiều 16-10. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác ứng trực, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, thiết bị để kịp thời xử lý tại những vị trí xung yếu về thoát nước, có nguy cơ xảy ra ngập úng tại khu vực đô thị; khẩn trương kiểm tra nguồn điện bảo đảm hoạt động ổn định các trạm bơm chống ngập và có phương án thuê máy phát điện dự phòng để ứng phó sự cố mất điện.

Đồng thời, kiểm tra hoạt động của lưới chắn rác trạm bơm, bố trí nhân lực túc trực thường xuyên, theo dõi và xử lý kịp thời sự cố tại trạm bơm; bố trí nhân lực và chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm công suất lớn để kịp thời xử lý ngập úng tại các khu vực dân cư có địa hình thấp trũng...

Yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án bố trí cán bộ thường xuyên trực tại công trình, triển khai thực hiện ngay phương án xử lý bảo đảm thoát nước tạm thời cho các khu vực đang thi công dở dang, chưa được đấu nối thoát nước hoàn chỉnh, bị ngập úng hoặc có nguy cơ ngập úng.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố triển khai phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn; bố trí đủ lực lượng, phương tiện tại các khu vực, địa bàn xung yếu, trọng điểm để kịp thời hỗ trợ cho các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương các cấp chủ động ứng phó với mưa lũ.

Phối hợp, hỗ trợ các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai công tác sơ tán nhân dân, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai theo nhiệm vụ được phân công.

Ngành điện đang huy động phương tiện, nhân lực tập trung thay thế đường dây vào chiều 16-10, sớm khôi phục cấp điện trở lại cho khu vực quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Ngành điện đang huy động phương tiện, nhân lực tập trung thay thế đường dây vào chiều 16-10, sớm khôi phục cấp điện trở lại cho khu vực quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, áp thấp nhiệt đới sẽ gây gió mạnh và mưa lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với tổng lượng mưa từ 200-400mm có nơi trên 500mm. Cạnh đó, các thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia đang vận hành để hạ mực nước trong các hồ về mực nước cao nhất trước lũ nhưng mực nước trong các thủy điện vẫn đang ở mức cao. Khi có mưa lớn, lưu lượng dòng chảy lũ về các thủy điện sẽ tăng cao và các thủy điện sẽ xả lũ với lưu lượng lớn, rất lớn và kéo dài.

Vì thế, trên sông Vu Gia và các sông thuộc thành phố Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ trên các sông khả năng ở mức báo động (BĐ)2-BĐ3, có sông trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, đặc biệt lưu ý các khu vực ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê, Quá Giáng, Vĩnh Điện, như: các xã Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Phước; Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Nhơn, Hòa Bắc, Hòa Liên và phường Hòa Hiệp Bắc; lũ, ngập úng vùng trũng thấp, ven sông và đô thị, trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.

Áp thấp nhiệt đới đang áp sát bờ biển Đà Nẵng-Bình Định

Hồi 13 giờ ngày 16-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,8 độ vĩ bắc; 110,2 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định khoảng 160km về phía đông.

Lúc 2 giờ 30, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ phát bản tin dự báo cho biết sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 30km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ rồi suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 1 giờ ngày 17-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 15,4 độ vĩ bắc 105,5 độ kinh đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 12 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,5 đến 17,0 độ vĩ bắc; phía tây kinh tuyến 112,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

HOÀNG HIỆP-TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.