Đề cao vai trò người dân trong phòng, chống dịch

.

Ngày 3-10, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm vững 5 nguyên tắc chống dịch: phát hiện - truy vết - cách ly - khoanh vùng - dập dịch; đồng thời đề cao vai trò của người dân trong công tác phòng, chống dịch.

Học sinh Trường tiểu học Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) đeo khẩu trang trong lớp học để bảo đảm an toàn phòng bệnh.Ảnh: NGỌC PHÚ
Học sinh Trường tiểu học Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) đeo khẩu trang trong lớp học để bảo đảm an toàn phòng bệnh. Ảnh: NGỌC PHÚ

Thực hiện nghiêm chiến lược “chung sống an toàn với dịch bệnh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương khẩn trương lập sổ theo dõi sức khỏe người già, trẻ em, người có bệnh lý nền; triển khai khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám bệnh trước khi đến cơ sở y tế; tập trung kiểm soát tất cả các nguồn bệnh, thực hiện nghiêm túc 5 nguyên tắc trong phòng, chống dịch; xây dựng hệ thống giám sát, giao trách nhiệm cho người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.

Đi sâu việc kiểm soát nguồn lây bệnh trong cộng đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành tham mưu xây dựng tiêu chí an toàn tại các đơn vị, cơ sở y tế, trường học, nhà máy, trụ sở làm việc, siêu thị, chợ, các cơ sở lưu trú…, từ đó, hướng tới một xã hội an toàn. Khi xây dựng được các tiêu chí, yêu cầu địa phương kiên quyết chỉ đạo thực hiện.

Đối với người nhập cảnh hợp pháp (trong đó có chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài, người Việt Nam từ vùng dịch), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, ít nhất trong vòng 28 ngày, bao gồm 14 ngày cách ly tập trung và 14 ngày giám sát y tế.

Theo đó, người nhập cảnh phải khai báo y tế điện tử bắt buộc và cập nhật tình hình sức khỏe cá nhân ít nhất 1 lần/ngày. “Chính quyền địa phương tuyệt đối không để người nước ngoài nhập cảnh mà không thuộc đối tượng chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, không phải là lao động của doanh nghiệp có nhu cầu”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đã trải qua 2 đợt với 1.096 người mắc, 35 ca tử vong, trong đó, 1.020 người được điều trị khỏi. Hiện Việt Nam đã qua 30 ngày không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Y tế, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực ở các địa phương. Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài, tập trung kiểm soát người nhập cảnh vào Việt Nam qua biên giới, nhất là nhập cảnh trái phép; rà soát, quản lý các trường hợp nhập cảnh là chuyên gia.

Thành công từ sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát

Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống Covid-19 tại Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, trong giai đoạn 2 (bắt đầu từ ngày 24-7), Đà Nẵng ghi nhận 389 ca nhiễm Covid-19. Đến ngày 23-9, bệnh nhân Covid-19 cuối cùng tại thành phố Đà Nẵng được công bố khỏi bệnh. Đến nay (5-10), thành phố Đà Nẵng trải qua 38 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Để nhanh chóng khống chế dịch bệnh lây lan, Đà Nẵng đã gấp rút xây dựng các bệnh viện dã chiến, chuyển toàn bộ người bệnh, nhân viên y tế khỏi Bệnh viện Đà Nẵng và làm sạch bệnh viện này. Công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, giám sát chủ động tại cộng đồng cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn, Đà Nẵng đã nâng cao năng lực xét nghiệm từ 700 mẫu/ngày, lên 13.000 mẫu/ngày.

Tính đến ngày 23-9, Đà Nẵng đã xét nghiệm tổng cộng 326.896 lượt người… Bà Ngô Thị Kim Yến cho biết, bài học thành công trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19 của Đà Nẵng vừa qua chính là sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quốc gia, Bộ Y tế, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng trong công tác kiểm soát, phòng, chống dịch.

Các nguyên tắc, yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh trong công tác phát hiện, truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly, điều trị được thực hiện nghiêm ngặt. Các đơn vị đã chủ động đánh giá, phân tích kịp thời các yếu tố nguy cơ, khẩn trương áp dụng mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch cấp bách như giãn cách xã hội, dừng các hoạt động tập trung đông người, các hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng lòng của người dân trong công tác kiểm soát và khống chế dịch bệnh, sự hỗ trợ của các đơn vị, địa phương… đã góp phần giúp Đà Nẵng khống chế được dịch bệnh.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.